Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn sở hữu “mỏ vàng”-tài nguyên du lịch, trong đó nổi bật là du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội; du lịch sinh thái, du lịch MICE (hội nghị, hội thảo), du lịch golf… Tuy nhiên, bao năm qua, “mỏ vàng” này chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn một cách mạnh mẽ.
“Mỏ vàng” chờ khai thác
Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm giáp ranh Thủ đô Hà Nội, nhắc đến Vĩnh Phúc, người ta nhớ đến Khu du lịch quốc gia Tam Đảo-nơi có điều kiện khí hậu vô cùng lý tưởng, quanh năm mát mẻ và được mệnh danh là “Đà Lạt của miền Bắc”; dòng sông Lô biếc xanh huyền thoại một thời chống Pháp oai hùng, ôm trọn phía tây của tỉnh, từ đó tạo nên nhiều dấu tích tụ thủy xen lẫn gò đồi với cảnh sắc hữu tình như: Hồ Đại Lải, hồ Vân Trục, hồ Làng Hà, đầm Vạc, đầm Dưng, hồ Thanh Lanh, dãy Sáng Sơn, núi Thằn Lằn… tạo nên một chỉnh thể “núi bọc sông bao, sơn kỳ thủy tú”.
Vĩnh Phúc còn sở hữu “mỏ vàng” giàu trữ lượng lịch sử, văn hóa khi có tới 1.303 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 509 di tích đã xếp hạng với 3 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích và danh thắng Tây Thiên, Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn, Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang cùng 571 di sản văn hóa phi vật thể. Nổi bật trong số này là các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Kéo song Hương Canh, hát soọng cô của người Sán Dìu, Lễ hội đền Ngự Dội, hát trống quân Đức Bác, tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, Lễ hội xã Đại Đồng… Vĩnh Phúc còn có những làng nghề truyền thống như: Mây tre đan Triệu Đề (huyện Lập Thạch), gốm Hương Canh, mộc Thanh Lãng (Bình Xuyên), mộc Bích Chu và rèn Lý Nhân (huyện Vĩnh Tường)…
Nhờ sở hữu những giá trị nổi bật của cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, cùng với những chính sách được ban hành phù hợp, kịp thời của tỉnh và sự thân thiện của người dân Vĩnh Phúc, những năm qua, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã có những bước phát triển đột phá. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn Vĩnh Phúc để xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp như: Flamingo Đại Lải Resort, Sông Hồng Resort, FLC Luxury Resort Vĩnh Phúc cùng nhiều sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế; 517 cơ sở lưu trú du lịch từ 1 đến 5 sao với 8.697 buồng và hệ thống dịch vụ nhà hàng có thể đáp ứng nhu cầu của đa dạng đối tượng du khách.
Khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt
Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến ngành du lịch nhưng Vĩnh Phúc vẫn đón được 2.035.300 lượt khách (đạt 26% so kế hoạch, giảm 42% so với cùng kỳ), trong đó, khách quốc tế đạt 23.750 lượt, khách nội địa đạt 2.011.550 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt 1.573 tỷ đồng (đạt 63% so với kế hoạch năm, tăng 25% so với cùng kỳ). Đây là những con số biết nói, khẳng định sự phát triển ổn định cũng như tiềm năng đa dạng, phong phú của du lịch Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, du lịch Vĩnh Phúc bao năm qua vẫn chưa khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt. Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bà Trần Thị Minh Lợi, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: “Do sản phẩm du lịch chưa đa dạng và chất lượng, thiếu các khu vui chơi giải trí, mua sắm và các loại hình dịch vụ mới, làm hạn chế lưu lượng khách đến, mức chi tiêu bình quân thấp. Nguồn nhân lực còn bất cập; thiếu đội ngũ quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên giỏi. Hoạt động xúc tiến, quảng bá chưa có tính chuyên nghiệp cao, chưa xây dựng chiến lược xúc tiến hiệu quả”.
Để khắc phục các hạn chế trên, đồng thời khẳng định quyết tâm xây dựng thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc trong thời gian tới, Phó giám đốc Trần Thị Minh Lợi cho biết: “Sở sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, ban quản lý các khu du lịch, các doanh nghiệp du lịch trong công tác quản lý nhà nước về du lịch nhằm bảo đảm môi trường du lịch phát triển bền vững; bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, nếp sống văn minh tại các khu du lịch; triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch và phát động người dân hưởng ứng Phong trào “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên, niềm nở với khách du lịch”, “Chung tay xây dựng hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc văn minh, lịch sự”.
Cùng với đó, sở sẽ triển khai các hoạt động sự kiện như: Lễ khai mạc du lịch Vĩnh Phúc năm 2022 tại Tam Đảo; cuộc thi ảnh đẹp du lịch Vĩnh Phúc; cuộc thi thiết kế logo, slogan, mẫu biểu tượng du lịch Vĩnh Phúc, tham gia các sự kiện du lịch tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang…; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu du lịch Vĩnh Phúc; xuất bản các tài liệu, ấn phẩm du lịch. Song song với đó, tỉnh cũng sẽ tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên và các lớp nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch. Năm 2022, Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu đón 8 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 2.500 tỷ đồng.
Đánh giá cao về hệ thống cơ sở hạ tầng, tiềm năng và mục tiêu du lịch của Vĩnh Phúc trong bối cảnh dịch Covid-19, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho rằng: “Vĩnh Phúc nên thu hút khách bằng việc đầu tư một cách bài bản, chuyên nghiệp thông qua các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc biệt là lợi thế du lịch MICE, du lịch golf và nghỉ dưỡng cao cấp nhờ thế mạnh sẵn có là các khu du lịch trọng điểm như: Khu du lịch quốc gia Tam Đảo, Khu di tích và danh thắng Tây Thiên, khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort, FLC Luxury Resort Vĩnh Phúc; các sân golf Thanh Lanh, Tam Đảo, Đầm Vạc”.
Bài và ảnh: MỸ AN