Tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 1.200.000 người với 7 dân tộc anh em cùng chung sống là Kinh, Sán Dìu, Cao Lan, Tày, Hoa, Ngái và dân tộc Dao. Sống rải rác quanh chân núi Tam Đảo, từ xã Ngọc Thanh – thị xã Phúc Yên, một số xã ở huyện Bình Xuyên, Tam Đảo, Tam Dương đến huyện Lập Thạch, dân tộc Sán Dìu hiện có khoảng trên 34.000 người. Nói đến người Sán Dìu không thể không nhắc đến soọng cô – một loại hình xướng ca đặc sắc trong kho tàng văn nghệ dân gian truyền miệng đã được lưu giữ hàng trăm năm nay kể từ khi người Sán Dìu di cư sang Việt Nam và đến định cư tại Vĩnh Phúc.
Theo lời kể của những người già ở thôn Cửu Yên – thôn có 100% đồng bào dân tộc Sán Dìu của xã Hợp Châu – huyện Tam Đảo thì hát soọng cô đã gắn bó với người Sán Dìu từ bao giờ không ai còn nhớ nữa. Giống như người Thái ở vùng Tây Bắc không thể thiếu điệu múa xòe, người Sán Dìu không thể thiếu những làn điệu soọng cô. Trong tâm hồn những người nông dân Sán Dìu chất phác và đôn hậu, soọng cô không chỉ là những làn điệu dặt dìu, réo rắt như tiếng suối rừng, kèm theo đó còn là hàng vạn câu thơ – ca dân gian về tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên, quang cảnh bản làng; ca ngợi tình nghĩa thủy chung vợ chồng, ca ngợi công đức cao cả của ông bà, cha mẹ, tổ tiên, răn dạy con người phải có đức, có nhân, tránh xa điều ác…Hát soọng cô chủ yếu là phần hát đối đáp giao duyên, sau đó là hát trong đám cưới. Soọng cô được hát theo sách, có bài bản sẵn, người đi hát phải thuộc sách hát, họ dẫn câu hát trong sách ra để hát đố; người đáp cũng nhờ thuộc sách mà trích ra những câu hợp cảnh, hợp tình để hát đáp câu đối phương hát hỏi.
Người Sán Dìu học hát chủ yếu bằng truyền miệng .Ngày lên nương, đêm đêm, trai gái trong làng tụ tập ở nhà các người già để học hát. Ngày trước, mùa hát của người Sán Dìu bắt đầu từ hăm sáu hăm bảy tháng chạp, khi công việc mùa màng đã xong xuôi, và cũng là lúc cây trên rừng bắt đầu nhú lộc, lũ chim đi tránh rét bay về hót vang núi rừng.Từ các thôn, bản mạn ngược như Yên Dương, Bồ Lý, Đạo Trù, thanh niên nam nữ người Sán Dìu bắt đầu rủ nhau đi hát. Họ lần lượt đi qua Đại Đình, rồi đến Hồ Sơn, Minh Quang, Hợp Châu…Đến mỗi làng, họ dừng lại một đêm, rồi hôm sau rủ luôn đám bạn hát của làng đó nhập vào đoàn đi xuống các làng mạn dưới. Mỗi đêm hát đều theo các bước: chập tối hát gọi, mời nước, mời trầu. Nửa đêm hát hỏi: hỏi về quê quán, gia sự, tìm hiểu nghề nghiệp, thăm dò ý nguyện của nhau.Tiếp đó là hát chào, hát xin về, hát níu giữ nhau. Sáng ra thì họ vừa tiễn nhau ra cổng vừa hát hẹn hò cho cuộc hát tới. Cứ thế, có khi họ hát đến bảy, tám đêm liền. Ra giêng, các đám hát càng trở nên sôi nổi.Tiếng hát vọng qua đồng, đến các thung lũng, qua nương, dội vào vách đá, hòa vào tiếng suối reo, theo gió tan vào rừng. Giữa đại ngàn Tam Đảo, cái thâm u, huyền bí dường như biến mất, nhường chỗ cho cái ấm áp và trữ tình. Có biết bao đôi trai gái đã nên duyên từ những câu hát ấy.Và trong ngày vui trăm năm của họ, làn điệu soọng cô lại vang lên như một sự kết thúc có hậu của những đêm hát giao duyên trước. Người Sán Dìu gọi những lời hát này là hát chúc: chúc cho cô dâu, chú rể mãi mãi hạnh phúc, chúc cho hai họ vui vẻ, thuận hòa…
Để góp phần gìn giữ cho soọng cô còn lại mãi với đời sau, hiện nay, một số xã của huyện Tam Đảo đã lập nên các đội hát soọng cô với sự tham gia của cả người già, phụ nữ và thanh niên. Mùa xuân, về với huyện miền núi này, du khách sẽ được hòa mình trong một không gian sống đầy ắp tình cảm cộng đồng, trong những làn điệu soọng cô được cất lên từ tâm hồn của những người nông dân Sán Dìu chất phác và đôn hậu.
Cổng TTĐT Vĩnh Phúc