Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virút nCoV xảy ra đã tác động không nhỏ đến các ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó ngành Du lịch bị ảnh hưởng nhanh và mạnh nhất, lượng khách quốc tế và nội địa sụt giảm nhanh chóng.
Ngành Du lịch sẽ tái cơ cấu thị trường khách nhằm phục hồi thị trường khách quốc tế trong thời gian tới (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Tại hội nghị “Ngành Du lịch ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp ncoV” do Tổng cục Du lịch tổ chức diễn ra vào chiều ngày 6/2/2020 với sự tham dự của các sở quản lý du lịch, doanh nghiệp du lịch, hiệp hội du lịch,… các đại biểu đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến giải pháp thị trường nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh. Đa dạng hóa thị trường là một trong những giải pháp ưu tiên triển khai trong thời gian tới.
Các đại biểu cho rằng nên đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến tại các thị trường không bị ảnh hưởng của dịch, các thị trường có khả năng tăng trưởng cao và có kết nối đường bay trực tiếp.
Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, việc cơ cấu lại thị trường là rất quan trọng, nên tập trung hoạt động xúc tiến tại các thị trường có nhiều tiềm năng như Mỹ, Canada, Úc, Ấn Độ.
Đồng tình với ý kiến này, đại diện của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng Tây Âu, Bắc Mỹ sẽ là những thị trường quan trọng cần tập trung công tác xúc tiến quảng bá, đồng thời cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá qua website, mạng xã hội… với ứng dụng công nghệ hiện đại, thu hút người xem.
Các doanh nghiệp du lịch lớn như Hanoitourist, Saigontourist, Ben Thanh tourist nhận định đây là thời điểm thách thức với các doanh nghiệp du lịch nhưng các doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng, chủ động chuyển hướng thị trường, xây dựng thị trường mới, nâng cấp các dịch vụ phục vụ khách, tăng cường liên kết, phối hợp giữa các doanh nghiệp để hỗ trợ nhau.
Theo thông tin từ Vietjet Air, từ tháng 5/2020, Vietjet sẽ mở thêm 3 đường bay mới tới Ấn Độ, gồm có: Đà Nẵng – New Delhi, Hà Nội – Mumbai và TP.HCM – Mumbai. Trước đó trong tháng 12/2019, Vietjet cũng đã mở đường bay trực tiếp từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tới New Delhi. Ấn Độ là thị trường có tiềm năng rất lớn với dân số đông, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, có nhu cầu đi du lịch cao. Đặc biệt những người giàu ở Ấn Độ đang có xu hướng tổ chức đám cưới tại các điểm đến mới lạ như ở Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhận định rằng cần đẩy mạnh xúc tiến thị trường khách nội địa, vốn sẽ hồi phục nhanh hơn thị trường quốc tế. Cần sớm triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa với các chương trình giảm giá phong phú, hấp dẫn du khách.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng cho biết Tổ chức Y tế thế giới WHO đã đưa ra khuyến cáo không nhất thiết hạn chế các hoạt động đi lại, du lịch. Đây là một tín hiệu rất tích cực cho ngành Du lịch. Ngày 6/2, Bộ VHTTDL cũng đã có Công điện gửi các địa phương, trong đó nêu các điểm di tích, danh lam thắng cảnh hoạt động bình thường và phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch.
Thứ trưởng nhận định đây là thời điểm thách thức đối với ngành du lịch, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để ngành cơ cấu lại thị trường khách, củng cố tổ chức, cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng nhân lực… Bộ sẽ tổng hợp các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ doanh nghiệp du lịch cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thu Thủy