Chùa Báo Ân thuộc phường Trưng Nhị, thị xã Phúc Yên, được xây dựng ở thế kỷ XII đời vua Lý Cao Tông (1176 – 1210). Đây là một trong số ít ngôi chùa thời Lý còn lại đến ngày nay. Chùa làm trên một quả đồi cao, xưa gọi là rừng Cấm, cây cối xum xuê, bốn bề lộng gió, phong cảnh đẹp, tĩnh tại, đậm chất vi vu, u tịnh của chốn thiền tôn.
Chính điện
Tượng Hưng Nương công chúa
Theo văn bia, ngọc phả thì chùa đã có từ lâu, đến thế kỷ XII, con trưởng của vua Lý Cao Tông là Thái Tử Sâm đã cúng hơn một trăm mẫu ruộng, hai nghìn quan tiền để tu bổ chùa, tu bổ xong Thái Tử còn bỏ ra bảy trăm quan tiền nữa để làm tiệc cúng giàng. Đây là cuộc trùng tu rất lớn do Nguyễn Công là một võ tướng có uy tín lúc bấy giờ được cử trực tiếp chỉ đạo tu sửa. Ông đã vận động các bậc cung phi và nhiều chúng sinh trong nước đóng góp cho công trình. Và kết quả là, như trong văn bia đã nói “cột sơn hoa thắm, màu ngọc tươi chiếu rọi non sông, cung điện huy hoàng, ánh nhật nguyệt chói ngời sáng láng, tượng phật trang hoàng, toà sen đĩnh đạc. Chuông to gác phượng, chẳng bao lâu tu tạo đã xong, khánh quý khám rồng, vẻ lộng lẫy uy nghiêm rõ rệt…” Tu bổ xong chùa, võ tướng Nguyễn Công lại bỏ ra hơn một nghìn quan tiền để mua hơn một trăm mẫu ruộng cúng cho chùa làm ruộng oản.
Đến thế kỷ XIV đời vua Trần Anh Tông, chùa Báo Ân lại được công chúa Hưng Nương cấp nhiều tiền của tu bổ, tôn tạo. Để ghi nhớ công lao to lớn của công chúa, nhân dân ta đã lập ban thờ ngài ở chùa này.
Qua đó có thể nói rằng, thời Lý – Trần chùa Báo Ân được vua và các nhà quyền quý quan tâm tu bổ, xây dựng với quy mô rất to lớn, rất đẹp và là một trong những trung tâm phật giáo quan trọng ở nước ta.
Trải qua những thăng trầm biến cố của cả nghìn năm lịch sử, đến nay chùa Báo Ân vẫn còn đó song có nhiều biến đổi. Các toà kiến trúc cổ của chùa như: Tiền đường, thiêu hương, thượng điện, nhà tổ, điện thờ công chúa Hưng Nương và điện thờ mẫu do xuống cấp bị mục nát nên nhân dân đã dỡ bỏ. Hiện nay hệ thống chùa được xây dựng lại với quy mô to lớn hơn, kiến trúc bằng bê tông cốt thép, mái lợp ngói mũi, rất chắc khoẻ.
Hiện tại chùa Báo Ân còn một số di vật cổ rất có giá trị. Tượng pháp có: Ba pho Tam Thế, một pho A Di Đà, một pho Di Lặc, một pho Thích Ca sơ sinh, một pho Đức ông và một pho Thánh Tăng. Tượng thần có một pho công chúa Hưng Nương ở tư thế ngồi toạ thiền trong cỗ khám được trang trí hết sức tinh tế. Nhìn chung tượng chùa Báo Ân không lớn nhưng rất đẹp về tạo dáng và thành công về mỹ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian, về đặc tả theo tích chuyện của từng nhân vật trong hệ thống tượng chùa thế kỷ XVIII.
Bia “Báo ân tự bi ký” lập năm Trị Bình Long Ứng ngũ niên (1209)
Đặc biệt chùa Báo Ân có một bia đá “Báo Ân thiền tự bi ký” (bài ký bia chùa Báo Ân). Bia khắc tháng 12 năm Trị Bình Long ứng thứ 5 (1209). Đây là tấm bia thời Lý còn lại duy nhất ở tỉnh Vĩnh Phúc. Bia cao 1m40, rộng 0m85, dày 0m14, đặt trên lưng rùa đá mai trơn, đầu thò dài, chân 4 móng choãi vẻ nặng nhọc. Bia khắc cả 2 mặt với 1498 chữ Hán, nét chữ sắc sảo theo lối chữ trân thời Lý rất đẹp. Nội dung bài ký do Nguỵ Tư Hiền soạn với lối văn biền ngẫu, đăng đối, súc tích. Bài ký đã miêu tả cảnh chùa Báo Ân ở thế kỷ XII hết sức lộng lẫy, huy hoàng và công đức bố thí làm chùa của Thái Tử con trưởng vua Lý Cao Tông và võ tướng Nguyễn Công trong cuộc trùng tu sửa chữa chùa năm đó. Cuối bài ký là một bài minh viết theo lối kệ nhà phật, mô tả cảnh đẹp của chùa sau khi tu sửa và công đức của những người theo phật pháp ở đây. Nội dung tấm bia này đã được hai tác giả Ngô Thế Long – Băng Thanh đọc, dịch và giới thiệu trong tuyển tập thơ văn Lý – Trần.
Với giá trị về mỹ thuật trang trí điêu khắc trên đá thế kỷ XII và nội dung văn tự chữ Hán như kể trên, bia đá chùa Báo Ân là một báu vật quý hiếm trong kho tàng di sản văn hoá của dân tộc ta nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng