LỄ HỘI DỀN THÍNH – SỰ HÀI HÒA TRONG VĂN HÓA CỔ KIM

Đền Thính (tên chữ là Đền Bắc Cung vì nằm ở phía Bắc sông Hồng đất Yên Lạc) thuộc xã Tam Hồng, Huyện Yên Lạc, Tỉnh Vĩnh Phúc. Là một trong bốn đền thờ Thánh Tản Viên thuộc hệ thống Tứ Cung quanh núi Ba Vì và tả ngạn sông Hồng. Ngôi đền được xây dựng từ cách đây gần 20 thế kỷ, mang vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc và lưu trữ nét văn hóa ngàn qua thời gian.

Đền Thính là một trong tứ cung thờ Tản Viên Sơn thánh. Theo truyền thuyết, thần Tản Viên là vị đứng đầu trong thần thoại Việt Nam. Thần là con rể vua Hùng thứ 18, người đã dạy dân trị thuỷ và cùng dân săn bắt muông thú, thả cá, làm bánh, làm mắm và đánh giặc. Trong một lần dạo chơi, Tản Viên Sơn thánh đã cắm gậy tiên xuống đất làng Thư Xá. Mảnh đất này từ đó trở nên rất thiêng, là nơi người dân chọn xây dựng đền Thính.

Nhớ ơn Tản Viên Sơn Thánh giúp dân chiến thắng lũ lụt sông Hồng, dẹp nạn xâm lăng, thống nhất quốc gia, lại thường hiển linh trừ tai giải ách cho chúng sinh nên người dân tôn vinh ngài là một vị trọng tứ bất tử và lập đền Thính để thờ.

Đền Thính có 14 gian theo kiến trúc hình chữ Đinh, các cửa võng đục chạm cầu kỳ, sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Trong đền Thính có 2 tấm bia dựng năm Khải Định thứ 8 (1923) và năm Bảo Đại thứ 11 (1936) kể về quá trình xây dựng đền.

Trên nền móng cũ, năm Thành Thái thứ 13 (1902), hậu cung đền Thính được xây dựng. Năm Duy Tân thứ 5 (1911) dựng thêm lầu chuông, lầu trống. Năm Khải Định thứ 2 (1917) xây 7 gian tiền tế. Năm Khải Định thứ 6 (1921), xây thêm ngũ môn rất đồ sộ, dáng vẻ cổ kính.

Hàng năm, cứ đến ngày mồng 6 cho đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch, lễ hội đền Thính lại mở hội. Lễ hội gồm phần lễ tế, rước kiệu từ các làng, và phần hội với nhiều trò chơi dân gian.

Lễ hội xuân Đền Bắc Cung là Lễ hội truyền thống, ca ngợi tinh thần cần cù, lao động sáng tạo, đề cao lòng nhân ái, yêu nước, tinh thần đoàn kết của nhân dân địa phương nói riêng và của nhân dân cả nước nói chung. Phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thiết thực phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần và đời sống tâm linh của nhân dân. Thông qua những hoạt động của Lễ hội xuân nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc, động viên, khích lệ nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, không ngừng sáng tạo, hăng say lao động sản xuất, làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc.

Lễ hội năm nay được tổ chức đảm bảo sự trang trọng, sôi nổi, an toàn, lành mạnh. Thực sự là một hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng, thể hiện được sự đoàn kết, gắn bó của nhân dân trong và ngoài địa phương; thể hiện được giá trị và tôn vinh bản sắc văn hóa, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và yếu tố mới; phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, tạo được ấn tượng với nhân dân và du khách thập phương, đồng thời bảo vệ được môi trường sinh thái và cảnh quan.

Nguyễn Hảo

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *