Vĩnh Phúc là vùng đất giáp giới 3 trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của nước ta thời cổ. Đó là Kinh đô Văn Lang thời Hùng Vương, Kinh đô Cổ Loa thời An Dương Vương và Kinh đô Thăng Long-Đông Đô. Vĩnh Phúc có nền văn hóa lâu đời và có bề dày truyền thống hiếu học. Ngay từ xưa Vĩnh Phúc đã có Văn miếu phủ Tam Đới được lập tại xã Cao Xá, huyện Bạch Hạc (nay là xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường).
Năm 2010, quá trình xây dựng nhà giáo dục thể chất tại Trường THPT Trần Phú ở TP Vĩnh Yên phát hiện được một văn bia cổ, ghi lại quá trình trùng tu, tôn tạo Văn miếu phủ Tam Đới lần thứ nhất vào năm 1667 và trùng tu, tôn tạo lần thứ hai vào năm 1702. Đến năm 1822, tên phủ Tam Đới được thay bằng phủ Vĩnh Tường nên gọi là Văn miếu phủ Vĩnh Tường. Sau khi tỉnh Vĩnh Yên được thành lập, đến năm 1925, Văn miếu phủ Vĩnh Tường được di dời về trung tâm tỉnh lỵ, tại địa phận gò Giác Lạc ở phía bắc xã Định Trung và có tên gọi là Văn miếu tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc)
Công trình Văn Miếu Vĩnh Phúc hiện nay được khởi công xây dựng ngày 16/6/2012 tại khu gò Cháo, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích 42,41 ha, là công trình văn hóa trọng điểm – biểu tượng cho truyền thống văn hiến, truyền thống hiếu học của tỉnh. Văn Miếu Vĩnh Phúc là sự kế thừa, phát triển của Văn Miếu xưa qua các thời kỳ lịch sử; kiến trúc có sự kết hợp hài hòa giữa phong cách truyền thống và hiện đại, là quần thể kiến trúc tập hợp nhiều công trình được bố trí theo thứ tự từ ngoài vào trong gồm 3 phần: bên ngoài (tứ trụ, cầu đá, Văn Miếu môn), khu thứ 2 (giếng Thiên Quang, 2 dãy nhà bia Tiến sĩ, nhà Đại Thành môn, cổng Thành Đức và Đạt Tài) và khu nội tự (sân hành lễ, gác chuông, gác trống, tả vũ, hữu vu, Tiền đường, hậu cung).
Bước tới cổng Văn Miếu, tứ trụ biểu tượng uy nghi dựng bằng đá khối, trên đắp hình nghê chầu phượng múa. Các cánh cổng Văn Miếu môn đều được làm bằng gỗ lim vững chắc, theo quan niệm xưa, Tam quan chỉ được mở khi có các bậc vua quan đến thăm Văn Miếu và tế lễ Khổng Tử, còn học trò và dân thường muốn ra vào Văn Miếu phải đi hai cổng bên.
Giếng Thiên quang được ví như một tấm gương soi, tựa như giếng đón ánh sáng trời, làn nước trong xanh, được thả các loại cá và sen… Đối xứng hai bên Giếng Thiên Quang là hai dãy nhà bia Tiến sĩ. Các tấm bia được phục chế với hình dáng, kích cỡ như nhau. Thân bia hình chữ nhật, xung quanh có một khung rộng, được khắc chữ ở hai mặt, một mặt chữ Hán, một mặt chữ quốc ngữ, nội dung ghi tên tuổi, quê quán, năm sinh, năm mất, năm đỗ khoa trường, chức vụ của các vị Tiến sĩ. Phần cuối là đế bia. Mỗi bia được đặt trên lưng rùa. Bia đặt trên lưng rùa biểu tượng cho sự tôn vinh hiền tài, trường tồn vĩnh cửu.
Bước qua Đại thành môn là vào đến khu nội tự của Văn Miếu, nơi đây được ngăn cách với không gian ồn ào bên ngoài bởi hệ thống tường bao xây bằng đá khối. Hai nhà gác chuông và gác trống có kích thước và quy cách kiến trúc như nhau đối xứng qua trục thần đạo và có cùng trục dọc với tả mạc, hữu mạc. Chính giữa là sân hành lễ với sức chứa khoảng 3.000 người.
Khu nhà thờ chính là nơi thờ các bậc Tiên thánh, danh nhân, được thiết kế theo lối kiến trúc cổ truyền, gồm 2 tòa: Tiền đường và hậu cung nối với nhau
Tầng 2 hậu cung là khu nhà thờ chính. Nơi đây gồm 7 gian, gian chính giữa đặt bài vị của Khổng Tử và Chu Văn An và bài vị ghi danh 86 vị Đại khoa ngạch văn của tỉnh Vĩnh Phúc từ thời Lý đến thời Nguyễn. Hình thức thờ bằng bài vị, theo nguyên tắc trình tự thời gian đỗ đạt từ xa tới gần mà đặt các bài vị từ gần tới xa, từ trái sang phải với ban thờ chính ở gian giữa. Tại mỗi gian thờ trong hậu cung đều được bố trí 01 hương án, 01 bức hoành phi, 01 đôi câu đối và 01 bộ cửa võng. Riêng đối với gian thờ Khổng Tử và Chu Văn An thì được bố trí thêm phía trước là đỉnh đồng, hai bên là rùa đội hạc đồng và bộ bát bửu.
Hàng năm tại Văn miếu Vĩnh Phúc tổ chức 2 ngày lễ chính, đó là ngày 11/2 và ngày 20/8 âm lịch làm lễ tế, tôn vinh các bậc Tiên thánh, Tiên nho, các vị danh nhân khoa bảng. Qua đó góp phần tôn vinh, tri ân những bậc hiền tài và sự lan tỏa truyền thống văn hóa, hiếu học của các dòng họ khoa bảng ở tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng thời, giúp các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong tỉnh hiểu biết sâu sắc về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của vùng đất “Anh hùng góp mặt, khoa bảng đề danh” – sản sinh ra nhiều bậc hiền tài, hội tụ các dòng họ đăng khoa, qua đó, không ngừng phấn đấu học tập, tu dưỡng, noi gương tiền nhân, xây dựng quê hương đất nước giàu có, phồn vinh.
Ngoài các hoạt động văn hóa được tổ chức thường niên, từ đầu năm 2021 đến nay tại Văn miếu tỉnh tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm tham quan, “Tặng chữ đầu Xuân” của hội viên CLB Hán Nôm tỉnh; trải nghiệm giáo dục “Nét chữ – Nết người” do các em học sinh của Trường tiểu học Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên thực hiện; triển lãm những bức thư pháp nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1941) và các hội viên CLB Hán Nôm trong tỉnh. Tái hiện lại hoạt cảnh các kỳ thi cử xưa kia; tổ chức phiên chợ Tết kết hợp với trưng bày sinh vật cảnh và cổ vật…
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục đã xây dựng chuyên đề học tập lịch sử thông qua cuộc thi “Theo dòng lịch sử”, hoạt động của các câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, tôn vinh học sinh có thành tích xuất sắc tại Văn Miếu tỉnh, lễ báo công tại Nhà lưu niệm Bác Hồ với Vĩnh Phúc. Đồng thời, biên soạn tài liệu và tổ chức truyền dạy một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc; đưa các trò chơi, trò diễn dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ vào các hoạt động ngoại khóa của học sinh trong hệ thống trường học toàn tỉnh. Học sinh đi tham quan được các nhà trường bố trí đảm bảo an toàn, hiệu quả, nội dung chương trình được sắp phù hợp với chương trình giáo dục của từng cấp học, sinh động, hấp dẫn và bổ ích.
Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc là nơi sinh hoạt văn hóa tôn nghiêm, văn minh, lịch sự, gồm nhiều hoạt động bổ ích. Thông qua đó tuyên truyền, giáo dục, thu hút nhiều lớp người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, giao lưu văn hóa dẫn dắt mọi người, nhất là thế hệ trẻ đến với văn hóa – giáo dục.
Thời gian tới, Văn Miếu Vĩnh Phúc tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giới thiệu, trưng bày những hiện vật điển hình. Bên cạnh đó cải tạo không gian cảnh quan kết hợp với không gian văn hóa tại phần trưng bày ngoài trời đáp ứng các hoạt động vui chơi, giải trí, chụp hình lưu niệm, tổ chức sự kiện… Văn miếu tỉnh sẽ tổ chức các hình thức trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể và các trò chơi dân gian truyền thống; phối hợp cùng với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh, đưa Bảo tàng tỉnh, Văn Miếu tỉnh trở thành điểm đến trong hành trình các tour du lịch của Vĩnh Phúc.
Hồng Quân