Sáng ngày 28/11, Chính phủ đã họp trực tuyến với các địa phương về triển khai chương trình hành động và kế hoạch hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên phạm vi toàn quốc, kết nối 63 tỉnh,thành. Đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL và Nguyễn Văn Tuấn Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch đồng chủ trì hội nghị và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương tới tham dự.
Về phía điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Vũ Chí Giang – phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện Lãnh đạo Sở VHTT&DL, Lãnh đạo các Sở, ban, ngành và cơ quan đơn vị liên quan.
Đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL và Nguyễn Văn Tuấn – Tổng Cục trưởng Cục du lịch đồng chủ trì hội nghị
Theo báo cáo của Nghị quyết 08-NQ/TW, trong mười lăm năm qua, ngành Du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm. Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001; đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan toả đạt 14% GDP. Hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch ngày càng phát triển. Loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng. Chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao. Lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo được một số thương hiệu có uy tín ở trong nước và quốc tế. Bước đầu hình thành một số địa bàn và khu du lịch trọng điểm.
Tuy nhiên, ngành Du lịch còn một số hạn chế, yếu kém. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch chưa cao. Môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu. Doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy.
Để ngành du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, các sở ban ngành cần liên kết hợp tác cùng nhau đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện thể chế, chính sách Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái biểu dương những thành quả mà ngành du lịch đã đạt được trong năm qua, và nhấn mạnh những nhiệm vụ quan trọng mà ngành du lịch được giao phó, các lãnh đạo, cơ quan, ban ngành dựa theo các văn bản đã ban hành thực hiện tốt nghiêm chỉnh những nhiệm vụ được phân công. Đồng chí cũng chỉ ra nhà nước cần đồng hành cùng các doanh nghiệp địa phương, hiệp hội các doanh nghiệp, chung tay đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, và hi vọng nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống và mang đến nhiều bước phát triển đột phá cho ngành du lịch.
Điểm cầu trực tuyến tại Vĩnh Phúc
Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã truyền đạt những nội dung cơ bản trong Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chương trình hành động của Chính phủ; Chương trình hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Đây thực sự là là một văn kiện quan trọng, có dấu ấn sâu sắc với ngành Du lịch, là một bước chuyển biến, nâng cao nhận thức một cách rõ dệt sự lãnh đạo của Đảng đổi với ngành.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Vũ Chí Giang nhấn mạnh: Căn cứ vào những nội dung tiếp thu tại hội nghị, trên cơ sở đánh giá thực trạng, tiềm năng, điều kiện phát triển du lịch địa phương và sự phận công cụ thể nhiệm vụ của các cơ quan, ban ngành từ trung ương đến địa phương theo nội dung chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các sở, ban, ngành tập trung thực hiện một số nội dung theo chức năng nhiệm vụ: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; rà soát lại các nội dung về cơ chế chính sách phát triển du lịch; xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến; quy hoạch vùng nguyên liệu sạch phục vụ nhu cầu khách du lịch; phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giữa các khu điểm du lịch; đảm bảo an toàn cho du khách; phát huy vai trò và sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp. Yêu cầu sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đầu mối tiếp thu ý kiến, kế hoạch của các sở ban ngành liên quan tham mưu, báo cáo UBND tỉnh nhằm hình thành được chương trình, kế hoạch cụ thể về phát triển du lịch tỉnh. Sở VHTT&DL phối hợp cùng các Sở đưa ra kế hoạch cụ thể triển khai nghị quyết 08, xây dựng chương trình, hành động theo nghị quyết 08 của BCT. Hi vọng với những nỗ lực của địa phương, du lịch sẽ sớm trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh trong tương lai.
Phùng Cúc