Khai mạc lễ hội đả cầu cướp Phết

Vào ngày 9/02/2011 (tức ngày mùng 7 tháng giêng năm Tân Mão), UBND xã Bàn Giản huyện Lập Thạch tổ chức khai mạc Lễ hội Đả cầu cướp phết năm 2011. Tới dự có đồng chí: Nguyễn Thế Trường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hà Hòa Bình, UV Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy huyện Lập Thạch; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh và đông đảo du khách, nhân dân địa phương tham dự.

Theo quan niệm xưa, nhân dân ta đánh giặc giữ nước đều có một đội quân đi cầu đảo bách thần theo nguyên lý (âm phù, dương trợ) để quyết thắng kẻ thù. Ngọc phả trang Bàn Giản do ông Lê Tùng quan lễ bộ Đại học sỹ triều Lê soạn năm 1513 cho biết: Tiết chế Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Đại Vương) đánh giặc Nguyên Mông lần thứ 3 trong khi điều binh có ngang qua Bàn Giản dừng lại lập đàn tế bách thần phù trợ, tại đồng Ngõ (tức chùa Am ngày nay) vào ngày 15/2 năm Mậu Tý (1288). Năm đó quân dân ta đại thắng bắt được tướng giặc Ô Mã Nhi ở sông Bạch Đằng, kết thúc 3 lần kháng chiến chống Nguyên Mông – một kẻ thù mạnh nhất lúc bấy giờ.

 

Về cướp cầu diễn tích toàn dân đánh giặc được nâng cao thành lễ thức: Mồng phết làm bằng gốc tre cong, trổ hình đầu ngựa, tượng trưng cho kỵ binh, cướp bằng tay tượng trưng cho bộ binh.

Cướp cầu để ôn lại sự tích và tôn thánh, vì thế trước khi cướp cầu các trai đinh đứng thành hàng ngang trước kiệu thánh và làm một số động tác nghi lễ theo hiệu lệnh trống khẩu của ông Mệnh. Ông Mệnh đánh một hồi trống dự báo, các trai đinh làm động tác trước Thánh theo từng tiếng trống gồm 5 bước: Lễ 4 vái; vuốt tóc; ăn trầu; vắt 2 tay lên vai; cầm mồng phết giơ cao reo hò quyết thắng… Sau đó kiệu Vua nghinh đi trước, các trai đinh đi sau, đến giữa sân hội cụ Mệnh tung quả Cầu, các trai đinh xô vào cướp. Một rừng người chồng chất lên nhau theo chiêng, trống, lệnh và một trai đinh mặc áo nẹp, thắt đai đỏ phất cờ sai, tương trưng xung trận. Cuộc diễn tích toàn dân đánh trận kéo dài cả buổi chiều. Người tài giỏi cướp cầu đem vào bái yết trước cửa đền sẽ được làng trao thưởng.

 

Lễ hội Đả cầu cướp phết nhằm khơi dậy nét đẹp văn hóa tinh thần trong nhân dân thông qua hội phết để rèn đức, luyện tài, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới./.

Kim Dung – XTDL

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *