Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu thu hút đông đảo du khách tham dự

Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu năm 2024 tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc được tổ chức trong 2 ngày 25 – 26/2 (tức ngày 16 và 17 tháng Giêng). Đây là lễ hội Chọi trâu cổ xưa nhất của nước ta. Lễ hội năm nay thu hút hàng vạn người dân và du khách đến tham dự.

Năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện Đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức Lễ hội Chọi trâu, tổ chức lễ hội phù hợp với nguồn gốc lịch sử, văn hóa truyền thống; tiếp tục giảm số lượng từ 32 xuống còn 20 trâu chọi theo đúng phong tục cũ và không bán vé vào xem. Trong ngày 25/2 chỉ diễn ra 12 kháp đấu vòng loại thứ nhất và vòng loại thứ hai. Ngày 26/2 diễn ra các kháp đấu vòng bán kết, tứ kết và chung kết, trao giải chiến thắng.

Theo tương truyền, lễ hội Chọi trâu Hải Lựu có từ thế kỷ II trước Công nguyên (tính đến nay đã hơn 2000 năm). Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt, nhà Triệu tan rã, thừa tướng Nam Việt là tướng Lữ Gia đã lui quân về vùng núi Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức Chọi trâu để truyền cho quân sĩ tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, quả cảm như các đấu sĩ trâu, và trâu sau khi chọi đều được đem mổ thịt để khao quân

Các trâu chọi năm nay đến từ 10 thôn của xã Hải Lựu đăng ký tham dự, được các chủ trâu lựa chọn kỹ lưỡng về vóc dáng, chiều cao, cận nặng; được chăm sóc theo đúng kỹ thuật nên các ông Cầu đều khỏe mạnh. Các trận đấu diễn ra sôi nổi, kịch tính, mang đến cho du khách những màn giao đấu đẹp mắt và ấn tượng.

Trâu chọi được gọi là “ông Cầu” để phân biệt với trâu cày bởi trâu chọi là trâu không còn khả năng kéo cày, được mua về để chăm sóc, huấn luyện. Đối với các hộ nuôi “ông Cầu” trong nhà thì đó là cả một sự vinh dự, trong suốt thời gian huấn luyện, “ông Cầu” được chăm sóc đặc biệt, được cho ăn mật mía, mật ong, các thức ăn bổ dưỡng và huấn luyện các đòn võ của trâu chọi.Trâu chọi bao giờ cũng đấu nhau bằng lối đối mặt dùng sừng và sức khỏe để chọn thế võ tấn công đối phương, dù thắng hay thua không bao giờ trâu tấn công nhau từ phía sau lưng hay mạng sườn, điều này thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc.

Tính đến năm nay, lễ hội được khôi phục được hơn 20 năm, trở thành một lễ hội nổi tiếng, ngày càng được nhiều người biết đến, cũng là dịp du Xuân đầu năm với nhiều trải nghiệm thú vị đã năm thu hút hàng vạn du khách khắp cả nước tìm đến, góp phần phát triển văn hóa du lịch địa phương. Lễ hội còn thể hiện tinh thần thượng võ, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, phục vụ nhu cầu văn hóa, tâm linh, cầu mong mưa thuận gió hòa, gia đình hạnh phúc của người dân.

Hồng Quân

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *