Từ Đình Thổ Tang, du khách đi qua ngã ba chợ Thổ Tang rồi rẽ trái, khoảng 2km là đến làng rắn Vĩnh Sơn.
Xã Vĩnh Sơn năm ở trung tâm thị trấn Vĩnh Tường, cách Quốc lộ 2 khoảng 3km về phía nam, diện tích tự nhiên khoảng trên 327ha, có 14 dòng họ sinh sống với 1078 hộ và khoảng trên 5000 nhân khẩu. Có dòng sông Phan nằm ở phía Tây Nam xã, chảy theo hướng Tây Đông nằm trong vùng văn minh lúa nước Sông Hồng.
Vĩnh Sơn xưa có tên gọi là Sơn Tang và theo dân gian truyền lại còn có tên Hai Nước. Người dân Vĩnh Sơn chủ yếu sinh sống bằng nghề làm ruộng và chăn nuôi rắn. Đây là nghề truyền thống của xã từ bao đời nay. Nếu như con rắn đối với đa số mọi người là nỗi sợ hãi thì ở đây chúng như những người bạn của mỗi gia đình. Trong các thư tịch cổ đã nhắc tới Sơn Tang là một làng săn bắt rắn lớn nhất Bắc Bộ.
Ngày xưa từ việc Săn bắt rắn, người dân Vĩnh Sơn đã biết chăn nuôi thuần dưỡng các loại rắn độc và chế biến các sản phẩm từ rắn như: nuôi rắn để làm thịt, chế biến rượu rắn, cao rắn…, kinh nghiệm đó được duy trì và truyền lại cho đến ngày nay. Có thể nói con rắn đối với người dân Vĩnh Sơn rất quan trọng, bởi vì ngoài giá trị làm vị thuốc để chữa bệnh và bồi bổ sức khoẻ rắn còn có giá trị về kinh tế đem lại nguồn thu cao, tạo công ăn việc làm cho người dân của xã.
Ngày 24/11/2006 Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký quyết định số3120/QĐ-UBND về công nhận làng nghề rắn Vĩnh Sơn đạt tiêu chuẩn làng nghề truyền thống.