Tham gia lễ hội xuân lành mạnh

Những lễ hội truyền thống chính là cây cầu nối quá khứ với hiện tại, bao đời nay đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Lễ hội trở thành nơi công chúng đến với lịch sử cha ông, trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành. Những ngày đầu xuân năm mới được coi là mùa lễ hội, khi đất trời chuyển sang xuân, trăm hoa đua nở, đó cũng là lúc những lễ hội dân gian được người dân khắp nơi nô nức tổ chức để chào đón năm mới, để cầu mong một năm yên ấm mưa thuận gió hòa.

Tuy nhiên trong thời gian qua, dư luận đã phải “dậy sóng” trước những hành xử thô bạo, kém văn minh của nhiều người trẻ tham gia thực hành tín ngưỡng tại một số lễ hội truyền thống. Vẫn nhớ cảnh tượng ẩu đả hỗn loạn diễn ra tại Lễ hội tại Bản Giản Lập Thạch khi các thanh niên quyết liệt đến mức ẩu đả lẫn nhau, nhiều người bị đánh đau lập tức trả đũa dẫn đến cảnh tượng hỗn loạn tại lễ hội. Ðó còn là cảnh hò hét, giẫm đạp lên nhau của hàng trăm trai tráng tại lễ hội đúc bụt tại Đồng Tĩnh… Những hình ảnh du khách ăn nói khiếm nhã, hút thuốc lá…ở chốn tôn nghiêm vẫn diễn ra bởi một bộ phận không nhỏ thanh niên. Những ứng xử kém văn minh này đã phần nào làm méo mó những giá trị vốn có của lễ hội. Tình trạng chen lấn xô đẩy khi tham gia lễ hội thì hầu hết lễ hội đầu xuân nào cũng xảy ra. Hiện trạng đáng buồn đó là hồi chuông cảnh báo về vấn đề ứng xử của một số người hiện nay tại nơi công cộng và trong các hoạt động cộng đồng. Khiến việc tham gia lễ hội kém văn minh, và còn có thể gây nguy hiểm cho những người tham gia.

Mỗi lễ hội kết thúc, cảnh tượng còn lại vẫn là rác thải vứt bừa bãi, cây cối, bãi cỏ xung quanh sơ xác. Việc này khiến cho những công nhân vệ sinh môi trường phải rất vất vả để dọn dẹp bãi rác khổng lồ mà du khách để lại. Hành động này không chỉ làm ảnh hưởng đến mỹ quan, sự tôn nghiêm của nơi tổ chức lễ hội mà còn làm xấu đi hình ảnh của người Việt Nam trong mắt của du khách và bạn bè quốc tế trong các dịp lễ hội vui xuân.

Không chỉ lời ăn tiếng nói và hành động của người tham gia lễ hội mới bị lên án, trang phục tham gia lễ hội của một số bộ phận người dân đặc biệt là phái nữ trong thời gian gần đây cũng là đề tài được đưa ra bàn tán nhiều nhất trong mùa lễ hội. Những hình ảnh phản cảm của các bạn trẻ đi lễ hội đầu năm, đặc biệt đến những nơi linh thiêng như chùa chiền, đền miếu được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội, và nhận phải phản ứng gay gắt của cộng đồng mạng.

Ở một số lễ hội, việc sử dụng tiền mới mệnh giá nhỏ không hợp lý ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích và đặc biệt ảnh hưởng đến hình ảnh đồng tiền Việt Nam. Hành động rải tiền lẻ của người tham gia lễ hội làm sai lệch giá trị bản sắc văn hoá trong đời sống tín ngưỡng dân gian. Việc đặt tiền “giọt dầu” là để thể hiện cái tâm, góp phần cùng cơ sở tôn giáo duy trì hoạt động và để tôn tạo đền, chùa đẹp hơn chứ không phải để “dâng” lên Phật, lên Thánh. Thế nhưng nhiều người hiện nay lại cho rằng càng rải nhiều tiền thì càng được Phật, thánh thần chứng giám. Quan niệm đó hoàn toàn sai lầm. Đáng buồn nhất là khi chứng kiến cảnh trên tay những pho tượng Phật bị cài, cắm quá nhiều tiền lẻ mà người đi lễ hội nhét vào, còn người đi lễ thì “vô tư” bước trên những đồng tiền rải bị vương vãi.

Bên cạnh đó, nhiều người đi lễ hội chưa nhận thức được ý nghĩa của văn hóa tâm linh và đánh đồng chung với hiện tượng mê tín, dị đoan. Tình trạng xóc quẻ, bói xăm, đốt vàng mã quá nhiều vẫn diễn ra công khai trong khuôn viên – nơi diễn ra lễ hội.

Những hình ảnh tiêu cực của lễ hội hôm nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chủ yếu là do người tham gia chưa tự ý thức được hành động, hành vi của mình. Người tham gia đến với lễ hội chỉ để cầu cúng mà không tìm hiểu về ý nghĩa, văn hóa của lễ hội. Điều này phán ánh một thực tế về việc giáo dục, tuyên truyền ý thức tới người dân tham gia lễ hội, đặc biệt người trẻ tuổi vẫn chưa đạt được hiệu quả. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tham gia lễ hội chưa được lành mạnh là do việc tổ chức, quản lí của các cơ quan,  địa phương, ban quản lý còn lỏng lẻo. Thực trạng trên đây cũng là bức tranh phản ánh những hình ảnh tiêu cực xảy ra trong các lễ hội tại Vĩnh Phúc.

Vậy nên, ban tổ chức và chính quyền địa phương cần quan tâm nhiều hơn tới công tác cơ sở hạ tầng, mở rộng khu vực đón tiếp, nơi trông giữ phương tiện giao thông, xây dựng công trình vệ sinh công cộng hợp chuẩn, bố trí lực lượng thu gom, công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận ý kiến của nhân dân; vận động nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, hạn chế thắp hương, đốt đồ hàng mã…

Trước mùa lễ hội, các địa phương cần tổ chức quán triệt, yêu cầu các điểm kinh doanh ăn uống phải ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, không tăng giá, ép giá du khách, không bày bán thịt động vật hoang dã. Không để các hiện tượng mê tín dị đoan, xem bói, xóc thẻ, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch, “chặt chém” trông giữ xe diễn ra tại di tích và lễ hội. Đặc biệt, tăng cường công tác an ninh trật tự tại các lễ hội, phòng chống bạo lực xảy ra làm mất đi sự tôn nghiêm vốn có.

Để thay đổi diện mạo và tìm lại giá trị đích thực của lễ hội, mỗi người tham gia phải có ý thức trách nhiệm trước cộng đồng, góp phần làm cho lễ hội phát triển lành mạnh. Công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên sẽ giúp cho người tham gia lễ hội nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của lễ hội, từ đó tự giác thực hiện nếp sống văn minh, điều chỉnh hành vi, ứng xử đúng đắn. Bên cạnh đó không ngừng nâng cao chất lượng công tác tổ chức và quản lý, giữ vững không gian, môi trường văn hóa cho lễ hội, đồng thời có những chế tài đủ mạnh để ngăn chặn những hành vi sai phạm. Với sự vào cuộc sớm và mạnh mẽ của Sở VHTTDL và các cơ quan quản lý tại địa phương, cùng sự đồng thuận của nhân dân, bức tranh mùa lễ hội Xuân 2018 đã hạn chế nhiều những hình ảnh tiêu cực trước đây.

PHÙNG CÚC

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *