DI TÍCH LỊCH SỬ – VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA ĐỀN THÁNH MẪU THỊ TRẤN THANH LÃNG –HUYỆN BÌNH XUYÊN – TỈNH VĨNH PHÚC

  1. Tên Di tích

– Di tích lịch sử đền Thánh Mẫu, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

– Tên gọi khác của Di tích: Đền nhà bà. Tên chữ “Thánh mẫu từ” hay còn gọi là đền “Quốc mẫu”.

  1. Loại hình Di tích

– Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

  1. Quyết định công bố Di tích

Quyết định công nhận số 1266-VHQĐ ngày 22/9/1992 của Bộ văn hóa thông tin thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

  1. Địa điểm và kiến trúc di tích

Di tích lịch sử đền Thánh Mẫu nằm tại TDP Minh Lương, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đền Thánh Mẫu có tổng diện tích là 6.705m2, trong đó diện tích xây dựng khu thờ tự là 3.114 mđược khởi dựng từ lâu đời, kiến trúc hiện còn mang đậm nét nghệ thuật kiến trúc xưa. Đền có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian 2 dĩ và hậu cung 3 gian.

Bố cục tổng thể của di tích bao gồm: Cổng nghinh môn, hệ thống hàng rào, nhà tiền tế, nhà hậu cung, nhà tả vu, nhà hữu vu, nhà hóa vàng, hệ thống sân vườn nội bộ.

Toàn cảnh Đền Thánh Mẫu

– Cổng Nghinh môn: gồm lối đi chính và 02 lối đi phụ. Lối đi chính được hình thành bởi 02 cột đồng trụ lớn, cột đồng trụ, chân đắp lộc bình, đầu cột đắp quả giành và cánh phong bởi tứ phượng, thân được đắp chỉ nổi và viết chứ nho tại 03 mặt cột. Lối đi phụ gồm 02 lối đối xứng. Lối đi được hình thành bởi cột đồng trụ nhỏ và hệ thống tường rào, lối phụ được đắp 02 tầng mái đao cỡ nhỏ.

– Nhà tiền tế: được xây dựng hình chữ nhất, kiểu kiến trúc tầu đao lá mái, con chồng, giá chiêng. Toàn nhà được làm bằng gỗ, hệ thống cửa bức bàn, mái lợp ngói mũi hài, công trình có giá trị văn hóa nghệ thuật rất đẹp.

Kiến trúc bên ngoài Nhà tiền tế

Một số hình ảnh bên trong nhà tiền tế

– Nhà hậu cung: được xây dựng hình chữ đinh, kiểu kiến trúc tầu đao lá mái, bít đốc phần hậu cung, bên trong các cấu kiện bằng gỗ kiểu con chồng, giá chiêng

Kiến trúc bên ngoài nhà hậu cung

Một số kiến trúc bên trong nhà hậu cung

– Bia lịch sử: được xây dựng những năm 1992, trên đó ghi sơ bộ lịch sử hành trạng của Thánh mẫu và lịch sử ngôi đền, bia cao 1,8m, trên bia khắc chữ màu vàng một mặt trước. Chân bia ngự trên để là lưng cụ rùa, phần đế bia làm bằng đá thanh hóa vuông.

Bia lịch sử Đền Thánh Mẫu

– Nhà tả vu và nhà hữu vu: công trình được xây dựng khá lâu, công trình xây theo kiểu chữ nhất.

  1. Sơ lược lịch sử Di tích

Đền Thánh Mẫu là nơi thờ Thánh Mẫu Triệu Thị Khoan Hòa.

Thánh Mẫu Triệu Thị Khoan Hoà thuộc di duệ họ Triệu, ngọc phả ghi lại “Thánh Mẫu thuộc dòng dõi Vua Hùng Vương thứ 18” và đã từng làm thứ phi vua Vệ Dương Vương. Từ khi họ Triệu mất nước, bà phải trốn tránh quân Hán, sống lưu lạc rồi đến cư ngụ ở chùa Quảng Hưu, xã An Lãng, huyện Chu Diễn; nay là xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên.

Bà vốn là người con gái xinh đẹp tài sắc vẹn toàn. Bà có 5 người con trai, cả 5 đều có sức tài hùng dũng, chí khí hơn hẳn người thường, lại tinh thông võ nghệ, giỏi văn chương, ý chí như biển rộng. Tương truyền, 5 người con của bà được sinh ra cùng một bọc do giấc mộng tình với vị thần Vịt ở xứ này, nở ra từ 5 quả trứng. Cũng bởi vậy, Bà đặt tên cho 5 con đều có chữ “áp Lang”, nghĩa là chàng Vịt.

Sau này Thánh Mẫu hóa tại gò Minh Lương vào ngày 10-11 âm lịch và được nhân dân mai táng ở khu Minh Lương (TDP Minh Lương). Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, 5 người con của Thánh Mẫu đã khôn lớn, năm anh em đều đến hội với Bà Trưng ở cửa sông Hát, đem theo hơn 1000 người là dân bản địa. Được Hai Bà Trưng giao nhiệm vụ đốc xuất thủy quân, lục quân đánh thành Luy Lâu, năm vị Áp Lang chỉ huy quân đại phá một trận quyết liệt, Thái thú Tô Định thua to phải chạy về nước.

Do lập được nhiều chiến công hiển hách nên cả 5 vị đều được Hai Bà Trưng ban thưởng, phong chức tước, trở thành 5 vị Đại Vương:

– Chàng cả được phong làm Nhất phong vị Triều đình áp Lang tướng quân.

– Chàng hai được phong là Nhất phong vị giám sát nhung vụ tướng quân.

– Chàng ba được phong là Nhất phong vị Quý Minh tướng quân.

– Chàng tư được phong làm Nhất phong  Điều Lương tướng quân chuyển vận sướng mễ.

– Chàng năm được phong làm Nhất phong Cương Đoán tướng quân hướng tiền đại lộ).

– Phong mẹ của 5 anh em là “Quốc mẫu hoàng hậu công chúa”.

Nhờ sự giúp sức của năm anh em chàng Vịt và cùng nhiều các vị tướng tài giỏi khác. Chỉ trong thời gian ngắn Hai Bà đã thu phục được 64 thành trì. Bà Trưng Trắc xưng vương. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và các tướng sỹ, với sự giúp sức của nhân dân cả nước thắng lợi rực rỡ, giang sơn trở lại thái bình. Bà Trưng Trắc lên ngôi vua, hiệu là Trưng Nữ Vương, các tướng sỹ đều được phong thưởng.

Khi giặc Hán trở lại cướp nước ta một lần nữa, dưới sự chỉ huy của Hai Bà Trưng, năm vị Áp Lang cùng các tướng đã chiến đấu rất dũng cảm song thế giặc mạnh nên quân ta chống cự không nổi. Hai Bà bại trận tại Cấm Khê, 5 vị tướng từ trong vòng vây của quân thù đã mang được thi hài Hai Bà an táng ở Hi Sơn (thuộc làng He,  phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên), năm Áp Lang chạy về bản ấp tuẫn tiết để bảo toàn khí tiết.

Ghi nhớ công lao của năm vị Áp Lang cùng thánh mẫu Triệu Thị Khoan Hòa, nhân dân An Lãng đã lập đền, miếu để thờ cúng. Thời Vua lê Thánh Tông năm thứ 12 niên hiệu Hồng Đức (1460-1497) phong sắc cho Thánh Mẫu và 5 vị thần được thờ: Xã An Lãng phân thành xã Xuân Lãng, xã Hợp Lễ thôn Minh Lương cùng phụng sự Thánh Mẫu và 5 vị thần. Về sau, các triều vua đều gia ban mỹ tự và chuẩn cho tứ xã (Yên Lan, Xuân Lãng, Minh Lương, Hợp Lễ) phụng sự các vị.

Bà Triệu Thị Khoan Hoà tuy không trực tiếp đứng dưới cờ của Hai Bà Trưng, nhưng bằng sự giáo dưỡng của Bà, năm người con trai đã trở thành những vị tướng lĩnh tài giỏi và hiếu nghĩa giúp Hai Bà Trưng giành được độc lập. Sau này Bà được nhân dân tôn xưng, lập đền thờ tự khi bà mất. Danh hiệu Mẫu của Bà được suy tôn từ trong số các nữ thần được thờ cúng trong một số làng xã tại Vĩnh Phúc. Trải qua các triều đại, Bà được truy phong ở hàng Thánh Mẫu năm Khải Định thứ 9 (1924) và sau này là “Thượng Đẳng Phúc Thần” được toàn dân thờ phụng, tưởng niệm với lòng thành kính.

Một trong những bản sắc phong được lưu giữ tại di tích

Hiện nay, tại thị trấn Thanh Lãng di tích thờ Thánh Mẫu Triệu Thị Khoan Hòa và 5 vị Áp Lang là: Đền Thánh Mẫu (xếp hạng quốc gia) thờ Quốc mẫu Hoàng hậu công chúa Triệu Thị Khoan Hòa, đền Xuân Lãng (xếp hạng quốc gia) thờ Ô Mễ đại vương, đình Hợp Lễ (xếp hạng cấp tỉnh) thờ Quý Minh đại vương và miếu Yên Lang (xếp hạng cấp tỉnh) thờ Trình đình Áp Lang Nga hoàng đại vương, Giám sát Nhung vụ đại vương, Cương đoán đại lộ đại vương.

Với tấm lòng thành kính, ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân, ngày 11-5-2017, Ban quản lý di tích lịch sử đền Thánh Mẫu, thị trấn Thanh Lãng đã làm lễ khởi công xây dựng bia tưởng niệm ngũ vị Đại Vương tại khu gò mối nơi tuẫn tiết của 5 vị tương. Qua đó không chỉ góp phần tôn lên vẻ đẹp không gian, cảnh quan cho khu di tích mà còn góp phần bảo tổn, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, giúp thế hệ hôm nay và mai sau luôn trân trọng tri ân công lao dựng nước và giữ nước của tổ tiên và ông cha ta.

Bia tưởng niệm ngũ vị Đại Vương

  1. Các hiện vật trong Di tích

Trải qua chiến tranh và những biến động của thời gian, đến nay, khu đền Thánh Mẫu vẫn được người dân bảo vệ chu đáo. Các di vật quý như các sắc phong, bàn thờ, đòn kiệu và các đồ tế khí… được giữ gìn toàn vẹn cho đến ngày nay như:

– Một cuốn ngọc phả viết bằng chữ Hán được sao lại năm Bảo Đại thứ 6.

– Sắc phong: Đền hiện còn 5 đạo sắc phong của các triều vua Nguyễn phong sắc cho.

– Một long ngai thờ “Thánh Mẫu” kích thước cao 1m6, rộng 50cm x 70xm.

– Bài vị ghi “Quốc mẫu hoàng hậu công chúa đại vương thần vị”.

– Hai sập thờ có nghệ thuật chạm khắc thời Nguyễn.

– Một hương án cam 1m3 dài 1m37 rộng 42cm.

– Một đỉnh gỗ kiểu 4 chân quì có trạm hoa văn cao 0,35cm, vuông cạnh 19cm, 2 bên có hai đai rồng.

– Một bộ sưu tập hiện vật đồng.

– Trong Đền còn lưu giữ một số câu đối cổ.

Một số hiện vật cổ còn lưu giữ tại di tích:

Ngọc phả viết bằng chữ Hán

7. Phong tục lễ hội
Hàng năm, vào ngày 10 tháng 11 (âm lịch), người dân Thanh Lãng lại mở hội, người người náo nức đi xem rước kiệu, đấu vật, chơi cờ… Đó là dịp để dân làng tụ hội, tưởng nhớ tới vị Thánh Mẫu, người có công sinh thành nuôi dưỡng năm Chàng Vịt – các vị tướng tài của Hai Bà Trưng.

Đền Thánh Mẫu từ xa xưa đã tổ chức nhiều lễ hội lớn như:

– Lễ tiệc giao ngôn (tháng giêng)

– Lễ tiệc xuân (từ mùng 9 đến 12 tháng giêng)

– Lễ tiệc xuống đồng (tháng 5 âm lịch)

– Lễ dịch bào (từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 8)

– Lễ tiệc cơm mới (tháng 9 âm lịch)

– Lễ giỗ mẫu từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 11 âm lịch.

Tuy nhiên, theo thời gian cùng thăng trầm lịch sử với những thay đổi của kinh tế -xã hội hiện nay Đền Thánh Mẫu còn duy trì 03 lễ chính là: Lễ tiệc xuân (từ mùng 9 đến 12 tháng giêng); Lễ dịch bào (từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 8) và Lễ giỗ mẫu từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 11 âm lịch.

Một số hình ảnh lễ hội Đền Thánh Mẫu

Lãnh đạo thị trấn dâng hương tại Lễ Dịch Bào năm 2013

Lãnh đạo UBND thị trấn tại lễ Đền Thánh Mẫu năm 2020

Lễ tế vật năm 2007

Một số hình ảnh đấu vật tại Đền Thánh mẫu

Đền Thánh Mẫu, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vỉnh Phúc là di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật có giá trị lớn về mặt lịch sử và xã hội.. Đây cũng là niềm tự hào, là điểm tựa tâm linh không chỉ của riêng người dân Thanh Lãng mà còn của người dân trong vùng, là chốn tìm về nguồn cội của biết bao người trên mảnh đất này. Để những giá trị văn hóa được lưu truyền mãi mãi về sau, thế hệ hôm nay cần gìn giữ, bảo tồn những di vật, các hạng mục hiện trạng của di tích lịch sử Đền Thánh Mẫu. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và đặc biệt cho thế hệ trẻ huyện Bình Xuyên nói chung và tuổi trẻ thị trấn nói riêng. Từ đó góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp và phát triển.

(Học sinh trường tiểu học Thanh Lãng B tìm hiểu về di tích Đền Thánh Mẫu)

 

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *