QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
________ 

Số: 1335/QĐ-UBND

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do- Hạnh Phúc
____________________

Vĩnh Phúc, ngày 06 tháng 6 năm 2011


QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch
tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030
____________

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC  

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;   

Căn cứ Luật Du lịch ngày 27/6/2005;   

Căn cứ Nghị định số: 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội; Nghị định số: 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính Phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số: 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính Phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội;  

Căn cứ Quyết định số: 3635/QĐ-CT ngày 09/10/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;  Kết luận số: 30-KL/TU ngày 30/9/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến 2020, tầm nhìn đến 2030; kết quả họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030;  

Xét đề nghị của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số: 17/TTr- SVHTT&DL ngày 11 tháng 5 năm 2011,   

QUYẾT ĐỊNH: 

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, gồm các nội dung chủ yếu sau:

Quan điểm và mục tiêu phát triển: 

* Quan điểm:  

– Tạo bước phát triển mạnh mẽ và bền vững cho du lịch Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển trước mắt và lâu dài. Phát triển du lịch gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, chiến lược phát triển vùng thủ đô Hà nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, gắn với mục tiêu vì con người, nâng cao chất lượng cuộc sống. Phát huy nội lực, đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch.  

– Khai thác có hiệu quả tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và nguồn tài nguyên nhân văn. Xây dựng các khu du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế. Phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, bản sắc văn hoá của dân tộc; bảo vệ môi trường, giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên.  

* Mục tiêu:   

Phấn đấu đến năm 2015 du lịch Vĩnh Phúc phải xác định rõ hướng phát triển, tạo được hình ảnh đặc trưng riêng phù hợp với tiềm năng du lịch của tỉnh. Đến năm 2020, du lịch trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh; Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch của vùng và của cả nước. Năm 2030 du lịch Vĩnh Phúc phát triển toàn diện, có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, có nhiều khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế.   

Phát triển đa dạng các loại hình du lịch: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu khách du lịch các mùa trong năm và du lịch cuối tuần. Quan tâm phát triển và khai thác tiềm năng du lịch văn hoá, tâm linh. Mở rộng thêm các lĩnh vực du lịch, dịch vụ phục vụ hội thảo, phát triển mô hình du lịch kết hợp với tham quan học tập kinh nghiệm. Tạo ra những sản phẩm du lịch có thương hiệu mang nét đặc trưng riêng của du lịch Vĩnh Phúc.

Mục tiêu cụ thể:

+ Mục tiêu về kinh tế:  

– Về khách du lịch: Năm 2015 đạt 76 ngàn khách quốc tế và 2.250 ngàn khách nội địa; năm 2020 đạt 120 ngàn khách quốc tế,  2.850 triệu khách nội địa; đến năm 2030 đạt là 220 ngàn khách quốc tế và 3.700 triệu khách nội địa.  

– Tỷ trọng GDP du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh: Năm 2015 chiếm 3,6%; đến năm 2020 đạt 4,0%. 

– Nhu cầu vốn đầu tư: Đến năm 2015 cần 118,8 triệu USD, đến năm 2020 cần 214,2 triệu USD và đến năm 2030 cần 356 triệu USD.  

– Nhu cầu về khách sạn: Đến năm 2015 cần 3.700 phòng; đến năm 2020 cần 5.000 phòng; đến năm 2030 cần 7.800 phòng.  

+ Mục tiêu về xã hội:  

– Phát triển một xã hội lành mạnh, ổn định trong đó con người là đối tượng quan tâm hàng đầu.   

– Về thu nhập xã hội từ du lịch: Năm 2015 đạt 105,2 triệu USD; năm 2020 đạt 208,5 triệu USD, đến năm 2030 đạt 418 triệu USD.

– Về nhu cầu về lao động: Năm 2015 cần 17.700 lao động (5.900 lao động trực tiếp), năm 2020 cần 25.500 lao động (8.500 lao động trực tiếp) và đến năm 2030 cần 42.000 lao động (14.000 lao động trực tiếp).  

+ Mục tiêu bảo vệ môi trường:

– Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch nói chung và môi trường du lịch nói riêng, từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về quản lý tài nguyên môi trường du lịch trên cơ sở triển khai Luật Bảo vệ Môi trường và Luật Du lịch.  

– Bổ sung và hoàn thiện dần từng bước các cơ chế chính sách: Về thuế, về chính sách đầu tư, về khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 

– Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ. 

– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường du lịch.         

– Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhận thức về bảo vệ môi trường du lịch và vai trò của môi trường đối với sự phát triển bền vững của ngành. 

– Trú trọng bảo vệ chất lượng môi trường nước ở các Khu du lịch, các điểm du lịch: Đầm Vạc, Hồ Đại Lải, Đầm Dưng, … 

– Xử lý nước thải tại các khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn môi trường. 

– Đảm bảo chất lượng môi trường không khí, môi trường đất, rác thải sinh hoạt tại các Khu du lịch, các điểm du lịch 

Các định hướng phát triển chủ yếu: 

1  Thị trường du lịch: 

– Thị trường khách nội địa: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và các thành phố khác. 

– Thị trường khách quốc tế: Bắc Mỹ, Tây Âu, Châu Á Thái Bình Dương. 

2 Sản phẩm du lịch: 

– Du lịch cuối tuần và du lịch nghỉ dưỡng; 

– Du lịch lễ hội, tín ngưỡng;

– Du lịch sinh thái; 

– Du lịch tìm hiểu các giá trị lịch sử – văn hoá ( bao gồm các di tích lịch sử văn hoá, di tích khảo cổ học, các phong tục, tập quán, …); 

– Du lịch tìm hiểu, nghiên cứu các làng nghề; 

– Du lịch thể thao, mạo hiểm (leo núi), vui chơi giải trí; 

– Du lịch hội nghị, hội thảo;

– Du lịch thăm quan các Khu công nghiệp. 

3. Xúc tiến, quảng bá du lịch: 

– Xây dựng hình ảnh chung của du lịch Vĩnh Phúc, phát hành các ấn phẩm giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch của Vĩnh Phúc. 

– Giới thiệu tiềm năng về du lịch của Vĩnh Phúc tại các hội chợ, hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, trong khuân khổ các chương trình về du lịch, văn hoá, thương mại và xúc tiến đầu tư. 

– Đẩy mạnh công tác xã hội hoá về xúc tiến quảng bá du lịch. 

4 Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: 

– Phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh xây dựng mới và mở rộng đào tạo các chuyên ngành về du lịch. 

– Tranh thủ sự hỗ trợ của các dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch của Tổng cục Du lịch và các dự án quốc tế. 

– Tăng cường hợp tác, trao đổi nghiệp vụ thông qua các chuyến khảo sát, các hội nghị, hội thảo quốc tế tại các nước có hoạt động du lịch phát triển. 

5. Các cụm, tuyến, điểm  du lịch chủ yếu: 

– Các cụm du lịch:  

+ Cụm Vĩnh Yên. 

+ Cụm Tam Đảo – Tam Dương. 

+ Cụm Phúc Yên – Bình Xuyên. 

+ Cụm Yên Lạc – Vĩnh Tường.

+ Cụm Lập Thạch – Sông Lô.

– Các tuyến du lịch: 

Tuyến du lịch nội tỉnh: 

+ Tuyến du lịch Vĩnh Yên – Tây Thiên – Tam Đảo. 

+ Tuyến du lịch Vĩnh Yên – Phúc Yên – Đại Lải- Hương Canh. 

+ Tuyến du lịch Vĩnh Yên – Lập Thạch – Sông Lô. 

+ Tuyến du lịch Vĩnh Yên – Vĩnh Tường, Yên Lạc. 

Tuyến du lịch liên tỉnh: 

* Đường bộ:

+ Hà nội – Vĩnh Phúc – Phú Thọ – Yên Bá i- Lào Cai. 

+ Hà nội- Vĩnh Phúc – Tuyên Quang- Thái Nguyên. 

+ Hà nội- Vĩnh Phúc – Yên Bái – Hà Giang.

* Đường sắt: Hà nội- Vĩnh Phúc- Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai- Vân Nam. 

* Đường thuỷ: Sông Lô – Sông Hồng – Hà nội. 

Các giải pháp chủ yếu về tổ chức thực hiện. 

– Công tác quản lý Nhà nước về du lịch:  

+ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với các ngành và các cấp, xây dựng quy chế phối hợp để đảm bảo cho việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch và các hoạt động du lịch đạt hiệu quả đồng thời ngăn ngừa, hạn chế được những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thuần phong mỹ tục và môi trường…để đảm bảo cho hoạt động du lịch bền vững trình UBND tỉnh phê duyệt. 

+ Thành lập và nhanh chóng đưa vào hoạt động Ban Quản lý các trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh.

– Cụ thể hoá quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm, 10 năm để tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. 

– Tăng cường nguồn lực phát triển du lịch, trước mắt ưu tiên lập quy hoạch để đầu tư phát triển du lịch như sau: 

+ Xây dựng Trung tâm lễ hội Tây Thiên. 

+ Nâng cấp Tam Đảo 1 và nghiên cứu lập quy hoạch Tam Đảo 2. 

+ Chỉnh trang thành phố Vĩnh Yên với trọng tâm là kè Đầm Vạc và đầu tư các Khu du lịch nghỉ cuối tuần Hồ Đại Lải… 

– Tăng cường phối hợp thực hiện du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch. 

– Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch. 

(Nội dung cụ thể tại Báo cáo quy hoạch kèm theo quyết định này).

Điều 2. Tổ chức thực hiện. 

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm: 

– Công bố công khai quy hoạch được phê duyệt theo quy định. Chủ trì phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch được phê duyệt trên địa bàn tỉnh. 

– Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để thực hiện quy hoạch trình Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh xem xét, quyết định. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội tham mưu, đề xuất, trình UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. 

– Hướng dẫn các huyện tiến hành rà soát bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện theo nội dung quy hoạch này. 

– Tiếp tục xây dựng các quy hoạch chi tiết như: Quy hoạch Khu du lịch Tam Đảo II, Khu du lịch Núi Sáng Sơn; Khu du lịch Đầm Rưng… 

– Tiến hành rà soát điều chỉnh các chương trình, đề án phát triển du lịch đã có cho phù hợp. Chú trọng quy hoạch cụm du lịch trọng điểm, gắn quy hoạch cụm du lịch với quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, hình thành các cụm kinh tế du lịch.         – Phối hợp cùng các ngành có liên quan tiến hành xây dựng các chương trình, dự án ưu tiên để thực hiện các nội dung quy hoạch được duyệt.

2. Các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm: Chủ động phối hợp với ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tổ chức thực hiện các nội dung quy hoạch, xây dựng các chính sách, giải pháp và biện pháp tổ chức thực hiện quy hoạch theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của ngành, cấp ngành, cấp mình. 

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.  

Chánh văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; và Thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ quyết định thi hành./. 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Trần Ngọc Tư

 

File đính kèm

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *