Làng bún Tháp Miếu

Làng Tháp Miếu – Thị xã Phúc Yên có nghề làm bún từ xa xưa, không ai còn nhớ từ đời nào. Nghề này cũng lắm nhọc nhằn, người làm bún cũng cần lao như bao người làm nghề khác: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Người dân nơi đây thuần phác, cái tâm của họ trong trắng như sợi bún quê

Trở lại với làng bún, tôi dành mấy ngày để tận mắt nhìn thấy những sợi bún nổi tiếng dẻo và ngon của Tháp Miếu được chế ra như thế nào. Nhiều công đoạn, nhưng phải có “Gạo quê ngon, bột say nghiền kỹ, ngâm lọc đủ đêm, lược và đánh cho bột tơ” trước khi đưa vào khuôn vắt. Đặc biệt, vì là chế ra cái cho người ăn nên khâu vệ sinh cực kỳ cần thiết; nếu không thì mất chữ tín, ngàn vàng khôn chuộc…  
Nhớ lại thời Pháp đô hộ, từ canh một người đàn ông Tháp Miếu đã thức dậy nhóm lửa, đun nước, đánh bột, ra bún đến tận canh năm; người đàn bà xếp bún, quẩy ra chợ Phúc Yên hoặc đi vào các làng bán rong… Hôm nào bán chạy, quá ngọ là về; hôm nào ế, về đến nhà gà đã lên chuồng. Thương chồng con, có mớ tép với buộc rau héo; chân nam chân chiêu, thổi vội bữa cơm chiều. Người chồng từ lúc vợ đi chợ sáng, say bột cối đá, thay vợ cơm nước bữa trưa, lại lợn gà và trông lũ con dại; buổi chiều ngủ thắc ngủ thỏm. Buổi tối ngồi quây quần vợ chồng con cái, còn ngái ngủ nhưng ngời hạnh phúc, không khí gia đình ấm áp. Cũng có những hôm, vợ đi chợ về mắt sưng mọng. Hỏi ra mới biết, gặp bọn “lính dõng” xin lưng lá sen bún thành hết cả lãi… Ngày ấy là thế! Lại còn nộp thuế, nộp lệ… Đành cắn răng chịu nhục. Cốt lấy cái nước vo gạo, cái cháy bún mà nuôi con ỉn, tích vào may vá, lần hồi nuôi con, phòng  khi tuổi già đau yếu còn có lưng bún mà “tẩm bổ”, không phải bỏ làng đi tha hương đã là may mắn hơn người.  

Rồi trong khổ nhục tối tăm, dân làng nghe nói có một Đảng “đánh đuổi thực dân, lật đổ phong kiến, dân cày có ruộng…”; Từ đó đã có những người làng bún bí mật đi theo Đảng từ những năm 1936 – 1939. Chính cái làng ở ngay sát nách “Thành Đỏ, Thành Trắng” thuộc vùng đệm bảo vệ chính phủ thực dân phong kiến đã có chi bộ Đảng, là cơ sở cách mạng nối liền Hà Nội với chiến khu Việt Bắc. Làng có gia đình ông Hoàng Lý Chỉ và Nguyễn Đăng Truyền đã từng nuôi giấu các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Xuân Thuỷ, Trần Quốc Phi… Sau ông Hoàng Tư Trai (em ông Hoàng Lý Chỉ) đi theo cách mạng, là Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Cũng vì có những  năm 1936 – 1939 ấy mà năm 1941, tỉnh Vĩnh Yên (cũ) – trong đó có làng Tháp Miếu được Trung ương chọn làm địa bàn xây dựng an toàn khu (ATK) để chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng 8-1945 lịch sử. Trong ký ức những người già ở Tháp Miếu vẫn còn nhớ bao đêm làng mất ngủ, lính Tây từ Thành Trắng, lính tề nguỵ lùng sục tìm bắt cộng sản. Lòng dân Tháp Miếu chở che, sợi bún Tháp Miếu nuôi sống những người con trung hiếu, để góp phần làm nên ngày cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay.  

Suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, dân làng Tháp Miếu vẫn làm bún, vẫn một lòng theo Đảng. Hàng chục trai làng lớn lên nhờ sợi bún quê đã lên đường đánh Pháp. Từ khi Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, người Tháp Miếu vừa làm bún, lại vừa xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, hướng ra tiền tuyến với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Tháp Miếu đã tiễn đưa 225 con em lên đường đánh Mỹ. Qua hai cuộc kháng chiến, 14 người con của làng đã hy sinh, 31 người để lại 1 phần thân thể ở chiến trường, có hàng trăm người được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến…  

Ngày  nay, người đàn ông Tháp Miếu không còn mất ngủ trong đêm, người đàn bà không phải mòn vai quẩy gánh. Điện về làng. Có máy xay bột, có máy đánh tơ chạy bằng sức điện. Xe máy, xe đạp nhong nhong đưa bún đi xa. Tháp Miếu hôm nay có gần 500 hộ với gần 3000 nhân khẩu, lương thực đủ ăn, còn phụ phẩm dành cho chăn nuôi, từng bước làm giàu từ nghề làm bún và buôn bán, dịch vụ. Người làng Tháp Miếu “ly nông bất ly hương”. Cơ cấu kinh tế thay đổi về căn bản: tỷ trọng giá trị SXNN  chỉ còn dưới 30%, ngành nghề và dịch vụ chiếm hơn 70%; riêng trong SXNN giá trị chăn nuôi đã tăng lên xấp xỉ 50%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được  nâng cao với mức thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/người/năm.  

Trở lại đôi dòng với nghề bún Tháp Miếu và cách ăn bún ở Phúc Yên. Vì bột không pha chế gì, lại được nghiền lọc kỹ nên bún Tháp Miếu mát và bổ. Từ bún để có bún riêu cua, bún ngan, bún măng, bún mọc, bún ốc, bún lươn, bún chả, bún thịt chó, bún bò sốt vang, bún chấm mắm tôm chanh, bún sào, bún khô, bún ăn vã… Nghĩa là bún như cơm tẻ, bún là “mẹ ruột”. Ăn bún kèm gì là tuỳ sở thích. Nhưng nếu đến Phúc Yên mà chưa ăn bún thì chưa thể nói là đến Phúc Yên.  

Rồi đây, xã hội còn thay đổi, phát triển nhưng sợi bún quê Tháp Miếu, từng sáng, từng sáng, mỗi ngày, sẽ chẳng đổi thay còn Tháp Miếu là còn sợi bún.  

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *