Hương Canh là vùng đất cổ, một trong những nơi quần tụ đầu tiên của người Âu Lạc, địa bàn sinh sống trước hết của cư dân Bình Nguyên, Bình Tuyền rồi Bình Xuyên. Ở vị trí trung tâm huyện, Hương Canh là cái nôi của văn hoá, lễ hội, thể thao cổ truyền. Một trong những lễ hội tiêu biểu của Hương canh là lễ hội kéo Song, lễ hội này còn tồn tại đến hôm nay, có lẽ đã được trải qua thử thách lịch sử, được tinh lọc qua thời gian, trở thành di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát triển.
Lễ hội kéo song được người dân Hương canh tổ chức để biểu dương tinh thần thượng võ của người dân vùng sông nước. Trò chơi được bắt nguồn từ chiến thuật thao lược, luyện quân thủy chiến của các tướng lĩnh thời kỳ chống quân Nam Hán. Từ đó, trò kéo song được đưa vào tập quán sinh hoạt tín ngưỡng của người dân nơi đây. Kéo Song khác với kéo co, vì phải có sân bãi dài hơn 80 mét. Ở giữa có chôn một cột trụ gỗ lim cao 1,5m, đường kính hơn 40cm, có đục một lỗ ngang cột xuyên qua tâm, cao tầm ngang ngực để xỏ sợi dây song qua. Mỗi bên sân đều có đào 12 hố nông hình bậc thang để người thi đấu tay có thể nắm chặt dây song, chân đạp vào bậc đất ngửa người ra mà kéo. Nét độc đáo là người kéo song là hai người ngồi thành cặp, ngoắc đầu vào nhau, cộng lực để kéo. Động tác được phối hợp nhịp nhàng, nhanh nhạy, chính xác theo cờ hiệu của người chỉ huy. Vì vậy, trò chơi Kéo Song vừa có tính tập thể, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết và biểu dương sức mạnh và mưu trí của dân chúng trong vùng.
Trò chơi Kéo song đã trở thành lễ hội truyền thống hàng năm của người dân Hương Canh. Năm 2014, Hội Kéo song Hương Canh được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc và Philippines đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2015. Ngày hội kéo song ở Hương Canh được tổ chức chính thức vào ngày mùng 3 tháng Giêng hàng năm và là trò diễn trong hội làng Cánh vào dịp rằm tháng hai âm lịch với ý nghĩa tưởng nhớ các vị Thành hoàng làng, cầu một năm mưa thuận gió hòa.
Để lễ hội kéo song trở thành điểm đến, là nơi gắn kết du lịch với cộng đồng cần có những giải pháp cụ thể:
1. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá: Chính quyền địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ những giá trị văn hoá, lịch sử của lễ hội kéo song, trân trọng và tích cực chủ động phát huy các giá trị đó trong đời sống cộng đồng. Đồng thời, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân phòng ngừa những hoạt động mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, vứt rác đúng nơi quy định của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó UBND Huyện cần tổ chức truyền dạy kỹ thuật kéo song cho thanh thiếu nhi trong thị trấn Hương Canh, có kế hoạch đưa trò chơi vào giáo dục tại các trường phổ thông để bảo vệ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của di sản, rèn luyện sức khỏe cho học sinh.
2. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lễ hội: Hoàn thiện các thể chế luật pháp – chính sách để hạn chế các hoạt động tiêu cực, tôn vinh những hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của lễ hội. Chính quyền địa phương cùng nhân dân cần chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng – Nhà nước về văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng.
3. Xây dựng chương trình bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hoá của lễ hội; đầu tư, hỗ trợ kinh phí tổ chức: Lễ hội kéo song phải tạo ra được sự hấp dẫn mang tính riêng biệt đặc thù, với các nội dung hình thức phong phú mang đậm sắc thái địa phương. Bên cạnh đó cần có sự đầu tư thích đáng nhằm tôn tạo các giá trị văn hoá phi vật thể đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học, đồng thời khai thác kinh doanh du lịch cùng các dịch vụ khác của lễ hội nhưng không làm mất đi bản sắc của lễ hội.
4. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ quản lý văn hoá các cấp, nhất là ở cơ sở: Mở các lớp đào tạo nâng cao nghiệp vụ về quản lý văn hoá cơ sở, trong đó chú trọng nội dung quản lý lễ hội cổ truyền. Bên cạnh đó cần nhấn mạnh đến việc tổ chức và quản lý lễ hội, huy động nguồn lực trong dân vì mục tiêu chung là phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội một cách đồng bộ.
Ngoài những lễ hội nổi tiếng như: lễ hội Tây Thiên, chọi trâu Hải Lựu, lễ hội đền Ngự Dội, lễ hội Đả cầu cướp phết (Lập thạch), lễ hội đúc bụt (Tam Dương)…lễ hội kéo song sẽ là điểm sáng mới cho Bình Xuyên nói riêng và du lịch Vĩnh Phúc nói chung. Bên cạnh việc khai thác chúng ta cần phải gìn giữ và bảo tồn di sản để phát triển bền vững.
Kim Dung