Hình thành cách đây hơn 1.000 năm, làng Thổ Tang xưa, nay là thị trấn Thổ Tang thuộc huyện Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc, nổi tiếng là vùng đất nhiều nghề, giỏi giao thương buôn bán; là nơi sản sinh ra nhiều danh nhân của Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung mà tên tuổi còn mãi lưu truyền trong sử sách. Đây còn là nơi có cụm di tích lâu đời, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc mang nhiều ý nghĩa lịch sử, như đình làng Thổ Tang, chùa Tùng Vân.
Chùa Tùng Vân – Vĩnh Phúc
Chùa Tùng Vân nằm ở giữa trung tâm thị trấn, gần với đình Thổ Tang. Đây là ngôi chùa lớn với lịch sử hơn 320 năm tuổi được xây dựng từ đời vua Lê Huy Tông vào năm Chính Hòa thứ 7 (1686) để phục vụ đời sống tôn giáo của người dân địa phương và cả một vùng rộng lớn. Chùa được xếp hạng di tích Văn hóa quốc gia năm 1964 và nhận bằng di tích văn hóa quốc gia năm 1992. Trải qua những thăng trầm biến cố chùa được nhiều lần trùng tu và lần gần đây nhất là vào năm 2008. Cùng với quá trình trùng tu, tôn tạo, chùa đúc Đại hồng chung nặng 1,1 tấn.
Chùa được xây dựng trên địa thế đẹp, bố cục theo kiểu chữ “quốc” có cây cối bao bọc xum xuê, với các hạng mục: Tam quan, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, nhà tổ, hành lang. Chùa Tùng Vân không bề thế, nhưng có kiến trúc đẹp, gồm 7 gian 2 dĩ, với hệ thống kết cấu hàng trăm cột gỗ và đá. Đây là kiểu kiến trúc hình chuôi vồ, 3 gian hậu cung, 7 gian tiền đường; là một trong những kiến trúc phật giáo tiêu biểu của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Tượng phật ngọc tại Chùa Tùng Vân
Chùa Tùng Vân xưa xây kiểu cửa cuốn, có những đường nước chảy xuống hai đường mái hai bên tựa như giếng trời; xưa các sư trong chùa dùng nước này để sinh hoạt, đến thời kháng chiến chống Mỹ đã bị mai một đi. Ngày nay, chùa đã khôi phục lại theo lối tứ trụ trồng cột; khác với vẻ rêu phong của chùa trước đây, chùa Tùng Vân ngày nay có lối kiến trúc đẹp hơn với nhiều hoa văn, họa tiết tinh xảo hơn. Mái chùa lợp ngói mũi hài, uốn cong bốn góc, trên nóc có bàn tay vươn ra từ hoa sen đỡ bánh xe pháp luân của nhà phật.
Tam quan ngôi chùa dựng theo lối cổ xưa với trên đỉnh có bánh xe pháp luân, ở giữa là chữ vạn, ở trên các đầu mái uốn cong của các góc đều là những linh vật gắn với bầu trời như: Rồng, phượng, mây.
Qua cổng Tam Quan là khuôn viên sân chùa với lầu quan âm tọa lạc ở góc bên trái. Quanh sân trồng nhiều cây cau cao vút (Hình ảnh quen thuộc của vùng Bắc Bộ) tạo cho phật tử và du khách đến đây cảm thấy sự gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người dân.
Qua năm bậc thềm từ sân lên đến tiền đường là khu vực chính của chùa, trước cửa vào là bức bình phong lớn để tránh mọi điều xấu du nhập từ bên ngoài vào chùa. Một trong những nét độc đáo của chùa là hàng cột đá ngay trước tiền đường. Trên mỗi cột đá đều được chạm khắc những hoa văn mang hình tượng tứ linh: Long, ly, quy, phụng và tứ quý: Tùng, cúc, trúc, mai thể hiện sự sinh sôi của bốn mùa. Điều đặc biệt nữa là toàn bộ gỗ trong chùa đều là gỗ lim.
Nối tiếp giữa thềm và chính điện là bộ cánh cửa bức bàn bằng gỗ lim, chạm trổ rất công phu, phía trên cửa đặt chấn song con tiện, bên dưới tạc phù điêu tứ quý cách điệu.
Theo con đường nhất chính đạo đi vào bên trong tiền đường, phía bên phải lối vào là tượng ông Khuyến Thiện, đầu đội kim khôi, tay cầm đại đao nhưng gương mặt hiền từ, với ý nghĩa khuyên mọi người nên làm những điều thiện (chánh tâm). Phía bên trái lối vào là tượng ông Trừng ác, cũng mặc khôi giáp, nhưng gương mặt dữ dằn, một tay cầm búa, một tay cầm Ngọc ấn tỷ phù, với ý nghĩa nhắc nhở người làm điều ác sẽ bị trừng phạt (vọng tâm). Nhà thờ tổ là nơi lưu giữ nhiều pho tượng bằng đất nung có giá trị (trong đó có pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đất nung, có niên đại cách đây gần 300 năm), được bài trí theo phong cách của dòng Phật giáo Đại Thừa – Bắc Tông. Ngoài ra chùa còn lưu giữ nguyên vẹn nhiều hiện vật quý như chuông đồng, khánh đồng. ở gian hậu cung có khán thờ về đức Khổng Tử cho thấy ở nơi đây có truyền thống hiếu học lâu đời. Cũng ở khán thờ này, còn tạc hai thị nữ hai bên cánh cửa rất mềm mại, thể hiện sự khéo léo trong nghệ thuật tạc tượng từ xưa. Không chỉ vậy, chùa Tùng Vân còn lưu giữ được hệ thống văn bia cổ, đây là những tài liệu quý có giá trị nghiên cứu lịch sử, văn hóa.
Chùa Tùng Vân nổi tiếng với pho tượng Đức phật Tổ Thích Ca Mâu Ni được đặt ở gian tiền đường. Tượng được tạc từ khối ngọc xanh nặng hơn 10 tấn, chiều cao 3,3m, rộng 2,1m, dày 1,2m; đây là khối ngọc quý hiếm và lớn nhất trong các khối ngọc tìm thấy trong nước ta. Bức tượng được hoàn thành đúng vào dịp cả nước kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Bức tượng mang vẻ đẹp sáng bóng dịu mát của màu xanh rất gần gũi với tâm nguyện hàng ngày mỗi người dân Việt Nam – luôn hướng tới sự thanh bình! Sau khi tạc pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, khối ngọc xanh còn lại tiếp tục được các nghệ nhân tạc bức tượng Phật Bà Quan Âm, nặng khoảng 5 tấn. Bức tượng Phật Bà Quan Âm cũng được tạc tinh xảo, kết tụ tinh hoa, tâm huyết của nghệ nhân, giúp phật tử cảm nhận được cái “thần” khi chiêm bái. Nơi đây cũng là nơi trưng bày những pho tượng như tam thế phật, phật sơ sinh, bức tranh Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh. Ngày 16/9/2011 chùa Tùng Vân được sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Nơi an vị pho tượng Phật ngọc nguyên khối lớn nhất tại Việt Nam”.
Cũng giống như rất nhiều ngôi chùa khác ở Miền Bắc, chùa Tùng Vân xây dựng theo lối tiền phật, hậu mẫu. Chùa có gian thờ mẫu ở phía sau, gồm mẫu Thiên, mẫu Thoải, mẫu Thượng ngàn cùng hệ thống các quan, các cô, cậu lập nên một bàn thờ tương đối đầy đủ về tín ngưỡng thờ Mẫu.
Chùa Tùng Vân về đêm
Nơi đây còn có nhà tiếp khách rộng lớn để dành cho các phật tử và du khách đến đây hành lễ và tham quan.
Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc, chùa Tùng Vân ngày nay nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, không chỉ thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử đến hành lễ mà còn là điểm thu hút khách tham quan, du lịch khi đến Vĩnh Phúc./.
Thu Hiền – XTDL