TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH VĨNH PHÚC 09 THÁNG ĐẦU NĂM.

Năm 2012, du lịch Vĩnh Phúc cũng như du lịch cả nước nói chung vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: lạm phát tăng cao, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động…Tuy vậy, kết quả hoạt động du lịch chín tháng vừa qua đã cho thấy ngành du lịch Vĩnh Phúc vẫn phát triển ổn định, doanh thu và lượng khách đều tăng so với cùng kỳ năm 2011.

Du khách đến nghỉ tại Đại Lải

Ngay từ đầu mùa du lịch, các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị đầu tư cải tiến trang thiết bị, chú trọng việc cung cấp các dịch vụ bổ sung, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Theo số liệu thống kê của Phòng Nghiệp vụ Du lịch, tổng số lượng khách đến với du lịch Vĩnh Phúc chín tháng đầu năm 2012 ước đạt: 1.647.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế: 21.000 lượt, khách nội địa: 1.626.000 lượt, doanh thu ước đạt 686 tỷ đồng. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 192 đơn vị kinh doanh du lịch khách sạn, nhà nghỉ, 2 đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành quốc tế và 10 đơn vị kinh doanh du lịch nội địa. Trong 80 khách sạn, có 36 khách sạn từ 1 – 2 sao, 1 khách sạn 3 sao và 1 khách sạn 4 sao, công suất sử dụng phòng vào mùa du lịch đạt 60 – 65%. Với những số liệu tích cực đó, cho thấy du lịch Vĩnh Phúc đang dần khẳng định được mình trong lòng du khách, nhưng vẫn cần hơn nữa những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính đột phá để thu hút du khách ở lại lâu dài và chi tiêu cho các dịch vụ du lịch nhiều hơn.

Cùng đó, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh đang tiến hành việc khảo sát các khu, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn để từng bước phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành tiếp tục xây dựng các tour du lịch liên kết Vĩnh Phúc với các tỉnh khác trong nước. Tổ chức rà soát, thống kê các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để cung cấp thông tin và đảm bảo an toàn cho du khách.

Thiết nghĩ, để duy trì và tăng thêm lượng khách hàng năm, Vĩnh Phúc nên xúc tiến triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, hướng tới việc xây dựng những sản phẩm du lịch có thương hiệu. Đồng thời phải tăng cường công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh. Với lợi thế về vị trí địa lý và nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, Vĩnh Phúc cần đầu tư xứng đáng về cơ sở hạ tầng cho các điểm du lịch, nâng cao công tác quản lý, nhanh chóng xây dựng các tour du lịch kết nối với các tỉnh lân cận, đặc biệt là Hà Nội; cần tập trung hơn nữa vào thị trường khách nội địa, bên cạnh đó tích cực quảng bá hình ảnh về các khu nghỉ dưỡng, khu di tích để trở thành sản phẩm hấp dẫn thu hút khách.

Kim Dung – TTDL

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *