ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH – LÀNG VĂN HÓA KIỂU MẪU

  1. Đình Lập Đinh – Làng văn hóa kiểu mẫu xã Lập Đinh

Đến với làng văn hóa kiểu mẫu Lập Đinh, có một điểm đến mà du khách không thể bỏ qua, đó chính là Đình Lập Đinh.

Đình Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc) là di tích lịch sử cấp tỉnh hiện nay thờ 7 vị thần (Cao sơn Chính chủ phù vận đại vương, Ma thị Thánh mẫu, Cao sơn Hoàng tôn thần, Cao sơn Nguyễn tôn thần, Cao sơn Dương tôn thần, Thành hoàng bản sứ họ Lý, Thanh hoa công chúa). Tương truyền các vị đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước và tạo dựng cuộc sống ấm no cho nhân dân địa phương. Thân thế và sự nghiệp các vị được ghi lại và được lưu trữ tại viện thông tin khoa học xã hội Việt Nam. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thôn Lập Đinh là một địa điểm quan trọng của chiến khu cách mạng Ngọc Thanh. Đình Lập Đinh được khởi công xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, bị chiến tranh tàn phá, được xây dựng lại. Đến năm 2000, đền được tu sửa lại. Những nét huyền bí, linh thiêng cũng ngôi đền vẫn là điểm thu hút khách tham quan.

Hiện nay, Đình Lập Đinh không chỉ là điểm đến về văn hóa tâm linh cho du khách mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của 3 thôn Lập Đinh, An Bình, An Thịnh.

  1. Đền Phú Đa – Làng văn hóa kiểu mẫu xã Phú Đa

Tại xã Phú Đa, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, có một ngôi đền đá với tuổi thọ hơn 300 năm, cũng là một trong những di tích lịch sử lâu đời nhất tỉnh Vĩnh Phúc, đó chính là Đền Phú Đa. Đây là một điểm đến tâm linh đặc biệt, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, giữ được những nét kiến trúc độc đáo, đậm chất văn hóa Việt cổ. Bao quanh ngôi đền 3 mặt là hồ nước mênh mông. Đền được xây dựng ngay sát chân đê, giữa vùng trũng nước. Trong lịch sử, thậm chí nơi này đã từng xảy ra lũ lụt, nhưng ngôi đền vẫn đứng vững trước thiên tai.

Theo các cụ trong làng kể lại, ngôi đền được xây dựng trong 40 năm, từ năm 1646 đến năm 1686, cách đây gần 400 năm, khi đó cụ Lãng Phương Hầu Nguyễn Danh Thường còn sống và đang làm quan trong triều Lê. Ngôi đền chỉ trải qua vài lần tu sửa nhỏ. Điều đó cho thấy độ bền của các chất liệu, vật liệu để xây dựng nên ngôi đền. Người dân địa phương còn có câu so sánh, ví von rằng: “Bắt đền ra đền Phú Đa. Bao giờ đền đổ ta ra ta đền”. Với dụng ý, ngôi đền rất chắc chắn, bền vững. Trải qua mấy thế kỷ, công trình vẫn minh chứng được giá trị của mình.

Với ý nghĩa lịch sử – văn hóa trên, từ bao đời nay, đền Phú Đa vẫn được truyền đời gìn giữ, hương hỏa, và trở thành một một di tích lịch sử – văn hóa, cũng là một điểm đến thăm quan du lịch, gắn kết cộng đồng.

  1. Làng Rèn truyền thống Lý Nhân; Chùa Long Khánh; Đình Bàn Mạch – Làng văn hóa kiểu mẫu Bàn Mạch, xã Lý Nhân, Vĩnh Tường

 

Du lịch trải nghiệm tại làng nghề truyền thống – làng rèn Lý Nhân, Vĩnh Tường.

Làng rèn Lý Nhân, hay còn gọi là làng rèn Bàn Mạch, thuộc xã Lý Nhân, phía Tây huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ xa xưa nơi đây nổi tiếng với những sản phẩm gang thép. Nghề rèn Lý Nhân đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là làng nghề truyền thống năm 2006. Dù có rất nhiều nhà sử học đến tìm hiểu và nghiên cứu về nguồn gốc của làng rèn mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Ngay cả những người dân trong làng cũng không ai biết rõ, nhưng suốt hàng trăm năm qua nghề rèn vẫn được cha truyền con nối, âm thầm bền bỉ phát triển.

Tham quan làng nghề, khách du lịch sẽ được tận mắt chứng kiến nghệ nhân nung sắt đỏ trên than, đập rèn bằng búa, đẽo gọt cán dao bằng tay các sản phẩm, những con dao, cái búa,… tìm hiểu quy trình sản xuất, lịch sử hình thành phát triển nghề rèn… Trải nghiệm là một phần không thể thiếu của du lịch làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, nghề rèn lại là nghề khá khó đối với những người mới, chưa từng được học hành bài bản, vậy nên du khách đến tham quan làng nghề chỉ có thể tham gia một số công đoạn đơn giản trong quy trình sản xuất như: đe, mài… Do làng nghề vẫn chủ yếu làm để phục vụ nhu cầu sản xuất, nên để tham quan một quy trình sản xuất hoàn thiện cần thời gian từ 1 – 2 ngày.

Về khía cạnh du lịch tâm linh, du khách đến thôn Bàn Mạch thường ghé thăm chùa Long Khánh nơi đang lưu giữ chuông cổ từ năm 1814, bia đá năm 1924 nói về lịch sử chùa Long Khánh và cây gạo cổ thụ 5 người ôm bên cạnh hồ sen hơn 4 ha. Bên cạnh đó, đình Bàn Mạch với 2 lễ hội chính là cướp cây bông câu và đánh trống thỉnh diễn tổ chức vào 18/1 ÂL và 18/10 ÂL hàng năm.

Bên cạnh đó, khi đến tham quan thôn Bàn Mạch, du khách có thể lựa chọn tham quan tuyến “Đầm Rưng – Mộc Bích Chu – Rèn Lý Nhân – Đình Thổ Tang – Làng rắn Vĩnh Sơn” để thăm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá, làng nghề truyền thống của huyện Vĩnh Tường.

  1. Đền Đồng Bùa- Làng văn hóa kiểu mẫu Đồng Bùa, Xã Tam Quan, huyện Tam Đảo

Thôn Đồng Bùa còn là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ven dãy núi Tam Đảo, chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc, và có tiềm năng để phát triển du lịch.

Tại đây có một ngôi đền linh thiêng và bí ẩn, nằm trong quần thể danh thắng Tây Thiên, đó là đền Đồng Bùa- nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu. Đây là một địa điểm mà du khách ghé thăm mỗi khi đến Tây Thiên lễ Phật, cầu may bởi lẽ đây là 1 trong 3 ngôi đền quan trọng nhất trong số 51 di tích thờ Quốc Mẫu Tây Thiên.

Bên cạnh đó, thôn có tiềm năng du lịch sinh thái với suối Đồng Bùa. Cùng với Thác Bạc, hệ thống thủy của suối Đồng Bùa bao quanh thị trấn Tam Đảo. Trong phân khu này có cả khu vực rừng tự nhiên và rừng trồng để tạo cảnh quan đẹp và môi trường sinh thái cho khu du lịch.

PHAN MY

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *