Tôi đi xem kéo song Hương Canh

Lễ hội Kéo song được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 3 đến mùng 5 tháng Giêng ở Hương Canh, là nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines (trong đó có trò kéo song Hương Canh – Bình Xuyên) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là những thông tin cơ bản mà tôi được biết đến về trò chơi kéo song dịp đầu năm của nhân dân thị trấn Hương Canh. Tôi đã rất tò mò và quyết định tham dự lễ hội đầu xuân này.

Không khí náo nức của lễ hội được cảm nhận ngay từ khi mới buốc đến thị trấn. Cờ hội được giăng hai bên đường. Người dân và du khách thập phương hồ hởi đi cổ vũ cho tò chơi kéo song. 13 giờ 30 tôi có mặt tại sân kéo song của thị trấn, đó là sân đấu song song với Cầu Treo, sát mép Sông Cà Lồ, bên đường quốc lộ số 2. Mọi người tập trung hò reo cổ vũ xung quanh sân đấu dài khoảng 150m, rộng chừng 20m, xung quanh đào hào sâu 1m, rộng 4m, khơi nước sông thành rãnh ngăn cách, không cho khán giả xem chen lấn, người ta làm 1 chiếc cầu khỉ để đấu thủ, trọng tài và người chỉ huy có lối vào. 

Theo các bậc hương lão, là nhằm diễn tả lại việc thao luyện thủy quân của Ngô Vương Quyền. Trong chiến dịch Bạch Đằng giang, quân ta sử dụng dây song để kéo thuyền, làm tăng nhanh tốc độ bơi, đồng thời căng cho thuyền lướt nhẹ và đúng hướng, tránh bị vướng vào cọc nhọn. Nhưng cũng có người lại cho rằng, kéo song là thể hiện một thao tác trong bủa vây thú rừng, thời kỳ các bậc vương giả như Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn, tướng quân Đỗ Cảnh Thạc về Đồng Hổ (Hương Canh) săn thú.

Trực tiếp đứng trong khu vực trò chơi tôi mới thấy được cái không khí tưng bừng phấn khởi của lễ hội, của mùa xuân, cảm nhận được niềm phấn trấn khởi đầu cho cả một năm tốt lành. Mọi người cùng reo hò cổ vũ cho đội kéo song Hương Ngọc và Liên quân Lò Ngói kéo co. Không khí sục sôi khiến tôi càng muốn tìm hiểu cặn kẽ hơn về lễ hội này. Theo quan sát và tìm hiểu thì trò chơi kéo song này thật công phu và đặc biệt

Cả Hương Canh có 4 đội Kéo song, mỗi đội phải kéo 3 lượt với các đội bạn, thành 12 trận, mỗi trận 3 hiệp, mỗi hiệp 20 phút. Mỗi bên cử  25, 27,29 hoặc đến 31 người con trai cao to vạm vỡ  vào kéo, đầu bịt khăn đỏ, lưng thắt bao đỏ.

 

Người ta chia hai phía đối lập bằng một cột lim, hoặc cột gỗ báng súng dài 3m, chôn chặt song còn cao từ 1,2m đến 1,5m so với mặt đất. Trên thân cột đục một lỗ tròn xuyên qua, to bằng miệng chén, cao chừng 80cm đến 1m, rồi luồn dây song vào đó. Chính giữa dây song, người ta khoanh một vòng tròn đỏ, đặt trong lỗ cột, chia dây song thành hai phần bằng nhau. Dây bên nào bị rút qua lỗ quá vệt đỏ 50cm là bên ấy thua.

Người kéo song phải ngồi  từng đôi theo đúng vị trí quy định của sự sắp xếp. Người ta đào hố cho từng cặp đối thủ ngồi, rộng 1m2, dài 1m4, chéo xuống như bậc thang, để vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ duỗi thẳng cả hai chân, đạp hết sức vào thành hố, hố nọ cách hố kia 1,5m. Muốn kéo kiểu gì, thì họ cũng chỉ được ngồi hay nằm trong cái hố của mình. Riêng cặp đầu tiên của cả hai bên đều có thể đứng, co chân đạp vào cọc để thêm lực đẩy. Người cuối cùng  nắm đuôi dây, ngồi một mình ở một hố bé hơn. Đoạn dây cuối cùng mà dài ra và được nâng chỏng lên là đội ấy thắng.

Mãn nhãn nhất là khi hai đội cùng nhau cò cưa dây song,  lỗ cột giữa hai bên trở nên nóng bỏng, bốc khói khét lẹt. Khán giả xung quanh hò reo cổ vũ. Từ trai gái, thanh niên cho đến con nít, cụ già đều tung hô, vẫy tay cổ vũ cho các đội thi đấu. Những người đứng đầu thực sự rất dũng cảm, dây song kéo phía đầu kèm theo lực rất lớn, sau mỗi hiệp cần có người dự bị thay thế.

Trò chơi kéo song thu hút khán giả mấy ngày liền, tập trung hầu hết già trẻ, lớn bé ra bờ sông. Được hòa mình vào lễ hội Kéo song mới thấy được tính tập thể, tình đoàn kết, biểu dương sức mạnh và sự mưu trí, vừa nhắc nhở quá khứ anh dũng và vẻ vang của cả dân tộc. Đó là những trải nghiệm thật khó quên cho dịp đầu Xuân năm mới này của tôi, là sự phấn khởi tạo động lực cho cả năm làm việc hiệu quả sắp tới./.

Hồng Quân

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *