DÂN TỘC THIẾU SỐ VĨNH PHÚC VÀ NHỮNG NÉT VĂN HÓA ĐẶC SẮC

Trong suốt chiều dài lịch sử, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) luôn là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, địa phận Vĩnh Phúc đã trở thành nơi cư ngụ của người Việt cổ, và rất nhiều dân tộc anh em khác. Từ đó mảnh đất Vĩnh Phúc đã trở thành nơi hội tụ đan xen của những nét văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc.
Vĩnh Phúc là tỉnh đồng bằng trung du bắc bộ, nơi tập trung khá nhiều dân tộc thiểu số như dân tộc Cao Lan, dân tộc Dao, … đông đảo nhất là dân tộc Sán Dìu. Đến nay nền văn hóa đặc sắc đó về cơ bản vẫn được gìn giữ, trở thành một phần không thể thiếu tạo nên nền văn hóa của quê hương Vĩnh Phúc, là một tài nguyên du lịch văn hóa tiềm năng.

Dân tộc Sán Dìu
Dân tộc Sán Dìu ở Vĩnh Phúc có khoảng trên 34.000 người, địa bàn cư trú tập trung ở sườn phía Tây Nam dãy Tam Đảo, thuộc các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Tam Dương, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên. Dân tộc Sán Dìu có nguồn gốc từ Trung Quốc, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một bộ phận người Sán Dìu ở khu vực Quảng Đông đã vượt biên giới Việt – Trung để vào Việt Nam sinh sống, đến nay đã được 9 – 10 thế hệ (khoảng 250 – 300 năm). Từ khi có mặt ở Vĩnh Phúc, người Sán Dìu đã ra sức lao động sản xuất, xây dựng quê hương mới, đồng thời sáng taọ nên một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc riêng biệt phản ánh cuộc sống lao động tự chủ của cư dân Sán Dìu.

Trang phục ngày thường của người phụ nữ Sán Dìu khá đơn giản nhưng vẫn thể hiện sự độc đáo mang bản sắc riêng về lối sống và văn hóa của dân tộc mình. Bộ áo váy phụ nữ Sán Dìu được làm với gam màu chàm chủ đạo gồm khăn đội đầu, áo yếm, áo dài xẻ tà hai bên, váy dài qua đầu gối, thắt lưng và bắp chân cuốn xà cạp trắng. Đơn giản và không thêu thùa sặc sỡ nhưng trang phục của phụ nữ Sán Dìu trông khá bắt mắt. Đặc biệt, để làm nổi bật bộ trang phục, phụ nữ Sán Dìu dùng những dây vải màu sắc xanh, đỏ, tím để làm thắt lưng buộc ngang lưng và tạo độ xòe cho áo, váy.
Nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của người Sán Dìu đó là làn điệu hát ví Soọng cô, ngày nay điệu hát được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. “Soọng cô” tiếng Sán Dìu nghĩa là ca hát đối đáp, đặt lời theo thể thất ngôn tứ tuyệt, được ghi chép bằng chữ Hán cổ và lưu truyền trong dân gian bằng hình thức truyền khẩu. Chủ đề các bài Soọng cô gắn với các sinh hoạt hàng ngày, nam nữ hát đối đáp những bài thổ lộ tâm tư, tình cảm của mình, hát về ngày sum họp, mong muốn được sống chung làng, cùng gắn bó trong lao động, xây dựng gia đình đầm ấm, quê hương giàu đẹp; Soọng cô là tiếng nói của người lao động nên ngôn ngữ ca từ mộc mạc, dân dã, thể hiện bản chất bình dị, chất phác, hồn nhiên của người nông dân. Soọng cô cũng mang đậm phong cách dân ca qua cách sử dụng ngôn ngữ mang tính ước lệ, ẩn dụ với lối so sánh ví von phổ biến. Do tính chất truyền khẩu, đối đáp ứng tác nên số lượng bài bản Soọng cô rất phong phú và được các nghệ nhân cùng học trò ở các câu lạc bộ thường xuyên trình diễn, truyền dạy.
Dân tộc Cao Lan
Theo tài liệu của Ban dân tộc tỉnh, người Cao Lan thuộc nhóm dân tộc thiểu số đông thứ 2 ở Vĩnh Phúc. Người Cao Lan có nguồn gốc ở Quảng Đông (Trung Quốc) bị nhà Minh đàn áp bóc lột nên di cư sang Việt Nam. Họ đã sinh sống và nhập cư và cư trú chủ yếu tại xã Quang Yên huyện sông Lô. Đồng bào dân tộc Cao Lan có tính đoàn kết cộng đồng rất cao trong lao động sản xuất và sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng.
Những nét đẹp bản sắc của người Cao Lan cần phải kể đến là trang phục truyền thống – những chiếc áo nối với thân dài, 2 màu chủ đạo là nâu và chàm. Chiếc áo nhìn đơn giản nhưng được cắt nối và thêu hoa văn khá cầu kỳ. Thoạt nhìn dáng áo có vẻ giống với áo dài của dân tộc Kinh, nhưng áo nối không có khuy cài, hai vạt áo được vắt chéo nhau và dùng những dây đai nhiều màu sặc sỡ thắt ôm lấy eo và buông dài phía trước. Vạt áo ngang đến bắp chân người mặc, bên trong có may thêm vạt nhỏ. Phần lưng, cổ và tay áo thường được thêu chỉ màu những hoa văn đẹp mắt làm điểm nhấn trên nền chàm nâu. Áo nối của phụ nữ Cao Lan được mặc với chiếc váy đen may khá đơn giản, hơi xoè ở phần dưới. Khi mặc kèm theo xà cạp quấn phần bắp chân. Trước kia, từ phụ nữ đến người già thường mặc trang phục truyền thống màu sắc đơn giản hàng ngày, những bộ trang phục được dệt thêu cầu kỳ thường mặc trong dịp đám cưới, lễ tết, ngày hội.
Nếu như người Sán Dìu có điệu hát Soọng cô truyền thống thì điệu hát Sình ca giao duyên là sinh hoạt văn hoá tinh thần không thể thiếu của người Cao Lan trong những ngày hội, ngày tết, đám cưới hỏi, rước dâu…Sình ca được sáng tác theo thể thơ tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán, khi hát ít khi có nhạc đệm, chủ yếu là do sự ứng phó tình huống, đối đáp của người hát. Trải qua nhiều năm tháng, ngày nay lớp thanh niên trẻ dân tộc Cao Lan không còn nhiều người biết hát Sình ca, biết chữ Hán để đọc được những lời hát Sình ca cổ, nhưng những làn điều Sình ca thì vẫn được người già trong làng lưu truyền và phát triển từ đời này sang đời khác.
Dân tộc Dao
Trong các dân tộc thiểu số, người dân tộc Dao là dân tộc đến định cư tại Vĩnh Phúc đông đúc chỉ sau dân tộc Sán Dìu và Cao Lan. Người Dao tự gọi mình là Dìu Mến hay Kìm Mến. Người Dao đến Việt Nam từ mấy trăm năm nay, bằng nhiều con đường khác nhau. Tộc người này cũng có nguồn gốc từ Quảng Đông(Trung Quốc). Sau khi di cư qua các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hòa Bình một bộ phận người Dao đã đến sinh cư lập nghiệp ở bản Thành Công, xã Lãng Công, huyện Sông Lô.
Người Dao ở bản Thành Công còn được gọi là Dao quần chẹt do đặc điểm quần của nữ giới được bó chẹt vào chân. Cùng với những trang trí họa tiết, hoa văn độc đáo, sự kết hợp hài hòa các phụ kiện như khăn đội đầu, xà cạp, trang sức… đã tạo nên nét riêng độc đáo trong bộ trang phục của đồng bào dân tộc Dao nơi đây. Phụ nữ Dao mặc rất đa dạng, thường mặc áo dài yếm, váy hoặc quần. Họ không theo theo mẫu vẽ sẵn trên vải mà hoàn toàn dựa vào trí nhớ, thêu ở mặt trái của vải để hình mẫu nổi lên mặt phải với nhiều loại hoa văn như chữ vạn, cây thông, hình chim, người, động vật, lá cây. Cách in hoa văn trên vải bằng sáp ong ở người Dao rất độc đáo. Muốn hình gì người ta dùng bút vẽ hay nhúng khuôn in vào sáp ong nóng chẩy rồi in lên vải. Vải sau khi nhuộm chàm sẽ hiện lên hoa văn mầu xanh lơ do phủ lớp sáp ong không bị thấm chàm. Đối với trang phục truyền thống của phụ nữ Dao, bên cạnh quần và áo, còn có nhiều phụ kiện khác như: Yếm, khăn đội đầu, vòng cổ bạc, dây xà tích, thắt lưng. Khác với nữ giới, trang phục của đàn ông Dao khá đơn giản. Bộ trang phục có gam màu chủ đạo là màu chàm hoặc đen. Áo dài vừa phải, có 2 vạt, mỗi vạt thường may một chiếc túi. Ngoài ra, có thể may thêm 2 chiếc túi ở 2 bên ngực áo. Cổ áo xẻ, có cúc cài dưới thân áo. Hiện nay, người Dao ở bản Thành Công vẫn mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ, Tết, cưới hỏi, ma chay.
Người Dao Quần Chẹt có nhiều phong tục tập quán độc đáo, trong đó, có lễ cấp sắc – nghi lễ công nhận sự trưởng thành của người đàn ông dân tộc Dao. Cho đến nay, phong tục truyền thống độc đáo này vẫn được người dân tộc Dao ở Thành Công gìn giữ, phát huy. Theo truyền thống, người đàn ông Dao phải được giáo dục, rèn luyện về nhiều mặt để làm trụ cột cho gia đình, dòng họ và cộng đồng, phẩm chất của họ phải được khảo hạch qua những kì lễ đặc biệt được gọi là lễ cấp sắc. Người Dao quan niệm rằng phải trải qua lễ cấp sắc, mới có tâm có sắc để phân biệt trái phải, mới được công nhận là con cháu Bàn Vương, để lúc sống có đủ tư cách thờ cúng tổ tiên, khi chết thì hồn được đoàn tụ với tổ tiên, không phải chịu khổ ải nơi âm phủ.
Nét đẹp văn hóa của các dân tộc thiểu số là tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng, là sản phẩm du lịch phục vụ cho nhu cầu khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm. Hi vọng trong thời gian tới, những nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của những dân tộc thiểu số vẫn giữ nguyên sức cuốn hút, hấp dẫn của nó. Bởi đây là nền tảng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *