HỘI THẢO KHOA HỌC “VĂN HIẾN VĨNH PHÚC – TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI”

Sáng ngày 25/11, tại Sông Hồng Resort, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hiến Vĩnh Phúc – Truyền thống và hiện đại”. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phú (1/1/1997 – 1/1/2017). Đoàn chủ tịch điều hành và chủ trì Hội thảo có đ/c Trần Văn Vinh – PBT Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đ/c Nguyễn Văn Trì – PBT Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Giáo sư Hoàng Chương – Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đức Cường – Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo

Bước vào thời kì đổi mới, Đảng ta đã xác định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội”. Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã luôn quan tâm đầu tư phát triển văn hóa song hành cùng với phát triển kinh tế, trong đó việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được coi trọng. Với ý nghĩa tôn vinh các giá trị nhân văn cốt lõi của đất và người Vĩnh Phúc, Hội thảo “Văn hiến Vĩnh Phúc – Truyền thống và hiện đại” được tổ chức để làm sáng tỏ hơn, khẳng định những giá trị văn hóa của địa phương, để mỗi người dân Vĩnh Phúc thêm phần tự hào và có trách nhiệm gìn giữ, phát huy.              

Gần 50 tham luận được trình bày tại hội thảo đều khẳng định sự phong phú, đa dạng, đặc sắc, những nét riêng có của kho tàng văn hóa Vĩnh Phúc – cả văn hóa vật thể và phi vật thể, đã được các thế hệ người Vĩnh Phúc sáng tạo nên qua các thời kỳ lịch sử. Các tham luận cũng làm rõ những kết quả nghiên cứu mới về văn hóa Vĩnh Phúc; những thành tựu cần phát huy, chỉ ra những tồn tại cần khắc phục cũng như đề xuất, kiến nghị những giải pháp trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa Vĩnh Phúc. Các tham luận còn phân tích, đề cập, làm sáng tỏ truyền thống văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào các chủ đề: Đất và Người Vĩnh Phúc; ngũ vị phúc thần thờ phụng của Vĩnh Phúc; Nguyễn Thái Học và huyền thoại về lòng yêu nước; Vĩnh Phúc – mảnh đất giàu tiềm năng sáng tạo văn chương; Vĩnh Phúc – miền đất văn hiến; Bí thư Kim Ngọc và thông điệp của sự nghiệp đổi mới; Quốc Mẫu Tam Đảo và Quốc Mẫu Tây Thiên – hai hay là một; Vĩnh Phúc – diện mạo văn hóa một vùng; Văn hiến Vĩnh Phúc với xây dựng Vĩnh Phúc giàu đẹp.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cho rằng, những kết quả nghiên cứu mới về văn hóa Vĩnh Phúc tại hội thảo đã nêu bật những thành tựu cần phát huy và bảo tồn. Đồng thời khẳng định, thành công của hội thảo là sự cổ vũ rất lớn đối với cán bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc để cùng nhau đoàn kết, xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng giàu mạnh như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm tỉnh năm 1963 “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.

 

                                                                                      Linh Trang

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *