Đình Thổ Tang thuộc xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường là một trong những ngôi đình cổ nhất còn lại của Vĩnh Phúc hiện nay.
Đình được xây dựng từ thế kỷ XVII, là nơi thờ cúng Lân Hổ Hầu đô thống Đại Vương, một vị tướng có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh tan giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta ở thế kỷ XII. Ngôi đình cổ kính này đã được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1964. Lễ hội đình làng Thổ Tang được tổ chức vào mùa xuân từ ngày 10 đến ngày 15 tháng giêng hàng năm.
Nói về đình làng Thổ Tang có câu chuyện kể rằng: Lân Hổ quê ở làng Đồng Bằng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Tây). Thân mẫu ông là bà Phùng Thị Dung, người không đẹp lắm lại nghèo khó, chuyên làm nghề kiếm củi nuôi thân. Một hôm, bà vào rừng Tô Lâm hái củi, lúc về ra đến cửa rừng vì mệt mà ngủ thiếp đi bỗng có đám mây hồng bay đến bao quanh mình bà, lại có tiếng hổ gầm lên vang động, bà giật mình tỉnh dậy. Về nhà tự nhiên bà thụ thai, đến kỳ sinh ra cậu bé rất tuấn tú khôi ngô. Một người có chữ trong làng nhìn rồi bảo rằng: Cậu bé này “phi lân, tắc hổ”, nghĩa là không phải kỳ lân thì cũng là mãnh hổ. Nghe vậy bà liền đặt tên con là Lân Hổ. Lớn lên, Lân Hổ mình cao 8 thước, sức nhấc 100 cân, võ nghệ cao cường và có tài thao lược… Khi giặc Mông Cổ xâm lược nước ta, vua Trần xuống chiếu với người tài đánh giặc. Lân Hổ xin đi và được vua Trần cho cầm quân bộ đánh giặc mặt Bắc. Ông dẫn quân lên vùng Gia Ninh (Bạch Hạc ngày nay) bày binh bố trận lập một phòng tuyến chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch bảo vệ cho kinh đô Thăng Long. Chiến thắng quân Nguyên – Mông, triều đình luận công ban thưởng. Lân Hổ được ban tước Hầu (Lân Hổ Hầu) và làm quan trong triều nhưng ông lại từ chối xin được về quê phụng dưỡng mẹ già.
Bị thua, quân Nguyên – Mông trở lại tìm cách báo thù. Lân Hổ lại được vời ra chỉ huy chiến tuyến Gia Ninh – Dục Mỹ. Thế giặc mạnh lại rất đông, Lân Hổ tả xung hữu đột chém nhiều đầu giặc và ông đã anh dũng hy sinh. Tiếc thương vị tướng tài lập nhiều công lớn, vua Trần đã hạ chiếu xây lăng cho Lân Hổ và cho quốc tế (tế theo nghi lễ nhà nước). Cùng với các xã vùng Lân Hổ đóng quân chống giặc, nhân dân Thổ Tang đã lập đền thờ ông. Khi có đình thì rước thần hiệu vào đình mà thờ để ghi nhớ công ơn, đồng thời cũng cầu mong sự hiển linh che chở. Đình Thổ Tang có kiến trúc đồ sộ, làm kiểu chữ đinh (J) gồm hai tòa Đại đình và Hậu cung. Năm 1964 hậu cung bị dỡ, mới phục hồi lại năm 1995. Đại đình gồm 5 gian, 2 dĩ với 60 chiếc cột làm bằng gỗ tốt, đại khoa. Cột cái có đường kính 0m80, cột con đường kính 0m61. Nền dài 25m80, rộng 14m20, bó đá xanh xung quanh… Ngoài kiến trúc cổ đồ sộ, gia cố bền chắc, đình Thổ Tang còn được trang trí bằng nghệ thuật chạm khắc cực kỳ tinh tế sinh động với nội dung phong phú sâu sắc. Đình hiện còn 21 bức chạm bằng gỗ và nhiều cổ vật quý khác. Một số bức chạm trổ điêu khắc nổi tiếng như: Cảnh đi cày, chăn trâu, đánh ghen, vũ nữ cưỡi rồng, vợ chồng lười, cảnh con mọn, cảnh nghỉ ngơi sau giờ lao động, cảnh đá cầu, đấu vật, múa, bắn hổ, đánh cờ uống rượu… thể hiện nghệ thuật chạm trổ tinh vi qua bàn tay khéo léo đạt đến trình độ điêu luyện, tài ba của các nghệ nhân xưa. Những hình ảnh đó đã mô tả sinh động, sâu sắc cuộc sống làm ăn và sinh hoạt của người dân trong xã hội phong kiến.
Toàn bộ kiến trúc và các bức chạm trổ điêu khắc của đình Thổ Tang đã được đưa vào lịch sử văn hóa nước nhà như là những điển hình của nghệ thuật kiến trúc chạm trổ của dân tộc Việt Nam thế kỷ XVII. Nhiều bức chạm tiêu biểu đã được đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước biết đến. Một số bức chạm như: Bức chạm “Ngày hội xuống đồng”: Chạm trên một kẻ nghé ở hè đình cạnh cửa ra vào, dài 1m35, rộng 0m70. Bức chạm có 25 người đều được chạm bóng, miêu tả ngày hội xuống đồng thuở trước. Nổi bật nhất là người đang cày (con trâu đi trước cái cày theo sau) người ở tư thế cầm cày đang chăm chú điều khiển để đường cày được thẳng đạt với tiêu chuẩn ngày hội trước đông đảo các quan viên, dân làng. Xung quanh có những người cầm cuốc, cầm đàn, người thổi tù và, người lại vác những bó gì như bó mía, bên trên có người đội mũ cánh chuồn đang ngồi, một tay cầm quạt, tay bưng bát rượu, bên cạnh có người chắp tay đứng hầu bên một cái mâm. Lại có người cưỡi ngựa đi xem hội… Bức chạm thể hiện ngày hội xuống đồng của người dân nơi đây rất tấp nập và tưng bừng náo nhiệt.
Bức chạm “Bắn hổ”: Bức chạm được đặt ở trong đình gian cạnh phía phải, có kích thước 0m80x0m60; chạm một người và một con hổ trên một vách đá treo leo. Người là một chàng lực sĩ, tay cầm súng ghì trước ngực chân trái hơi khuỵu, chân phải duỗi thắng, nép mình vào vách đá, đang ở tư thế tiến công, mắt dõi theo súng chĩa về phía hổ. Con hổ đang ở tư thế bị động, người co rúm lại, một chân trước đang giơ lên bơi bơi trong không gian, một chân sau đưa lên gãi tai về lúng túng, nét mặt gầm gừ… Bức chạm này thể hiện con người muốn chinh phục các loài thú dữ bảo vệ mùa màng; đồng thời bức chạm còn thể hiện giá trị tư tưởng được đúc kết thành kinh nghiệm đó là: Con người thắng các loài thú dữ như hổ là do mưu trí chứ không phải sức khỏe. Bức chạm “Đá cầu”: Bức chạm tả cảnh đá cầu, được đặt ở ngách cột cái gian cạnh hình vuông, mỗi chiều dài 0m40. Trong bức chạm có hai người đầu đội mũ quả lựu, áo thắt đai, cổ và ngực chạm hoa rất đẹp, mỗi người giơ một tay gác chéo lên nhau, một chân nâng lên vuông góc ở tư thế đá cầu, quả cầu tròn nằm ở lòng bàn chân. Khoảng cách giữa hai người có một con nghê nhô đầu ra trông rất vui mắt và ngộ nghĩnh.
Bức chạm “Múa”: Có kích thước 1m05x0m70, chạm hai người đang múa, đầu chít khăn, tay cong xòe rộng; một người ngồi xem tay vuốt râu, dưới là một con rồng. Đây là một bức chạm mang nét đẹp uyển chuyển của một điệu múa. Chạm ở cửa võng: Cửa võng đình Thổ Tang được chia làm 3 tầng chạm trổ rất tinh tế. Tầng trên chạm hai con rồng lớn và 18 rồng con đang vờn ngọc (người ta còn gọi là hai bộ cửu long tranh châu). Tầng giữa chạm rồng chầu mặt nguyệt, hai bên có hai phượng đang bay cùng nhiều đao mác vần mây. Tầng dưới chạm lục tiên, cửu trùng, gai dứa rất đẹp mắt và sống động. Trên cửa vọng treo bức hoành phi: Hòa Vi Quý. Chạm cảnh sinh hoạt: Bức chạm được đặt bên trái cửa võng gần hậu cung, bức này dài 1m40 rộng 0m75, miêu tả chuyên đề về một cảnh gia đình. Ở trung tâm chạm là một đôi trai gái đang tình tự: Người con gái quàng tay qua cổ anh con trai. Còn anh con trai thì đặt một tay lên ngực người con gái. Hai người đang ở độ tuổi trẻ, nét mặt hồn nhiên, thơ mộng. Bốn góc bức chạm tả các cảnh cuộc sống gia đình như: Gia đình hạnh phúc: Chồng đang học, nằm sấp, một tay cầm thẻ bài, một tay cầm bút; bên cạnh là vợ đang bế con, nét mặt nghiêm. Phía trên góc trái của bức chạm tả cảnh vợ chồng lười: Người chồng nằm nghiêng, chân co, chân duỗi; còn vợ ngồi cạnh đang xoa bóp đùi cho chồng, hai người đều cười một cách rất vô duyên.
Phía dưới tả cảnh đánh ghen: Người chồng nét mặt căm giận vẻ vũ phu, một tay chống vào mạng sườn một tay vác cây gậy, trước mặt là người đàn bà tay khoanh trước ngực nét mặt buồn, dưới chân có một đứa trẻ… Có lẽ đây là cách miêu tả cảnh vợ chồng bất hòa do thói giăng hoa, không chung thủy của những người chồng vũ phu? Với kỹ thuật chạm khắc tinh vi, điêu luyện, chạm trổ ở đình Thổ Tang đã miêu tả khái quát cuộc sống sinh hoạt của người dân, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội đương thời. Đây có thể nói là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian, không chỉ thành công ở các mặt bố cục, tạo dáng, đục bong chạm thùng mà còn mang một nội dung rất sâu sắc, tỏ rõ trình độ tư duy cao của nghệ nhân thời đó.
http://www.vinhphuc.gov.vn