Thực hiện đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu giai đoạn I trên địa bàn tỉnh, huyện Tam Đảo là địa phương được ưu tiên xây dựng nhiều nhất với 5 làng, đây đều là những làng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, ven chân núi Tam Đảo, chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Đồng Bùa, nơi tập trung phần lớn đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống, vốn xa trung tâm nhất của xã Tam Quan, dưới chân núi Tam Đảo, không có tuyến đường giao thông lớn để kết nối. Từ khi được chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, nơi đây như được thổi bùng lên bởi luồng sinh khí mới. Nhiều tuyến đường của thôn vốn là đường bê tông xuống cấp hoặc đường đất thì nay đã đổ bê tông hoặc trải nhựa phẳng phiu; đường có tên, nhà có số; cùng với các tuyến đường rợp bóng cờ hoa, cây xanh và tranh bích họa đã tạo nên diện mạo một làng quê văn minh, sáng, xanh, sạch đẹp.
Làng văn hóa Đồng Bùa Tam Đảo khang trang sạch đẹp
Từ nhiều tháng nay, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của thôn Đồng Bùa cũng sôi động hơn hẳn. Tại Khu thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao của thôn, dù chưa hoàn thiện nhưng nhiều người dân từ người già đến trẻ nhỏ đã tranh thủ ngày 2 buổi sớm, tối ra tập luyện thể dục thể thao, giao lưu văn hóa văn nghệ hoặc đơn giản chỉ là đến để nghỉ ngơi, trò chuyện chứng kiến sự đổi thay của làng quê. Đặc biệt, mới đây nhằm cổ vũ, động viên và tiếp tục khơi dậy phong trào văn nghệ, thể thao phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tam Đảo đã phối họp với UBND xã Tam Quan tổ chức Giải bóng chuyền hơi – Giao lưu văn nghệ 5 Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn huyện và Hội thi gói bánh trưng bánh giầy của đồng bào dân tộc Sán Dìu, chương trình đã thu hút được đông đảo người dân cùng hàng chục các câu lạc bộ đến từ các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn huyện tham gia, hưởng ứng tích cực, tạo khí thế sôi nổi, tinh thần phấn khởi cho các tầng lớp Nhân dân, góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống và những nét đặc sắc của địa phương.
Nhiều câu lạc bộ Soọng cô được thành lập nhằm bảo tồn và phát huy dân tộc
Xúng xính trong bộ trang phục dân tộc Sán Dìu trên con đường hoa của làng đang vào thời điểm nở đẹp nhất, các thành viên CLB Soọng cô thôn Đồng Bùa hào hứng cho biết: Đây chính là thành quả của chị em phụ nữ chúng tôi. Sống giáp chân núi, đi lại khó khăn lại xa trung tâm, có được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, của huyện như bây giờ là điều chúng tôi không bao giờ dám nghĩ tới. Chúng tôi cảm thấy vô cùng biết ơn và tự nhủ phải cố gắng giữ gìn vun đắp cho quê hương thêm tươi đẹp và giàu bản sắc”.
Nói về hoạt động của Câu lạc Soọng cô, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: “Là câu lạc bộ mới thành lập nên chúng tôi đang sinh hoạt 4 buổi tối mỗi tuần, ngoài thực hành, truyền dạy các làn điệu cổ để bảo tồn thì Câu lạc bộ còn học thêm nhiều làn điệu mới có tính nhạc, cuốn hút người nghe để biểu diễn trên sân khấu. Ngoài ra chúng tôi còn tích cực đi giao lưu ở một số câu lạc bộ khác trong và ngoài huyện để học hỏi thêm kinh nghiệm. Nhiệm vụ trước mắt là kết nạp thêm hội viên, nhất là hội viên trẻ để câu lạc bộ có tính kế thừa và bảo tồn tốt hơn. Chúng tôi hy vọng sẽ mang được lời ca, tiếng hát, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình tới với du khách và mang lại nguồn thu cho câu lạc bộ”.
Từ khi có chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, ngoài phát triển kinh tế thì phong trào văn nghệ, thể thao của huyện cũng diễn ra sôi nổi. Nhiều câu lạc bộ ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp được thành lập và hoạt động tích cực, đặc biệt phải kể đến các câu lạc bộ Soọng cô được thành lập ở những Làng văn hóa kiểu mẫu. Với đặc thù gần 50% dân số là đồng bào dân tộc Sán Dìu, để khuyến khích phong trào và giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân, huyện đã và đang tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trong đó chú trọng việc quảng bá, truyền thông những nét đặc sắc của đồng bào Sán Dìu. Thông qua đó, giúp người dân thêm yêu, tự hào và tự giác giữ bản sắc dân tộc mình. Đây cũng là một trong những giải pháp để Tam Đảo hấp dẫn hơn trong mắt du khách, giúp cho các Làng văn hóa kiểu mẫu có thêm cơ hội đón khách tới thăm, phát huy thể mạnh cảnh quan.
Diện mạo Làng văn hóa kiểu mẫu ngày càng khang trang, hiện đại
Với đặc thù có tỷ lệ đồng bào dân tộc Sán Dìu đông nhất xã với hơn 80% dân số, thôn Bàn Long xã Minh Quang cũng là một trong 5 Làng văn hóa kiểu mẫu của huyện Tam Đảo. Đến với thôn Bàn Long những ngày này nhiều người không khỏi bỡ ngỡ trước diện mạo đổi mới về cơ sở hạ tầng và đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây. Là thôn miền núi nhưng hầu hết các hộ gia đình đều đã xây dựng nhà cửa kiên cố theo kiến trúc mới, hiện đại. Từ khi được chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, nhận thức của bà con nơi đây cũng có sự thay đổi rõ rệt. Nếu như trước đây tuyến đường trục chính của thôn vốn nhỏ hẹp gây nhiều khó khăn trong việc đi lại của bà con, nhất là khi có công việc hoặc khi giao dịch buôn bán sử dụng đến xe tải để bốc dỡ hàng hóa, thì giờ đây con đường của thôn đã trở nên thoáng rộng hơn rất nhiều, 2 xe ô tô có thể di chuyển thoải mái. Có được sự chuyển biến trong suy nghĩ đó chính bởi sự tuyên truyền của các cấp ủy Đảng và các hội, đoàn thể và chính bởi nhân dân trong thôn đã thấy được đường giao thông chính là huyết mạch cho sự phát triển nên nhiều hộ dân trong thôn đã tự nguyện di chuyển cây cối, đập bỏ tường rào, hiến đất mở rộng đường.
Nhiều hoạt động thể dục thể thao tại làng văn hóa mới
Trong niềm vui, niềm phấn khởi, tự hào, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng từng ngày của quê hương. Với sự quan tâm hỗ trợ tỉnh cũng như của huyện trong phát triển kinh tế, văn hóa tinh thần cùng ý chí, khát vọng vươn lên của người dân Tam Đảo, những Làng văn hóa kiểu mẫu dưới chân núi Tam Đảo đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc với sức sống căng tràn và lan tỏa khắp mọi miền quê đang dần hiện hữu.
Hồng Quân