HÁT SOỌNG CÔ CỦA NGƯỜI SÁN DÌU ĐƯỢC CÔNG NHẬN DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA

Vĩnh Phúc là vùng đất núi bọc, sông bao, sơn kỳ thủy tú, nơi phát tích của người Việt cổ và cũng là nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em cùng chung sống xây dựng, phát triển, tạo nên một bản sắc văn hóa Vĩnh Phúc, trong đó dân tộc Sán dìu là đông đảo nhất với trên 34000 người. Đồng bào Sán Dìu có truyền thống đoàn kết, chăm chỉ. Trong quá trình lao động Sản xuất, đồng bào Sán Dìu đã đã sáng tạo ra nhiều loại hình văn hóa tinh thần đặc sắc, và hát Soọng cô là một trong những loại hình trình diễn dân gian đặc sắc của người dân tộc Sán Dìu được gìn giữ cho đến ngày nay.

Trong chương trình lễ hội Tây Thiên Xuân Kỷ Hợi 2019, chiều 20/3, tại Trung tâm Văn hóa lễ hội Tây Thiên, huyện Tam Đảo tổ chức lễ đón bằng chứng nhận Soọng cô của người Sán Dìu ở các huyện: Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tại buổi lễ, đồng chí Nông Đức Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa – Bộ VHTT&DL đã công bố Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL ngày 30/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, Soọng cô của người Sán Dìu ở các huyện của tỉnh Vĩnh Phúc gồm: Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian là 1 trong 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận đợt này.

Theo tiếng Sán Dìu, soọng nghĩa là hát, cô nghĩa là ca. Có lịch sử ra đời và phát triển gắn liền với đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng, nội dung của soọng cô rất phong phú, đề cập đến tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, ca ngợi lao động, ướm hỏi tỏ tình, thăm hỏi gia đình…

Qua khảo sát thực tế, soọng cô của người Sán Dìu có khoảng gần 1.000 bài. Là tiếng nói của người lao động, vì vậy, ngôn ngữ trong soọng cô có nguồn gốc dân dã, thể hiện bản chất bình dị, chất phác, hồn nhiên của người nông dân. Ngôn từ của soọng cô sử dụng từ tượng hình, tượng thanh khá phong phú và hấp dẫn. Cách xưng hô trong soọng cô thể hiện rõ phương thức diễn xướng hát đối đáp trực tiếp, chủ yếu ở ngôi thứ nhất và thứ hai. Đây là thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ được lưu truyền qua nhiều thế hệ; lời ca và giai điệu soọng cô mềm dẻo, đầy sức lan tỏa, diễn tả tâm tư, tình cảm của người hát.

Trước sự giao thoa văn hóa trong đời sống hiện đại, nhiều loại hình văn hóa mới du nhập, các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu ít nhiều việc bị ảnh hưởng. Để các giá trị văn hóa truyền thống của người Sán Dìu và làn điệu hát soọng cô ở Vĩnh Phúc được lưu giữ, các cấp, các ngành và cộng đồng người Sán Dìu đã triển khai nhiều giải pháp gìn giữ bản sắc đặc trưng văn hóa dân tộc Sán Dìu như các lễ hội, trang phục, tiếng nói, chữ viết, ẩm thực và làn điệu soọng cô.

Hiện nay, công tác bảo tồn và phát triển soọng cô của người Sán Dìu đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 30 câu lạc bộ hát Soọng cô với hơn 1.000 thành viên tham gia. Hằng năm, các câu lạc bộ đều tổ chức các các lớp truyền dạy, giao lưu tạo môi trường, không gian cho các hội viên, nghệ nhân thực hành, biểu diễn. Qua đó, góp phần giới thiệu giá trị văn hóa của làn điệu dân ca này đến với công chúng, nâng cao ý thức, lòng tự hào của người dân trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng.

Sau nghi lễ trao Bằng chứng nhận, các CLB đến từ các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang và tỉnh Vĩnh Phúc đã đem đến cho buổi giao lưu 23 tiết mục rất đặc sắc. Kết thúc buổi giao lưu Ban tổ chức đã trao 01 giải A, 02 giải B và 09 giải C cho các đoàn tham gia. Đoàn CLB Sơn Nam (Tuyên Quang) đã giành giải A toàn đoàn.

Một số hình ảnh khác tại buổi lễ:

 

Ánh Nguyệt

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *