Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng

Lễ hội xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc loại hình lễ hội truyền thống vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1735/QĐ-BVHTTDL ngày 27/05/2021.
Lễ hội Đại Đồng là một chuỗi các thực hành văn hóa của cộng đồng cư dân làng Bích Đại và Đồng Vệ xưa (Đại Đồng nay) trong chu kỳ một năm, với hạt nhân tín ngưỡng là việc phụng thờ chung Thành hoàng. Lễ hội được tổ chức trên quy mô toàn xã, trung tâm là các di tích: đình Bích Đại, miếu Đồng Vệ và đình Đồng Vệ, nơi mọi hoạt động chính, chủ yếu của lễ hội diễn ra. Lễ hội Đại Đồng là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được thực hành từ xa xưa, duy trì qua các thế hệ, nhằm củng cố tinh thần đại đoàn kết cộng đồng và tưởng nhớ công đức của vị Thành hoàng là Bán thiên Đại Vương. Theo truyền thuyết, ngài là vị tướng tài thời Hùng Vương thứ 6 đã có công đánh đuổi giặc Ân xâm lược, dạy dân bách nghệ/ trăm nghề (nguồn gốc của hội trình nghề).
Từ xa xưa, trong một năm, dân Đại Đồng thường tổ chức định kỳ 7 hội lệ chính gắn với việc phụng thờ chung Thành hoàng, đó là: Ngày 4 – 5 tháng Giêng (tiệc khai xuân, nghi lễ chuẩn bị cày bừa, hội trâu rơm bò rạ và rắc mạ bằng trấu), ngày 20 – 24 tháng Giêng (ngày sinh thánh, tiệc giao liệt – kết chạ giữa làng Bích Đại và làng Đồng Vệ xưa), ngày 10 tháng Hai (đại tiệc hai làng), ngày 10 tháng Tư (ngày thánh Hóa, tiệc dưa), ngày 10 tháng Tám (tiệc bò béo), ngày 10 tháng Chín (tiệc hát), ngày 10 tháng Một (tiệc lợn thờ). Đến nay, trải qua nhiều thăng trầm và biến đổi lịch sử, tiệc ngày 10 tháng Hai, ngày 10 tháng Tư, ngày 10 tháng Một đã bị mai một, tiệc bò béo ngày 10 tháng Tám chỉ còn làm lễ ở miếu.  Duy chỉ có 3 hội lệ truyền thống vẫn được tổ chức định kỳ, với sự tham gia đầy hào hứng và nhiệt tình của đông đảo cộng đồng, đó là:
Lễ hội “trâu rơm bò rạ” (Lễ hội Trình nghề) ngày 04 tháng Giêng
Lễ hội được chuẩn bị từ khoảng tháng Tám năm trước, các bô lão trong làng họp bàn và chọn ra những nhà chuẩn bị rơm rạ để tạo hình trâu, bò dùng trong lễ hội. Gia đình được chọn phải song toàn, con cái đề huề, không vướng việc tang, lao động sản xuất giỏi. Họ phải chọn trong những thửa ruộng tốt nhất, lấy rơm, rạ sạch phơi khô, đến chừng 20 tháng Chạp thì đem rơm, rạ ra đình cho các bô lão tổ chức vặn, bện, tết thành những con trâu, con bò. Bô lão hai làng cũng chọn ra hai đội trình nghề, mỗi đội 28 người đóng các vai trình diễn: 04 trâu cày (08 người: 04 người đóng vai trâu, 04 người đi cày), 06 thợ mộc, 01 người câu cá, 01 người câu ếch, 02 người tát nước, 02 người ném mạ, 02 người cấy lúa, 01 thầy đồ, 02 học sinh, 02 người cuốc bờ, 01 người lái buôn. Giờ Thìn ngày 30 tháng Chạp, thì tổ chức lễ phong y, phong cờ hội, chồng kiệu, trang trí khánh tiết, mộc dục bài vị, lau rửa long ngai, kiệu và đồ tế tự chuẩn bị cho lễ hội.
Đến sáng ngày 04 tháng Giêng, lễ hội Trâu rơm bò rạ chính thức được tổ chức. Đầu giờ Thìn (7h00), ban tổ chức, ban khánh tiết, những người được phân công phục vụ hội cùng đông đảo cộng đồng và nhân dân thập phương đã tập trung tề tựu tại sân miếu Đồng Vệ. Các con trâu rơm, bò rạ, đạo cụ trình diễn, đã được sắp xếp theo đúng vị trí ở trước sân miếu. Những người được phân vai trình diễn (gọi là “con trò”) đứng sát đạo cụ trình diễn của mình. Sau các nghi lễ “phù giá nồi nhang”, dâng hương, tế lễ, phần hội diễn ra với màn trống khai hội. Sau đó hội trình nghề bắt đầu. Trình diễn đầu tiên là trâu cày, người đóng vai trâu, khoác hình nộm trâu lên người, hai tay giữ đầu trâu, vai khoác vạy cày, lưng hơi cúi xuống tạo thế như con trâu đang cày ruộng. Người đi cày, mặc quần áo nâu, chân trần, ống quần xắn bên thấp bên cao, tay trái cầm chạc trâu, tay phải cầm cày (cày không lưỡi), thỉnh thoảng hô to: vắt vắt, diệt diệt (từ dùng để hô trâu bò vắt sang trái hoặc sang phải). Tại vị trí trung tâm của trò diễn – người ném mạ: nam đóng giả nữ, váy đụp màu đen, áo nâu cổ tròn, xẻ sườn, đầu đội khăn mỏ quạ, tay trái bê mủng trấu áp vào mạn sườn trái, tay phải thực hiện động tác “tung mạ”. Hai bên hành lang trò diễn là các vị trí: Thầy đồ – nữ đóng giả nam, đầu đội khăn xếp, mặc quần trắng, áo the đen, trong tư thế ngồi, phía trước đặt một cái bàn nhỏ, bên trên có một cuốn sách, một tráp, một nghiên mực. Hai học trò ngồi đối diện học chữ; thầy đồ tay cầm thước gõ vào bàn, học sinh đọc theo nhịp gõ: “Nhân chi sơ, Tính bản thiện”, đầu lắc lư theo nhịp đọc… Người câu ếch, câu cá: đầu đội nón mê, quần nâu, áo nâu, đi chân đất, với quần xắn vặn ngang đùi, thắt lưng đeo giỏ nắp tua, tay trái cầm cần, hành động mô phỏng động tác tay cầm cần nhử nhử, giật giật rồi bắt cá hay ếch (diễn tả) ném vào giỏ (không mở tua – nắp giỏ). Người tát nước: nam đóng giả nữ, trang phục váy đen (dạng váy đụp) vận cạp, áo nâu cổ tròn, thân xẻ sườn, đầu đội khăn mỏ quạ; nữ đóng giả nam, quần nâu, áo nâu, đầu chít khăn nâu. Hai con trò này đều đi chân đất, xắn quần ngang đùi, cùng mô phỏng động tác tát nước. Khi thả gầu nước, thân hơi khom về phía trước. Khi kéo gầu nước thân hơi ngửa ra phía sau. Người cuốc bờ: 02 người: một nam đóng giả nữ, mặc váy đen vận cạp, áo nâu cổ tròn, thân sẻ sườn, đầu đội khăn mỏ quạ; một nữ đóng giả nam, quần nâu, áo nâu, đầu chít khăn nâu. Hai người này cũng đi chân đất, đều xắn quần ngang đùi, cùng thực hiện diễn động tác cuốc bờ, thỉnh thoảng chống cuốc lấy tay lau mồ hôi. Người lái buôn (cổ giả),  nam đóng giả nữ, quần đen, áo nâu, chân đi guốc mộc, tay đeo túi nải, vai gánh quang, với hai mủng bày biện một số thứ, đi vài bước lại nghỉ, miệng lẩm nhẩm, tay bấm bấm, nét mặt hồ hởi, miệng hơi cười như vừa thắng quả buôn.
Cứ thế, theo tuần tự, các trò trình nghề lần lượt diễn ra hết sức kính thành trong sự cổ vũ, tán thưởng của cộng đồng và khách thập phương. Đến trưa, trò trình nghề kết thúc, lễ hội bế mạc, nhân dân, khách thập phương vào dâng hương, dự tiệc thụ lộc.
Lễ hội rước kiệu ngày tiệc sinh Thánh – 20 tháng Giêng
Từ cuối năm trước, các bô lão trong làng đã chọn ra đoàn rước với đầy đủ các thành phần: Đội cầm cờ thần, chấp kích; đội rước kiệu văn gồm: 08 người, 02 người cầm tàn lọng, tiêu chí là nam giới trong xã Đại Đồng, tuổi từ 30 trở lên, gia đình văn hóa, đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật, được các hội đoàn trong làng thống nhất giới thiệu. Lễ vật dâng thánh gồm: xôi, thủ lợn chín, hương hoa, phẩm oản.
Giữa giờ Thìn ngày 19 tháng Giêng, ban tổ chức và những người được phân công hành lễ phong y, mở cửa miếu – đình, phong cờ và chồng kiệu. Đến giờ Thân, làm lễ cáo. Giờ Tí, làm lễ “phù giá nồi nhang”, đi đầu là người cầm tiêu, tiếp đến là chủ tế, đi hai bên chủ tế là người cầm tàn lọng, đi sau chủ tế là vị quan viên với hai tay rước giá trúc. Sau khi rước tới đình, chiêng trống nổi lên 3 hồi, những người được phân công chỉnh tề xếp thành hai hàng nghênh Thánh an vị tại thượng cung. Lộ trình thực hiện luân phiên mỗi kỳ rước về một đình (đình Đồng Vệ và đình Bích Đại).
Giờ Ngọ ngày 20 tháng Giêng, tại miếu Đồng Vệ, khi chiêng trống nổi lên báo hiệu, các vị trí đã được phân công phụng nghinh Thánh cùng nhân dân tề tựu tập trung tại sân miếu. Hết ba hồi chiêng trống, đoàn rước tiến về đình để rước Thánh. Đội hình đoàn rước đi theo thứ tự, hàng lối, đội hình đi như sau: Chiêng trống, đội cờ, đội múa hầu; đội chấp kích; đội chân kiệu lễ; kiệu thánh; tàn, lọng, thủ hiệu; chủ tế, sau cùng là nhân dân và khách thập phương.
Khi đoàn rước tới đình, các vị trí được bố trí như sau: Đội cầm cờ đứng dọc hai bên cánh gà, ban tế lễ sắp thành hai hàng ở giữa, hai bên quan viên tế là đội chấp kích, bát bửu xếp theo hàng lối, đứng ngay ngắn ở sân miếu. Chủ tế đình sẽ dẫn lễ vào hậu cung.
Đến khoảng giờ Mùi, tổ chức khai mạc lễ hội, sau đó hành lễ rước Thánh hồi cung. Đội hình rước đi theo thứ tự như sau: Trống, chiêng đi trước; hai ông ngựa đi song song (mỗi ông bố trí ba người mặc áo lậu đỏ thắt đai vàng, đầu chít khăn, quần lanh trắng làm nhiệm vụ giám mã); đội cờ (cờ ngũ phương) gồm 20 người, đều mặc áo “lậu đỏ” thắt đai vàng, đầu vấn khăn đỏ, quần lanh trắng, đi thành hai hàng; đội chấp kích (14 người), mặc áo “lậu đỏ”, thắt đai vàng, đầu vấn khăn đỏ, quần lanh trắng đi thành hai hang; phường bát âm (06 người), mặc áo “lậu đỏ” thắt đai vàng, quần lanh trắng, đầu chít khăn đỏ, đi thành hai hàng; đội múa sinh tiền (12 người) và đội múa thờ (20 người); kiệu văn (08 người), mặc áo “lậu đỏ”, thắt đai vàng, đầu vấn khăn đỏ, quần lanh trắng, trên áo cài thẻ tên, có dán ảnh; ban tế (mũ – áo, giày xanh, quần trắng) đi thành hai hàng; sau cùng là đoàn dại biểu của tỉnh, huyện, xã, nhân dân và khách thập phương…
Đến khoảng giữa giờ Thân, đoàn rước về tới miếu Đồng Vệ, kiệu được hạ tại sân miếu. Các chân kiệu giữ nguyên vị trí, đội cờ đứng cầm cờ đứng vòng ngoài bao xung quanh, đội chấp kích và ban tế lễ cũng xếp thành hai hàng dọc, chủ tế rước nồi nhang, hòm sắc, bản chúc văn vào thượng cung. Sau khi ổn định vị trí, Ban tế hàng xã thực hiện tế an vị, tế tạ và kết thúc lễ tiệc sinh Thánh.
Lễ hội Tiệc mừng công- Lễ rước kiệu tháng Chín
Việc chọn và cắt cử chủ tế, ban tế cũng được thực hiện theo các tiêu chí như đối với hội xuân.
Đội hình đoàn rước, gồm đội cầm cờ thần, chấp kích; đội kiệu văn, kiệu chính: 28 người, gồm: kiệu chính 16 người, kiệu văn 8 người, 4 người cầm tàn lọng. Tiêu chí lựa chọn gồm: là nam giới trong xã Đại Đồng, tuổi từ 30 trở lên, gia đình được công nhận là gia đình văn hóa, bản thân là người sống đức độ, có lối sống lành mạnh không vi phạm pháp luật, được các hội đoàn của thôn giới thiệu. Trước khi diễn ra lễ hội, đội rước kiệu sẽ làm nghi thức trình Thánh, chứng minh lòng thành vì đã được phụng nghinh bậc tối thượng. Đồng thời, họ cũng phải cam kết với chính quyền thực hiện nghiêm túc trong quá trình rước kiệu: đi đúng đội hình, lộ trình, theo sự chỉ dẫn của người cầm trịch (người cầm trống khẩu), không quấy nhiễu, không bị kích động, lôi kéo….
– Việc chuẩn bị lễ vật dâng Thánh do ban nghi lễ thực hiện, gồm: xôi, thủ lợn chín, hương hoa, phẩm oản.
– Trước hội, không gian hành lễ phải được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, gồm các địa điểm: miếu Đồng Vệ, đình Bích Đại, tuyến đường trên hành trình đoàn rước phải được thông thoáng, gọn gàng, sạch sẽ.
Lễ rước gồm hai kỳ: Kỳ tiệc thứ nhất: Khởi rước từ miếu Đồng Vệ theo đường trục xã tới đình Bích Đại, hạ kiệu, rước Thánh vào hậu cung, tổ chức các nghi lễ truyền thống tại đình Bích Đại. Ngày 11 tháng Chín rước thánh từ đình Bích Đại về đình Đồng Vệ, sau đó về miếu Đồng Vệ; kỳ tiệc tiếp theo: Khởi rước từ miếu Đồng Vệ theo đường trục xã tới đình Đồng Vệ, hạ kiệu, rước thánh vào hậu cung, tổ chức các nghi lễ truyền thống tại đình Đồng Vệ. Ngày 11 tháng Chín rước thánh từ đình Đồng Vệ về Bích Đại sau đó rước về miếu Đồng Vệ.
Trong ngày 9 tháng Chín, vào khoảng 8h00, ban tổ chức cử hành lễ phong y, phong cờ hội, chồng kiệu, trang trí khánh tiết, mộc dục lau rửa ngai, kiệu. Đến 16h00, làm lễ cáo tiệc (khấn Nôm, với nội dung xin phép Thành hoàng cho con dân được mở hội). Từ khoảng 19h – 22h00, tổ chức Liên hoan văn nghệ “làng vui chơi – làng ca hát”, giao lưu văn hóa văn nghệ…
Trong ngày 10 tháng Chín, từ 8h00, tổ chức lễ vào tiệc. Đến khoảng 13h00, tại đình Bích Đại (hoặc đình Đồng Vệ), sau khi chiêng trống nổi lên báo hiệu, các vị trí được phân công phụng nghinh Thánh cùng nhân dân tập trung tại sân đình. Hết ba hồi chiêng trống, đoàn rước tiến về miếu Đồng Vệ để rước Thánh. Đội hình đoàn rước đi theo thứ tự như sau: Chiêng trống, đội cờ, đội múa hầu, đội chấp kích, đội rước kiệu lễ, kiệu chính, tàn, lọng, thủ hiệu, chủ tế, sau cùng là nhân dân và khách thập phương. Khoảng 14h00, tại miếu Đồng Vệ, chiêng trống nổi lên liên hồi, báo hiệu đoàn rước từ đình đã tới: khi đoàn rước tới miếu, các vị trí được sắp xếp như sau: Đội cầm cờ đứng dọc hai bên cánh gà; ban tế lễ sắp thành hai hàng ở giữa; hai bên quan viên tế là đội chấp kích, bát bửu xếp theo hàng lối, đứng ngay ngắn ở sân miếu. Chủ tế đình dẫn lễ vào hậu cung.
Khi ổn định tổ chức, chương trình khai mạc chính thức được cử hành: Sau Diễn văn tưởng niệm, với nội dung ca ngợi công trạng của Đức Thánh; tuyên bố khai mạc lễ hội và thực hiện nghi thức dâng hương tại miếu Đồng Vệ.
Khoảng 14h30, chủ tế, ban tế tiến vào đại bái, xếp thành hai hàng dọc. Chủ tế tới chiếu giữa lạy bốn lạy rồi khấn: “… Cung nghinh Đức Thánh về đình để chứng giám lòng thành con dân Bích Đại – Đồng Vệ mở hội…”. Khấn xong, chủ tế phù giá nồi nhang ra kiệu Thánh, đồng thời, các cụ ở miếu Đồng Vệ cùng với chủ tế ở đình phù giá nồi nhang và long báu ra kiệu văn và kiệu chính, sau đó hai chủ tế của đình, miếu làm lễ và tiến hành các thủ tục để rước kiệu.
Khoảng 15h00, chiêng trống được nổi lên, đội hình rước bắt đầu vào vị trí theo thứ tự sau: Đội chiêng trống; hai ông ngựa (đi song song), mỗi ông đều bố trí ba người mặc áo lậu đỏ, thắt đai vàng, đầu chít khăn, quần lanh trắng làm nhiệm vụ giám mã; đội cờ ngũ phương (20 người), mặc áo “lậu đỏ”, thắt đai vàng, đầu vấn khăn đỏ, quần lanh trắng, đi thành hai hang; đội chấp kích (14 người), mặc áo “lậu đỏ”, thắt đai vàng, đầu vấn khăn đỏ, quần lanh trắng, đi thành hai hàng; phường bát âm (06 người), mặc áo lậu đỏ, quần lanh trắng, đầu chít khăn đỏ, đi thành hai hàng; đội múa sinh tiền (12 người) và đội múa thờ (20 người); kiệu văn (08 người), mặc áo “lậu đỏ”, thắt đai vàng, đầu vấn khăn đỏ, quần lanh trắng, ( nay trên áo cài thẻ tên, có dán ảnh); kiệu chính (16 người), mặc áo “lậu đỏ”, thắt đai vàng, đầu vấn khăn đỏ, quần lanh trắng; ban tế (mũ – áo, giầy xanh, quần trắng) đi thành hai hàng; đoàn đại biểu tỉnh, huyện, xã, nhân dân và khách thập phương…
Đến khoảng 16h30, đoàn rước về tới đình Bích Đại (hoặc đình Đồng Vệ). Kiệu được hạ tại sân đình. Các chân kiệu giữ nguyên vị trí, đội cờ đứng cầm cờ bao quanh vòng ngoài; đội chấp kích và ban tế lễ xếp thành hai hàng dọc, chủ tế rước nồi nhang, long ngai, hòm sắc, bản chúc văn vào thượng cung. Sau khi hoàn tất, từng đội vào đại bái lễ Thánh. 17h00, Ban tế lễ tổ chức tế nhập tịch, với những nghi thức như lễ nhập tịch tháng Giêng, chỉ thay đổi nội dung chúc văn.
Trong ngày 11 tháng Chín, từ khoảng 7h00, sau khi chiêng trống nổi lên, đoàn rước và nhân dân, du khách thập phương lại tập trung tại miếu Đồng Vệ. Các vị trí như chân kiệu, ban tế, đội cờ… trang phục chỉnh tề xếp theo hàng lối, đội hình thứ tự theo phân công. 7h30, đoàn rước tiến về đình Bích Đại, chiêng trống nổi lên liên hồi, báo hiệu đoàn rước từ miếu đã tới, các vị trí sắp sếp theo hàng lối, đứng ngay ngắn nghiêm trang. Chủ tế, ban tế tiến vào hậu cung xếp thành hai hàng dọc. Chủ tế bước tới chiếu giữa quỳ xuống, lạy bốn lạy rồi khấn: “…Cung nghinh Đức Thánh hoàn cung…”. Sau đó, các cụ ở đình cùng với chủ tế ở miếu Đồng Vệ phù giá nồi nhang và long ngai ra kiệu văn và kiệu chính để hai chủ tế đình và miếu làm lễ và tiến hành các thủ tục rước kiệu.
Đến 8h30, bắt đầu tổ chức rước Thánh hồi cung, với nghi thức, đội hình như đoàn rước chiều ngày 10 tháng Chín. Đoàn rước ra cổng đình rẽ trái, theo đường trục xã tới đình Đồng Vệ, sau đó rước về miếu Đồng Vệ.
9h30, đoàn rước về tới miếu Đồng Vệ, kiệu được hạ tại sân miếu. Các chân kiệu giữ nguyên vị trí, đội cờ đứng cầm cờ vây vòng ngoài; đội chấp kích và ban tế lễ xếp thành hai hàng dọc, chủ tế rước nồi nhang, long ngai, hòm sắc, chúc văn vào thượng cung. Đến 10h00, ban tổ chức tế an vị, tế tạ và đọc diễn văn bế mạc (ca ngợi tuyên dương của cá nhân, tổ chức đã thực hiện tốt trong quá trình thực hiện lễ hội truyền thống. Sau đó, từng đội vào dâng hương kết thúc lễ tiệc tháng Chín.
Ngoài những nghi lễ, các trò dân gian trong hội, như chọi gà, đánh cờ người, đánh vật, kéo co, cờ tướng, đập niêu, bịt mắt bắt vịt…, cùng các môn thể thao, như cầu lông, bóng chuyền, bóng đá cũng có sự hấp dân đặc biệt đối với cộng đồng và khách thập phương, đặc biệt là thế hệ trẻ.
 Chúng ta dễ dàng nhận thấy, hầu hết, mọi nghi thức, trò diễn trong hội Đại Đồng đều xoay quanh hoặc bắt nguồn từ tích truyện trong thần tích, được cộng đồng sáng tạo, thực hành theo cơ chế kế thừa – cải biên thích ứng để trao truyền qua các thế hệ khác. Lễ hội Đại Đồng rất giàu bản sắc, mang tính cộng đồng rất cao. Ngoài các nghi lễ thông thường, như tế lễ, rước sách, lễ hội Đại Đồng còn bảo lưu được một số tục hèm hiếm gặp. Về bản chất, Lễ hội “trâu rơm bò rạ” (Lễ hội trình nghề) ở Đại Đồng hiện nay vốn là một trong những nghi lễ gắn với hội xuân ở Đại Đồng khi xưa, được tổ chức vào tháng Giêng hằng năm, với mục đích để cộng đồng trình trăm nghề (bách nghệ), gửi gắm/đặt cược khát vọng về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc, ấm no nơi Đức Thánh Tổ nghề trước khi bước vào mùa vụ mới, thời vận mới theo chu trình mùa vụ hoặc thời vụ (tùy theo từng nghề…). Mặt khác, quá trình chuẩn bị và thực hành lễ hội này diễn ra tại khu vực Miếu, Đình là cộng đồng mong muốn Thành Hoàng làng chứng kiến, phù hộ cho cộng đồng luôn được sung túc, ấm no. Qua đó, chúng ta như thấy được phần nào sự đa dạng về thành phần kinh tế tại Đại Đồng và khu vực phụ cận trong quá khứ, với vai trò chủ đạo của nông nghiệp. Có thể coi đây là một “hóa thạch văn hóa” cung cấp cho chúng ta những tư liệu sống động khi nghiên cứu, tìm hiểu về cơ cấu kinh tế – xã hội cổ truyền trong lịch sử. Không gian sinh hoạt văn hóa, tổ chức lễ hội, với vùng lõi là các di tích lịch sử – văn hóa, cùng các nghi thức trong hội lệ hằng năm là môi trường văn hóa dung dưỡng tâm hồn, nhân cách cho mỗi con người Đại Đồng qua bao thế hệ đã, đang và sẽ mãi phát huy tác dụng.
Linh Ngã

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *