Một chiều tháng chín, chúng tôi có dịp về thăm “Bảo tàng” lưu giữ hàng nghìn kỷ vật chiến tranh của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Đổng tại thôn Vân Giang, xã Lý Nhân, Vĩnh Tường. Người đàn ông gắn liền với hình ảnh với chiếc balô con cóc đi khắp các chiến trường xưa để sưu tầm những kỷ vật chiến tranh gắn với ký ức về một thời hào hùng của lịch sử dân tộc.
Ấn tượng của chúng tôi là ngôi nhà ngói 3 gian truyền thống được bài trí ngăn lắp. Ông dành hầu hết không gian để trưng bày những món đồ thời chiến tranh.
Ông Nguyễn Văn Đồng giới thiệu ý nghĩa từng cổ vật
Tay rót chén nước ông vừa kể cho chúng tôi về một thời oanh liệt mà ông cùng thế hệ của mình đã trải qua. Năm 1967, cũng giống như bao thanh niên khác, ông Đổng lên đường nhập ngũ vào chiến trường Long An. Không may, trong một trận chiến khốc liệt, nhiều đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh, còn ông thì bị thương nặng. Năm 1971, ông được đơn vị cho phục viên với tình trạng mất sức khỏe 51%. May mắn sống sót bước ra khỏi cuộc chiến tranh, trở về quê nhà, ông mang trong mình một nỗi suy tư đau đáu về những người đồng đội đã cùng sát cánh với mình để bảo vệ sự bình yên của đất nước. Và cũng chính từ đây, ông lặn lội ngược xuôi sưu tầm những kỷ vật kháng chiến. “Quá khứ rồi sẽ trở thành lịch sử và chỉ ở trong sách vở, nhưng nếu lưu lại những kỷ vật thì lịch sử sẽ sống mãi trong lòng thế hệ trẻ. Tôi sưu tầm kỷ vật chiến tranh không phải để làm cuộc chơi, mà muốn minh chứng cho lớp trẻ hiểu hơn về các cuộc kháng chiến ác liệt của dân tộc, qua đó giúp thế hệ trẻ yêu quý hòa bình, độc lập tự do hơn”, ông Đổng tự hào tâm sự.
Hơn 40 năm cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước đã lùi xa, đó cũng là quãng thời gian CCB-Thương binh Nguyễn Văn Đổng miệt mài sưu tầm, gom góp những kỷ vật gắn bó với người lính trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Đến nay, ông Đổng đã sưu tập được hơn một nghìn kỷ vật. Vừa qua ông đã tặng 137 kỷ vật cho Đền thờ liệt sĩ huyện Vĩnh Tường. Quanh các bức tường ngôi nhà cấp 4 ông đặt các giá gỗ bày các kỷ vật, cổ vật. Ông bố trí không gian lớn và trang trọng nhất để trưng bày những kỷ vật mà ông dày công sưu tập. Các kỷ vật được sắp đặt khoa học theo từng loại như: Ba lô, vải dù, cờ đỏ sao vàng, võng bạt, radio, bút máy, la bàn và cả các đồ dùng như lược chải đầu, thắt lưng, mũ, giày, ca uống nước, đèn dầu,… Đáng chú ý trong bộ sưu tập của ông là chiếc bình hoa đúc từ xác chiếc máy bay F-111 của Mỹ bị bắn rơi tại Tiền Châu, Phúc Yên năm 1972; lá cờ giải phóng miền Nam do hai em bé huyện Bến Đức, Long An may bằng tay trong thực thi Hiệp định Pari 1973; chiếc lược của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc làm từ xác máy bay rơi; danh sách gần 300 liệt sĩ đã hy sinh của Trung đoàn 33 (A37) từ năm 1968 đến năm 1978… Bên cạnh đó là rất nhiều cổ vật từ gốm sứ cổ như bình hoa, bát, đĩa cho đến tiền xu của nhiều niên đại…
Không chỉ sưu tầm những kỷ vật của bộ đội ta, ông còn sưu tầm cả những đồ dùng của binh lính Mỹ, để làm phong phú hơn cho bộ sưu tập của mình. Để tiện cho người xem theo dõi, tìm hiểu, các hiện vật đều được ông dán nhãn, ghi tỉ mỉ, khoa học những thông tin như tên người lính từng gắn bó với kỷ vật, quê quán, đơn vị tham gia chiến đấu hay tên người tặng kỷ vật,…
Lá cờ tổ quốc được ông treo trang trọng ngay cửa ra vào
Khi kỷ vật ngày một nhiều, ông làm đơn đề nghị các cấp, các ngành cho phép trưng bày kỷ vật tại gia đình để đông đảo CCB và bà con nhân dân được tham quan, tìm hiểu. Hiểu được tâm phúc của ông, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã cử người về giúp đỡ ông bài trí, trưng bày. Năm 2013, ông Đổng đã ra mắt “Gian phòng sưu tầm kỷ vật chiến tranh” và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của tất cả đồng đội, hội cựu chiến binh xã, huyện cùng các đoàn thể của chính quyền xã, buổi ra mắt là thành quả cho nỗ lực không mệt mỏi của ông suốt 40 năm. Cũng chính trong buổi ra mắt đó, ông lại nhận thêm nhiều kỷ vật từ những người cựu chiến binh năm xưa, họ trao tặng cho ông với mong muốn “nhờ” ông giữ lại cho thế hệ mai sau. Lãnh đạo chính quyền địa phương luôn đánh giá cao sự gương mẫu, tích cực tham gia hoạt động các cấp hội và phong trào ở địa phương của gia đình ông Nguyễn Văn Đổng, tạo điều kiện giúp đỡ để gian trưng bày của ông ngày một phong phú hơn bởi trong nhịp sống hối hả, bộn bề của xã hội hiện đại, những việc làm giàu tâm huyết của ông thật đáng trân trọng.
Từ khi ông Đổng mở gian trưng bày kỷ vật chiến tranh, địa phương đã đón nhiều đoàn đến thăm quan, tìm hiểu. Hàng năm vào những dịp lễ trọng đại của đất nước như quốc khánh, Tết nguyên đán, đặc biệt là ngày giải phóng Miền nam 30/4 và ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt nam 22/12, ngôi nhà cấp 4 của ông lại trở lên đông vui, nhộn nhịp. Nhiều đoàn CCB và thiếu niên nhi đồng đến thăm quan, chia sẻ. Tất cả đều được ông nhiệt tình đón tiếp và hướng dẫn, kể chuyện một cách tỉ mỉ. Các cháu học sinh được nghe những câu chuyện lịch sử từ chính con người trở về trong bom đạn tại ngôi nhà trưng bày kỷ vật chiến tranh. Các em sẽ hiểu hơn về những khó khăn, gian khổ trong chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ của cha ông ta. Thế hệ trẻ sẽ nhận thức thấy cần phải cố gắng học tập tốt, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp để xứng đáng với công lao to lớn của các thế hệ đi trước đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ngôi nhà của ông Đổng nằm trong thôn Vân Giang xã Lý Nhân là cụm du lịch làng nghề mộc – rèn hiện đã được Công Ty Cổ Phần Du Lịch Và Thương Mại Trải Nghiệm Châu á – INSIGHT ASIA TRAVEL., JSC khai thác là một trong những điểm đến của tour du lịch đường sông từ Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên lên Hà Nội, Vĩnh Phúc. Mỗi tháng đều có 2-3 tour ghé thăm cụm làng nghề mộc và rèn ở Lý Nhân.
Từ cụm làng nghề Lý Nhân, nhà ông Nguyễn Văn Đổng đến khu nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Phúc chỉ khoảng 5km, cách các điểm du lịch tiềm năng ở Vĩnh Tường như đình Thổ Tang – chùa Tùng Vân, làng rắn Vĩnh Sơn hay Đầm Dưng (đang trong quá trình quy hoạch thành khu du lịch sinh thái) không xa. Hứa hẹn sẽ tạo thành một cụm du lịch thu hút khách du lịch trong tương lai gần. Đặc biệt khi tuyến đường đê tả sông Hồng hoàn thành thì cụm du lịch này sẽ dễ dàng kết nối với các địa phương khác như Đường Lâm, đền Và, các khu du lịch sinh thái tại Sơn Tây, Ba Vì, đền Bạch Hạc, Đền Hùng… thành một tuyến du lịch hấp dẫn du khách.
Ông Nguyễn Văn Đổng cho biết đã được Hội CCB tỉnh, huyện, xã và chi hội tại thôn Vân Giang hỗ trợ tổng số tiền 24,5 triệu đồng. Hai vợ chồng ông với 2,3 triệu đồng/tháng trợ cấp thương tật của ông và 3 sào ruộng không đủ khả năng để mở rộng quy mô trưng bày. Để đáp ứng nhu cầu thăm quan và giáo dục truyền thống, ông mong muốn chính quyền hỗ trợ thêm kinh phí, mặt bằng để mở rộng quy mô trưng bày theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Từ đó có thêm điều kiện tổ chức đón khách, thuyết minh cho khách tham quan.
Các tờ tiền cổ cũng được ông đóng khung lưu giữ
Bên cạnh các cháu học sinh và nhân dân địa phương, ông Nguyễn Văn Đổng rất mong muốn du khách trong và ngoài nước hiểu được lịch sử hào hùng của dân tộc ta thông qua bộ sưu tập kỷ vật của ông. Tuy đã đón nhiều đoàn khách đến tham quan, nghiên cứu nhưng chưa có khách du lịch thuần tuý đến với gian phòng trưng bày của ông Đổng, một phần do quy mô của gian trưng bày, một phần do khách vẫn chưa biết đến. Hiện tại Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Vĩnh Phúc đã kết nối đại diện của công ty INSIGHT ASIA TRAVEL với gia đình ông Nguyễn Văn Đổng từ tháng 10/2017 sẽ đưa khách du lịch của công ty (chủ yếu là khách Tây Âu) thăm quan gian trưng bày kỷ vật chiến tranh. Du khách quốc tế có cơ hội phần nào thấy được truyền thống hào hùng của dân tộc ta: Dù khó khăn gian khổ nhưng luôn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập của nước nhà. Trong thời gian sớm nhất Trung tâm sẽ kết nối với FLC Vĩnh Phúc Resort đưa khách đến thăm quan địa chỉ này.
Tròn 75 tuổi đời, cái tuổi mà đa số chúng ta chân yếu tay mềm, CCB -thương binh Nguyễn Văn Đổng vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi. Ngoài những ngày nghiên cứu và tiếp khách tham quan, ông lại dành thời gian đi thăm bạn bè và tham gia các hoạt động của Hội CCB các cấp. Sẽ không bất ngờ khi chúng ta lại bắt gặp người đàn ông ấy trên hành trình đi tìm kỷ vật của ông. Cứ như thế, sau mỗi chuyến đi, gian trưng bày của ông lại có thêm nhiều kỷ vật giàu ý nghĩa.
Nằm trong khu vực có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái và làng nghề ven sông. Ngôi nhà trưng bày cổ vật của ông Nguyễn Văn Đổng hứa hẹn sẽ trở thành một địa chỉ đỏ trên hành trình khám phá Vĩnh Phúc của du khách./.
Nguyễn Dũng