Lần đầu Việt Nam có mô hình bản đồ ẩm thực “khổng lồ” đặc sản 63 tỉnh thành

Sự kiện chế biến và tạo mô hình bản đồ ẩm thực 63 tỉnh thành Việt Nam đầu tiên được xác lập kỷ lục, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh du lịch ẩm thực quốc gia đến du khách nước ngoài.
Mới đây, sự kiện chế biến 63 món ăn đặc trưng của 63 tỉnh thành và tạo mô hình bản đồ ẩm thực Việt Nam trong khuôn khổ của cuộc thi The Future Chef Contest mùa 10 – Trường Đại học Hoa Sen tổ chức đã được công nhận xác lập Kỷ lục Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, một cuộc thi về ẩm thực của sinh viên lập kỷ lục quốc gia.
Mô hình bản đồ ẩm thực Việt Nam dài hơn 20 mét được thực hiện bởi hơn 50 đầu bếp là thí sinh, cựu thí sinh của cuộc thi The Future Chef Contest các mùa cùng các đầu bếp đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam và đầu bếp thuộc các nhà hàng trong khu vực TPHCM. Từ đó, giới thiệu các món ăn tiêu biểu, đặc sắc của 63 tỉnh thành trên cả nước và quảng bá các giá trị ẩm thực nước nhà đến bạn bè quốc tế.
Mô hình bản đồ ẩm thực Việt Nam dài 20 mét được xác lập kỷ lục quốc qua (Ảnh: HSU).
Có mặt tại buổi xác lập kỷ lục, ông Chiêm Thành Long, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam cho biết, phát triển ẩm thực trong du lịch là điều rất quan trọng. Khi du khách thưởng thức một món ngon, như đến Lạng Sơn ăn lợn quay lá mắc mật, đến Lạng Sơn ăn phở chua… họ sẽ nhớ đến vùng miền tạo ra món ăn đó lâu hơn và tự nhiên sẽ hiểu rằng, vùng miền, địa danh đó đã từng đi đến.
Ông Long nhận định, chỉ phát triển các món ngon là chưa đủ mà cần cả duy trì, bảo tồn, phát triển truyền thống ẩm thực của Việt Nam để tạo cho các khách du lịch sự tò mò để tìm hiểu, khám phá, bởi mỗi vùng miền đều có sự đa dạng, phong phú chứ không chỉ dừng lại ở một vài món ăn.
Các đặc sản ở khu vực miền Tây Nam Bộ (Ảnh: HSU).
TPHCM là một địa phương rất đặc biệt, giống như một Việt Nam thu nhỏ, vì có đa dạng người dân các vùng miền sinh sống. Từ những món ăn của vùng miền lại được sáng tạo, đổi mới hơn so với phiên bản gốc, nên nền ẩm thực rất phong phú.
Ông Long cho rằng, để bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt cần có sự tham gia của cả Nhà nước và các doanh nghiệp, vì nếu chỉ riêng đầu bếp hoặc doanh nghiệp nhỏ lẻ thì không thể đủ nguồn lực để quảng bá, giới thiệu.
“Nếu chúng ta đi kỹ các vùng miền Việt Nam sẽ thấy sự khám phá trong đó. Ở đây mới chỉ giới thiệu mỗi vùng miền một món, nhưng sẽ có những nơi có 5-10 món đặc sản. Đó là chưa kể những món ăn chơi, ăn phụ.
Do đó, chúng tôi coi đây chỉ là bước khởi đầu, là chất xúc tác để cho nhiều người biết đến và cùng phát triển ẩm thực Việt” – ông Long nói.
Được tổ chức lần đầu vào năm 2012, từ một đề án của sinh viên, đến nay cuộc thi cuộc thi The Future Chef đã tạo ra sân chơi cho hơn 10.000 bạn trẻ trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và các bạn trẻ có niềm đam mê ẩm thực, đào tạo nên nhiều thế hệ đầu bếp trẻ, tài năng trên khắp cả nước. Vòng chung kết cuộc thi năm 2022 quy tụ 21 đội và thí sinh, có chủ đề “Tinh hoa ẩm thực Việt”.
Các món ăn có mặt trên bản đồ đặc sản 63 tỉnh thành:
– Trung du, miền núi Bắc Bộ: Cá nướng ba pinh tập Điện Biên (Điện Biên), Vịt nướng mắc mật (Lạng Sơn), Trâu gác bếp Mèo Vạc (Hà Giang), Xôi ngũ sắc (Lai Châu), Phở chua (Lào Cai), Gà H’mông nướng hạt dổi (Yên Bái), Thịt lợn đùm hoa chuối (Tuyên Quang), Lạp sườn hun khói (Bắc Kạn), Bánh lá ngải (Sơn La), Vịt nấu hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng), Thịt trâu lá lồm (Hòa Bình), Thịt chua (Phú Thọ), Bánh chưng Bờ Đậu (Thái Nguyên), Bánh đúc Đồng Quan (Bắc Giang).
– Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc Bộ: Chả cá Lã Vọng (Hà Nội), Bánh đa cua (Hải Phòng), Chả rươi (Hải Dương), Bún thang lươn (Hưng Yên), Cá thính Lập Thạch (Vĩnh Phúc), Bánh khúc làng Diềm (Bắc Ninh), Phở bò (Nam Định), Chả tôm (Thanh Hóa), Bánh cuốn (Hà Nam), Dê núi (Ninh Bình), Chả mực (Quảng Ninh).
– Bắc Trung Bộ: Chả tôm (Thanh Hóa), Súp lươn (Nghệ An), Kẹo cu đơ (Hà Tĩnh), Cháo canh (Quảng Bình), Gà kho củ nén và xôi (Quảng Trị), Cơm âm phủ (Thừa Thiên Huế).
– Nam Trung Bộ: Thịt luộc Khuê Trung (Đà Nẵng), Phở sắn Quế Sơn (Quảng Nam), Cá bống Sông Trà (Quảng Ngãi), Nem chua (Bình Định), Gà nướng Sông Cầu (Phú Yên), Bún cá dầm (Khánh Hòa), Bánh căn (Ninh Thuận), Lẩu thả (Bình Thuận).
– Tây Nguyên: Giò heo hầm Atiso Đà Lạt (Lâm Đồng), Gà nướng sa lửa và cơm lam (ĐắK Nông), Xôi măng (Kon Tum), Phở khô (Gia Lai), Cá lăng nấu măng Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
– Đông Nam Bộ: Bánh tét hột điều (Bình Phước), Gỏi măng cụt (Bình Dương), Xôi chiên phồng (Đồng Nai), Cá súng – cá nấu tương me (Bà Rịa – Vũng Tàu), Bánh tráng phơi sương rau rừng (Tây Ninh), Cơm tấm Sài Gòn (TP.HCM).
– Tây Nam Bộ: Lạp xưởng Cần Đước và cơm gạo Nàng Thơm chợ Đào (Long An), Mắm tôm chà Gò Công (Tiền Giang), Cơm trái dừa và tép rang dừa (Bến Tre), Cháo gà bồ ngót (Vĩnh Long), Bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh), Chả giò rế (Cần Thơ), Chả giò sen (Đồng Tháp), Lẩu mắm (An Giang), Cháo lòng Cái Tắc (Hậu Giang), Bún nước lèo (Sóc Trăng), Bún bò cay (Bạc Liêu), Gỏi cá trích (Kiên Giang), Cá nâu kho trái giác (Cà Mau).
Theo Báo Dân trí 

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *