THÁP GỐM MEN CHÙA TRÒ ĐƯỢC CÔNG NHẬN BẢO VẬT QUỐC GIA

Sáng ngày 16-5, Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch đã tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận tháp gốm men chùa Trò là bảo vật quốc gia và trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa thời Lý – Trần trên đất Vĩnh Phúc”.

Cùng với 21 bảo vật khác của cả nước, tháp gốm men chùa Trò của tỉnh Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 12-2018. Bảo vật quốc gia tháp gốm men chùa Trò vốn là đồ thờ tự tại chùa Trò (Đại Phúc Tự) thuộc thôn Dân Trù, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc. Tháp gốm là cây tháp thờ  được đặt trang nghiêm trước cửa chùa, tương truyền được xây dựng từ thời Lý – Trần.

Hoa văn trang trí tháp chùa Trò có đề tài vô cùng phong phú, mang đậm yếu tố nghệ thuật Phật giáo, bảo lưu truyền thống gốm dân tộc, thể hiện sự giao thoa, tiếp biến văn hóa. Tháp gốm chùa Trò sử dụng ba màu men chính: men ngọc chủ đạo, men trắng làm nền, men nâu điểm xuyết. Đó cũng là ba màu men chính của gốm Đại Việt thời Lý – Trần, đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển gốm Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bình, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại buổi lễ

Tháp gốm men chùa Trò được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia không chỉ là niềm vinh dự cho tỉnh mà còn khẳng định trách nhiệm to lớn của người dân Vĩnh Phúc trong việc triển khai có hiệu quả các hoạt động giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị kho báu di sản văn hóa của quê hương, đất nước.

Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của một Bảo vật quốc gia, ngành văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn, xuất bản sách giới thiệu về tháp gốm men chùa Trò. Đồng thời, tạo không gian trưng bày đặc biệt, thiết kế bảng thông tin chung, sử dụng công nghệ để tra cứu, nghiên cứu các giá trị của bảo vật… phục vụ khách tham quan; lập phương án bảo vệ, đảm bảo tuyệt đối an toàn, phòng chống cháy, nổ đối với các hiện vật được lưu giữ, trưng bày tại bảo tàng; thực hiện bảo quản đặc biệt, theo định kỳ về tình trạng kỹ thuật của Bảo vật Quốc gia.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Nhân dịp này, tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã khai mạc trưng bày hơn 200 hiện vật được phát hiện tại Tây Thiên, Tam Đảo; Kim Tôn, Sông Lô; Vũ Di, Vĩnh Tường và các di vật, cổ vật thời Lý – Trần của các nhà sưu tầm cổ vật trên địa bàn tỉnh.

Hồng Quân

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *