Hát xoan Kim Xá – Một nét hồn quê

Hát Xoan còn có tên gọi khác là hát Lãi Lèn, hát Đúm, hát Thờ, hát Cửa đình. Các làn điệu Xoan cổ đều bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Gốc của hát Xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng thuộc hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu tìm được 31 cửa đình tại 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ; trong đó Phú Thọ có 15 xã, Vĩnh Phúc có 3 xã có nguồn gốc về hát Xoan. Hiện nay, đã có 15/31 đình làng – không gian diễn xướng hát Xoan cổ được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Làng Hoàng Thượng – xã Kim Xá – huyện Vĩnh Tường là một trong những ngôi làng còn giữ được di sản văn hóa độc đáo này. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì: hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, từ thời các Vua Hùng dựng nước. Cũng giống như ở Phú Thọ, hát Xoan ở làng Hoàng Thượng có 3 hình thức chính: Hát thờ cúng các Vua Hùng, Thành hoàng làng; hát cầu mùa màng tốt tươi, cầu sức khỏe; hát lễ hội (là hình thức để nam nữ giao duyên). Trong hát Xoan lời ca kết hợp với động tác tái hiện cuộc sống hàng ngày của người dân lao động như: Mó cá thờ vua, bợm gái, gẹo đào… Âm nhạc được cấu thành chủ yếu từ những thang 3 âm, 4 âm, giai điệu mộc mạc, tiết tấu đơn giản, giọng hát gần gũi với giọng nói được thể hiện dưới dạng thơ lục bát, song thất lục bát, thất ngôn lục bát biến thể, bốn từ, sáu từ… Nhạc cụ trong hát Xoan rất đơn giản, chỉ dùng một chiếc trống nhỏ, hai mặt bịt da và đôi ba cặp phách tre. Trong khi hát còn có các điệu múa kết hợp cùng với việc sử dụng các đạo cụ như: Quạt, phách tre, nậm rượu… Hát xoan luôn phải trình diễn theo một lề lối, quy trình nhất định. Đầu tiên là hát chúc do ông trùm hát. Tiếp đến là giáo trốnggiáo pháo được một kép vừa hát vừa múa những động tác đánh trống đeo trước ngực. Sau đó đến thơ nhang, các cô đào đứng thành hàng ngang trước hương án vừa hát vừa làm động tác như dâng hương. Tiếp theo là đóng đám, rồi giọng vặt và 14 quả cách theo thứ tự: kiều giang cách, nhân ngâm cách, tràng mai cách, ngư tiều canh mục cách, đôi dây cách, hồi liên cách, xoan thời cách, hạ thời cách, thu thời cách, đông thời cách, tứ mùa cách, thuyền chèo cách, tứ dân cách, chơi dâu cách. Sau 14 quả cách, đến các trò chơi hấp dẫn, thử tài trí thông minh của người chơi như xin hoa đố chữ, gài hoa, giã cá, chơi đúm…
Dù tuổi đã cao, các thành viên CLB hát Xoan thôn Hoàng Thượng vẫn say sưa luyện tập để bảo tồn làn điệu dân ca hát Xoan cổ truyền của dân tộc.
Tuy nhiên, đến thời kỳ đất nước có chiến tranh, phường Xoan Phù Ninh (Phú Thọ) không còn tổ chức hát giao lưu ở Hoàng Thượng (Vĩnh Phúc) được như trước đây cũng từ đó loại hình nghệ thuật hát Xoan ở Hoàng Thượng dần mai một. Thêm vào đó những cụ Đào, Kép trong làng am hiểu sâu và nắm rất rõ lối hát, cách hát cổ, các bài hát Xoan cổ cũng như các nghi thức thực hành trong tục kết giao với các phường Xoan khác thì tuổi đã cao, trí hạn chế, nhiều cụ đã mất. Hiện nay, ở làng Hoàng Thượng chỉ còn khoảng trên 10 Đào nữ (đều là các cụ từ 60 đến 85 tuổi) và không còn Kép nam. Các Đào nữ trong làng hiện chỉ còn nhớ được một số bài hát Xoan cổ như: “Mừng Vua”, “Mừng đình – Mừng dân”, hát đúm, hát đối đáp, giao duyên…
Đứng trước nguy cơ hát Xoan đang dần bị mai một việc bảo tồn di sản này là việc hết sức cần thiết và cấp bách. Câu hỏi được đặt ra không chỉ với những người hát xoan, chính quyền địa phương mà còn với cả những người yêu mến làn điệu cổ này. Nên để gìn giữ và phát huy di sản này chính quyền địa phương đã cùng nhân dân tập trung chú trọng và đưa ra những hướng đi tích cực. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, cuối năm 2014, tục kết nghĩa của phường Xoan Phù Ninh và phường Xoan Sậu, xã Kim Xá chính thức được phôi phục sau hàng chục năm bị gián đoạn. Trong niềm vui ấy, nhiều người dân trong làng Hoàng Thượng, xã Kim Xá đã không quản thời gian, hăng say tập luyện, thậm chí, tranh thủ lúc trưa, tối để luyện tập các bài hát Xoan cổ do các cụ tiền bối để lại. Đặc biệt, với niềm đam mê cháy bỏng, cống hiến hết mình nhằm gìn giữ, bảo tồn cho nghệ thuật hát Xoan ở địa phương không bị “thất truyền”, hiện nay, nhiều cụ trong làng những lúc rảnh rỗi đã truyền dạy cho các cháu nội, ngoại và cả những cô, cậu bé hàng xóm những làn điệu hát Xoan vốn đã có truyền thống của quê hương. Những giọng hát trong trẻo, những câu Xoan được các học sinh cất lên trong giờ học ngoại khóa tại các trường học ở xã Kim Xá những năm gần đây cũng đã trở nên quen thuộc. Đưa hát Xoan vào trường học cũng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp ủy, chính quyền địa phương xác định nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Hiện nay, ở mỗi cấp học trên địa bàn xã Kim Xá đều có hình thức, phương pháp riêng để đưa hát Xoan vào trường học một cách hiệu quả nhất. Từ hoạt động này, các học sinh không chỉ học, hiểu và biết hát Xoan mà còn tích cực tham gia các chương trình hội thi, hội diễn, góp phần tuyên truyền, quảng bá và giữ gìn, bảo tồn di sản hát Xoan.
Chính quyền luôn tạo điều kiện và ủng hộ các câu lạc bộ, phường xoan tăng cường thành lập về cả số lượng và chất lượng. Tại đây những người yêu mến hát xoan được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, ngoài truyền đạt cho nhau những kỹ năng cơ bản còn tạo ra những bản sắc riêng của từng phường.
Bên cạnh đó, UBND Huyện cũng đưa ra những đề án khôi phục các ngôi đình, miếu – không gian thực hành hát xoan cổ. Việc đầu tư, khôi phục lại những di tích liên quan đến hát xoan không chỉ để các “đào, kép” hát xoan có không gian thực hành, sinh hoạt  mà còn là nơi giao lưu các phường xoan, là địa điểm tham quan của du khách và cả nhân dân địa phương đến thưởng thức.
Để hát xoan không chỉ là di sản văn hóa mà còn là sản phẩm du lịch đặc sắc thì vấn đề chung tay góp sức giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp du lịch cần được phối hợp chặt chẽ. Địa phương cần đẩy mạnh việc đào tạo, kỹ năng, nghiệp vụ trong du lịch giúp các nghệ nhân ở đây có thể đón khách. Các công ty lữ hành, du lịch nên chủ động xây dựng các tour du lịch về Vĩnh Phúc, tour khám phá di sản văn hóa vùng đất này gắn với di sản hát Xoan, hát Sọng Cô và tham quan những đình, đền cổ, đây là sản phẩm du lịch rất phù hợp với dòng khách thích khám phá, trải nghiệm làng quê.
Kim Dung – TTDL

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *