Đất lành Hải Lựu

Xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc nơi có dòng sông Lô chảy qua, là điều kiện cho nơi đây giao lưu văn hóa với các địa phương lân cận. Vì vậy từ xa xưa người Hải Lựu đã nổi tiếng với nhiều nghề, đôi bàn tay người Hải Lựu được mệnh danh là đôi bàn tay vàng trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất các ngành nghề thủ công và đặc biệt là nuôi trâu chọi.

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt, nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Nam Việt là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để truyền cho quân sĩ tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, quả cảm như các đấu sĩ trâu. Trâu sau khi chọi đều được thịt để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó. Truyền rằng các quân được ăn thịt trâu chọi thân hình tráng kiệt sức khỏe hơn người chính vì thế mà người dân Hải Lựu luôn trụ vững trước quân xâm lược.

 

Lễ hội Chọi trâu được tổ chức hàng năm tại Hải Lựu

Những con trâu chọi lớn lên qua đôi tay chăm sóc của những con người Hải Lựu cũng rất khác biệt so với chăn nuôi trâu thường. Trâu chọi ngoài cho ăn cỏ ra còn có cám ngô cám gạo, đặc biệt không cho đi xa, không cho đi phối giống, không được đi cày kéo. Đặc biết trước trận đấu, không được để hai trâu gặp nhau, mỗi khi trâu đi ra khỏi nhà người nuôi phải quan sát thật kĩ, nếu trâu húc nhau trước ngày hội sẽ vi phạm quy định ban tổ chức. Nhưng, người nuôi trâu vẫn phải cho trâu đi chăn để tăng thể lực, đó cũng là quá trình để trâu hiểu những kí hiệu riêng của chủ và để trâu làm quen với sân chọi, bởi vậy chăn trâu chọi là một việc không hề đơn giản. Để nuôi được một con trâu tốt cần bàn tay của người giàu kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng và huấn luyện. Đó đều là những kinh nghiệm đã được truyền đi truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác, vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Ngoài trọi châu, khi đến với Hải Lựu, bạn còn có thể đến thăm thôn Dừa Lễ, nơi những đàn cò bay lượn lượn giữa đồng, mang đến cảm giác con người và thiên nhiên như hòa vào làm một.

Hành trình trên những đường làng quanh co, dưới những vườn cây trái rợp bóng sẽ đưa bạn các bạn ghé thăm “Vườn cò Hải Lựu”. Tiết trời oi nóng những ngày hè bỗng chốc mát dịu bởi khung cảnh làng quê yên bình, bãi cỏ non xanh mướt xa tận chân trời, dòng nước mênh mông lăn tăn ngọn sóng, những rặng tre bạt ngàn. Mọi ồn ào, bụi bặm nơi phố phường nhanh chóng bị lãng quên, không những thế bạn còn được tận mắt quan sát tập tính của những loài cò, ngắm nhìn những đàn bò thong thả gặm cỏ bên bãi cỏ non, về đây chỉ có bạn thiên nhiên và đất trời.

Vườn cò có diện tích 15ha, nơi đàn chim làm tổ là 7ha, là một khu đồi còn sót lại của cánh rừng Hải Lựu, được gia đình bà Vũ Thị Khiêm bảo vệ và quản lý, người dân địa phương cho biết từ năm 1958 đàn cò về đây làm tổ nhiều vô kể. Bà Khiêm kể rằng bà đã trông nom vườn cò này suốt 60 năm qua.

Đàn cò thường về đây làm tổ từ khoảng 10/3, rồi đến mùng 2/9 cò lại bay đi. Đất lành chim đậu mỗi năm đàn cò lại càng đông thêm. Vườn cò bà Khiêm trở thành một địa điểm tham quan không thể bỏ qua khi về với vùng quê Hải Lựu nhất là lúc vụ mùa tầm tháng 5 tháng 6 hàng năm.

Những đôi bàn tay hăng say lao động chính là động lực để Hải Lựu vươn cao, phát triển ngày càng giàu đẹp. Những bàn tay khéo léo đó làm giàu truyền thống lâu đời,  là vùng quê yên bình nơi để đàn chim trở về làm tổ.

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *