Nằm trọn vẹn trên một quả gò cao khoảng 6m so với mặt ruộng trũng xung quanh, có tổng diện tích 8,5ha, thuộc thôn Đông, thị trấn Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Di tích cách trung tâm huyện lỵ Yên Lạc 1,5km về phía Đông, nằm sát đường 305 tỉnh lộ. Kể từ khi phát hiện (năm 1962) đến nay, di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu vẫn được bảo vệ nguyên vẹn, phục vụ tích cực cho các cuộc khai quật, nghiên cứu, tham quan học tập của các cơ quan khoa học chuyên ngành, các nhà khoa học trong nước, ngoài nước và học sinh các trường tại địa phương.
Toàn cảnh khu di tích khảo cổ Đồng Đậu
Qua 6 lần thám sát và khai quật lớn vào các năm: 1965 1966, 1967, 1968 1969, 1984, 1987 và 1999, với tổng diện tích là 758m2, tập trung ở các sườn phía Đông, Nam, phía Tây và đỉnh gò với tầng văn hoá dày trung bình trên 3m (có chỗ tới 6,00m) đã phát hiện được rất nhiều di vật khảo cổ với hàng nghìn tiêu bản hiện vật, hàng tấn mảnh gốm các loại, cực kỳ phong phú về chất liệu, chủng loại, đa dạng về loại hình, kiểu dáng
– Đồ đá: Các loại công cụ sản xuất có: Rìu, bôn, đục (394 chiếc), bàn mài (249 chiếc) đồ trang sức có: Vòng tay, hạt chuỗi, khuyên tai (488 mảnh).
– Đồ xương: Mũi giáo, lao, mũi tên, mũi khoan, dùi.
– Đồ đồng: Rìu, giáo, lao (23 chiếc), lưỡi cày (46 chiếc), dùi, kim, khuôn đúc (10 khuôn), mũi tên (64 chiếc), búa và đũa đồng
– Đồ gốm: bao gồm đồ đựng, đồ đun nấu, đồ phục vụ sinh hoạt, tín ngưỡngCác loại bình, nồi, vò, chậu, chân chạc, bi gốm, chì lưới, tượng.
Từ các hiện vật phát hiện trong tầng văn hoá, qua phân tích cổ sinh vật học và phân tích bào tử phấn hoa, các loại động thực vật đã được sử dụng làm thức ăn có: Voi, lợn rừng, trâu bò, lợn, gà, chim, chó, cá các loại.
Thực vật có: Lúa gạo, ngô, đỗ các loại, nhiều loại rau xanh, một số loại hạt rừng như: Trám, dẻ, sấu
Từ những di vật khảo cổ được phát hiện, qua quá trình nghiên cứu, đến nay có thể nhận biết cơ bản về di tích khảo cổ học Đồng Đậu như sau:
1. Là một di chỉ cư trú của người Việt cổ lớn nhất ở trung tâm vùng tam giác châu thổ Bắc Bộ, phạm vi diện tích phân bố rộng nhất, tầng văn hoá dày nhất, chứa đựng khối lượng hiện vật khảo cổ rất lớn và phong phú.
2. Các giai đoạn văn hoá khảo cổ theo quá trình diễn tiến liên tục tại di tích khảo cổ Đồng Đậu đã khẳng định rất rõ là: Lớp sớm nhất từ Phùng Nguyên, tiếp theo đến Đồng Đậu, Gò Mun và cuối cùng là Đông Sơn. Và cũng chính vì vậy, từ di tích Đồng Đậu mà các nhà khảo cổ học Việt Nam có cơ sở khoa học để xác định tiêu chí cho các giai đoạn phát triển văn hoá vùng lưu vực sông Hồng:
2.1. Con người có mặt sớm nhất ở đây thuộc giai đoạn muộn của văn hoá Phùng Nguyên, họ đã đạt đến đỉnh cao của kỹ thuật chế tác đá nguyên thuỷ, mài nhẵn, đẹp, các đồ trang sức đá tinh xảo, bắt đầu xuất hiện kỹ thuật luyện kim đồng.
Đồ gốm chế tạo bằng bàn xoay, thanh thoát, cân đối, đẹp, hoa văn tiêu biểu là đồ án khắc vạch, chấm dải, đối xứng.
Nghề trồng lúa nước đã phát triển, phát hiện nhiều hạt thóc, gạo cháy trong tro than.
2.2. Tiếp theo là giai đoạn Đồng Đậu với yếu tố đặc trưng là công cụ đá giảm, đồ gốm dày, độ nung cao, hoa văn trang trí với mô típ khuông nhạc, chải thành những đồ án: Chữ S, số 8, đối xứng; đồ xương, sừng phát triển; kỹ thuật đúc đồng trở thành yếu tố chủ đạo.
2.3. Lớp thứ 3 thuộc giai đoạn văn hoá Gò Mun, đồ đá còn lại ít, đồ xương sừng hiếm, gốm thô, độ nung cao hơn 2 giai đoạn trước, chủ yếu là loại miệng loe gãy, hoa văn khắc vạch trang trí chủ yếu trên thành miệng.
2.4. Lớp trên cùng thuộc giai đoạn văn hoá Đông Sơn, do bề mặt di chỉ đã bị cày xới từ khi chưa được phát hiện nhưng những di vật được phát hiện rải rác thuộc phạm vi di chỉ, chủ yếu là các hiện vật đồng: Rìu xéo, giáo, dao mang tính đặc trưng của văn hoá Đông Sơn
3. Với 4 giai đoạn văn hoá khảo cổ cùng có mặt trên một di chỉ, diễn biến phát triển liên tục, thể hiện một qúa trình định cư ổn định, lâu dài của cư dân Việt cổ để hình thành nên Nhà nước đầu tiên của dân tộc.
Đây chính là giá trị lớn lao nhất của di tích khảo cổ học Đồng Đậu, không riêng cho Vĩnh Phúc mà của cả Việt Nam và vùng Đông Nam á.
Di tích danh thắng Vĩnh Phúc