Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần cho xã hội, nguồn lực nội sinh cho quá trình phát triển và thấm nhuần quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, những năm qua, song hành với phát triển kinh tế, đô thị, thành phố Vĩnh Yên luôn đặc biệt quan tâm đến phát triển văn hóa, xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, thành phố đã ban hành Đề án Phát triển văn hóa, văn nghệ và thể dục, thể thao thành phố Vĩnh Yên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện, trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhờ vậy, phong trào văn nghệ quần chúng đã phát triển rộng khắp ở các phường, xã, thôn, tổ dân phố, nhiều câu lạc bộ văn nghệ truyền thống hoạt động hiệu quả, góp phần giao lưu và lan tỏa các giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của thành phố.
Kể từ khi thực hiện Đề án đến nay, thành phố đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình hưởng ứng của đông đảo nhân dân, bước đầu đạt kết quả khá khả quan, nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt, từ việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, trật tự đô thị, thân thiện trong giao tiếp ứng xử, vệ sinh cảnh quan môi trường sạch đẹp, văn minh.
Cùng với đó, thành phố thường xuyên tạo sân chơi bằng các hội thi dân ca, dân vũ, hội diễn văn nghệ với sự tham gia của đông đảo người dân 9 xã, phường trên địa bàn thành phố như: Liên hoan các Câu lạc bộ nghệ thuật thành phố Vĩnh Yên mở rộng, Chương trình nghệ thuật quần chúng tại Công viên 29/12, phường Ngô Quyền, Chương trình nghệ thuật Giai điệu tháng 5 kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh… Ngoài 2 tuyến phố đi bộ Hai Bà Trưng, phường Khai Quang và tuyến phố đi bộ, ẩm thực Trần Quốc Tuấn, phường Ngô Quyền duy trì thường xuyên, mới đây, thành phố còn phát triển thêm được tuyến phố đi bộ An Bình, phường Hội Hợp. Đây chính là những điểm nhấn của thành phố mỗi dịp cuối tuần, là điểm hẹn văn hóa cho nhân dân thành phố và các địa phương khác trong tỉnh. Tại các phố đi bộ, số lượng câu lạc bộ và các tiết mục đăng ký ngày càng tăng, đa dạng ở các thể loại như: Dân vũ, khiêu vũ, shuffle dance, hát, múa, nghệ thuật truyền thống…
Là người đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội, anh Hoàng Văn Nam ở phố Vĩnh Ninh, phường Tích Sơn thường về quê vào dịp cuối tuần chia sẻ: “Tôi thấy giờ đây thành phố có khá nhiều các hoạt động văn hóa, văn nghệ hấp dẫn. Ấn tượng nhất là tại nhiều tuyến phố đi bộ đã diễn ra các tiết mục biểu diễn đa dạng, cuốn hút người xem. Đây thực sự là điểm hẹn văn hóa của người dân thành phố. Tôi cũng đã mời một số người bạn ở các địa phương khác về trải nghiệm và họ đều bày tỏ ấn tượng thích thú với điều này”.
Còn Duyên Vĩnh Yên là một trong những câu lạc bộ biểu diễn nghệ thuật tiêu biểu của thành phố Vĩnh Yên cũng như tỉnh Vĩnh Phúc. Các thành viên Câu lạc bộ có thể biểu diễn được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống lẫn hiện đại nên thường xuyên góp mặt tại các liên hoan, hội thi, hội diễn và không gian phố đi bộ. Cô Nguyễn Hồng Nhân chủ nhiệm Câu lạc bộ nghệ thuật Còn Duyên Vĩnh Yên chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi thành phố giờ đây có rất nhiều sân chơi văn hóa, văn nghệ để người dân thành phố Vĩnh Yên cũng như các huyện, thành phố khác cùng về giao lưu. Chúng tôi cũng có thêm cơ hội thể hiện tài năng văn nghệ, giúp cho tinh thần thoải mái, tiếp thêm động lực cho công việc. Mong thành phố tiếp tục quan tâm, duy trì tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống để giúp giữ gìn bản sắc văn hóa, dân tộc”.
Bên cạnh đó, công tác trùng tu, sửa chữa, nâng cấp các di tích lịch sử tiếp tục được duy trì thường xuyên. Trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên hiện có 105 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 43 di tích được xếp hạng gồm: 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 41 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Hằng năm, thành phố tổ chức hơn 15 lễ hội truyền thống, góp phần quảng bá, phát triển du lịch, qua đó giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy các giá trị di tích.
Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao, rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe, thể chất cho nhân dân, thành phố liên tục quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa. Hiện toàn thành phố có 35 công viên vườn hoa; 1 thư viện thành phố; 16 nhà văn hóa, sân thể thao và 5 nhà tập luyện cấp xã, phường. Cấp thôn, tổ dân phố có 103 nhà văn hóa được xây dựng, 73 sân thể thao, 1 nhà tập luyện thể thao. Ngoài ra, hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đều đầu tư cơ sở vật chất phục vụ tập luyện thể dục thể thao.
Đồng chí Hoàng Đình Thuật, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên khẳng định, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành và quyết tâm, nỗ lực của địa phương thì một phần quan trọng góp phần vào thành công chung cho sự nghiệp văn hóa, thể thao của thành phố chính là sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống, xã hội. Đặc biệt, sau khi diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào cuối năm 2021 và Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đã gợi mở ra nhiều vấn đề trọng tâm, cốt lõi trong phát triển văn hóa, con người; qua đó, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về văn hóa ngày càng toàn diện, sâu sắc đã giúp cho thành phố có thêm một làn gió mới về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân địa phương, chắc chắn trong thời gian tới, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Vĩnh Yên sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh và là đầu tàu gương mẫu để các địa phương khác trong tỉnh noi theo. Đây chính là nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.