BÁO CÁO TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH NĂM 2014 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2015

PHẦN THỨ NHẤT

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 2014

I. Đánh giá chung

Du lịch Vĩnh Phúc trong năm 2014 được sự quan tâm và có sự phát triển nhất định, thu hút lượng du khách lớn trong và ngoài tỉnh đến với Vĩnh Phúc. Lượng du khách đến hành hương, tham quan, du lịch tăng 50%, doanh thu du lịch tăng 30% so cùng kỳ năm 2013 đã đánh dấu bước phát triển mạnh về du lịch trong năm 2014, đóng góp rất lớn cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của tỉnh; Du lịch phát triển đã góp phần tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động.

Từ đầu năm 2014 đến nay các Lễ hội mừng Xuân Giáp Ngọ như: Lễ hội Kéo Soong – Bình Xuyên; Lễ hội Đền Thính – Yên Lạc; Lễ hội Chọi Trâu – Sông Lô; Lễ hội Tây Thiên – Tam Đảo… Do thời gian nghỉ Tết nguyên đán, nghỉ lễ dịp 30/4 và 01/5, nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và mùa nắng nóng năm nay kéo dài đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân tham gia lễ hội, tham quan, du lịch, tập trung chủ yếu ở Khu danh thắng Tây Thiên dịp đầu năm mùa lễ hội, Khu du lịch Tam Đảo và Khu du lịch Đải Lải tập trung khách du lịch nghỉ dưỡng mùa nắng nóng.

Tổng số lượt khách du lịch đến Vĩnh Phúc năm 2014 ước đạt: 2.877.420 lượt khách, tăng 50% so với cùng kỳ, đạt 102% kế hoạch năm, trong đó: Khách quốc tế ước đạt: 20.334 lượt khách; Khách nội địa đạt: 2.857.086 lượt khách. Tổng doanh thu du lịch ước đạt: 1.014 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, đạt 101,5% kế hoạch năm.                                                                                                                                          II. Kết quả đạt được trong năm 2014.

1. Công tác quản lý nhà nước.

Tham mưu cho Lãnh đạo Sở trình UBND tỉnh về công tác Kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc;

Tham mưu cho Lãnh đạo Sở có chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh chủ động chuẩn bị tốt mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để đón khách du lịch lễ hội đầu năm và đón tết nguyên đán xuân Giáp Ngọ và tổ chức một số hoạt động phục vụ nhu cầu thăm quan, mua sắm, vui xuân, tham dự các lễ hội của khách du lịch trên cơ sở phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc. Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị đảm bảo tuyệt đối về công tác an ninh, an toàn cho khách du lịch, công tác phòng chống cháy nổ, ô nhiễm môi trường, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm…

 – Triển khai tới các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh về Chỉ thị 329/CT – BVHTTDL ngày 30/12/2013 của Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014. Đảm bảo các đơn vị kinh doanh du lịch bố trí đủ lực lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm; công tác an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và tuân thủ nghiêm các quy định về đăng ký, niêm yết và bán đúng giá niêm yết để phục vụ khách trong dịp Tết Nguyên đán.

– Triển khai văn bản số 153/TCDL-VP ngày 26/02/2014 của Tổng cục Du lịch về việc ứng phó với dịch cúm gia cầm tới các đơn vị kinh doanh lữ hành, các đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh.

– Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh lữ hành Quốc tế, xây dựng các chương trình du lịch hấp dẫn và phù hợp tới mọi đối tượng, chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động của hướng dẫn viên du lịch nhằm đảm bảo quyền lợi, an ninh, an toàn cho khách du lịch không gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của địa phương và yêu cầu đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có tính chuyên nghiệp cao.

– Triển khai Công văn 311/SVHTTDL ngày 15/4/2014 của Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch tới các đơn vị kinh doanh du lịch, các huyện, thành thị về việc Đảm bảo an ninh, an toàn và bình ổn giá trong mùa du lịch năm 2014.

– Chỉ đạo và hướng dẫn các Ban quản lý khu du lịch Tam Đảo, Đại Lải, Ban quản lý khu danh thắng Tây Thiên; Hiệp hội Du lịch tỉnh và các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. Có phương án đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối cho khách du lịch, nhất là du khách đến từ những thị trường nói tiếng Hoa, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động gây ra những hành động quá khích, thiếu kiểm soát; không kỳ thị, phân biệt đối xử làm ảnh hưởng đến tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

– Hướng dẫn các khách sạn 3 – 4 sao và các sân Gofl trên địa bàn tỉnh tham gia giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2013 theo Quyết định số 1311/QĐ – BVHTTDL ngày 5/5/2014 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc quyết định Ban hành Quy chế tổ chức Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2013.

– Tham gia lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến pháp luật về Luật quảng cáo của Sở tổ chức. Tham gia Hội nghị đánh giá điểm đến tour, tuyến du lịch Vĩnh Phúc năm 2014.

– Yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch chấp hành thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thống kê định kỳ về Sở.

– Phối hợp với các Ban quản lý ở các khu du lịch để nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh của các cơ sở lưu trú để chuẩn bị cho mùa du lịch năm 2014;

* Công tác đào tạo.

– Phối hợp với khách sạn Trung Du tổ chức lớp bồi dưỡng Nghiệp vụ Lễ tân, buồng, bar cho 53 lao động đang làm việc trực tiếp tại các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh, qua lớp bồi dưỡng đã nâng cao được trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ lễ tân, buồng, bar làm việc tại các CSLTDL, phục vụ du khách ngày một tiêu chuẩn và chuyên nghiệp.

* Công tác thẩm định hồ sơ cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Trong năm 2014 phòng đã tiếp nhận 27 hồ sơ đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (cấp mới và cấp lại ), trong đó 11 thẻ Quốc tế và 16 thẻ Nội địa.

Sau khi thẩm định hồ sơ và trả kết quả là 24 thẻ HDV (08 thẻ quốc tế và 16 thẻ nội địa), 01 hồ sơ phát hiện là sử dụng bằng giả và 02 hồ sơ không đủ điều kiện cấp thẻ.

So với cùng kỳ năm 2013 tăng 05 thẻ; hướng dẫn viên du lịch quốc tế giảm 09 thẻ, hướng dẫn viên du lịch nội địa tăng 13 thẻ.

* Công tác thẩm định, tái thẩm định CSLTDL.

Năm 2014 phòng đã tiếp nhận 110 hồ sơ đề nghị thẩm định và tái thẩm định cơ sở lưu trú du lịch. Phòng đã giải quyết và ra quyết định công nhận loại hạng được: 109 cơ sở lưu trú du lịch (01 đơn vị đang giải quyết). Trong đó có 33 cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn từ 1-2 sao và 77 cơ sở đạt tiêu chuẩn kinh doanh du lịch.

2. Kết quả hoạt động kinh doanh.

Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 278 Cơ sở lưu trú du lịch, tăng  39 cơ sở lưu trú du lịch so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có: 01 khách sạn 4 sao; 01 khách sạn 3 sao; 26 khách sạn 2 sao; 19 khách sạn 1 sao và 231 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch. Với tổng số phòng: 4.350 phòng, tăng 430 phòng so với cùng kỳ năm trước. Tổng số CBCNV 1.622, tăng 147 CBCNV so với cùng kỳ năm 2013.

Các Công ty hoạt động kinh doanh lữ hành gồm có: 10 đơn vị, trong đó: có 04 đơn vị kinh doanh lữ hành Quốc tế. Thị trường khách chủ yếu là: châu Á, châu Âu.

Tổng số lượt khách du lịch đến Vĩnh Phúc năm 2014 ước đạt: 2.877.420 lượt khách, tăng 50% so với cùng kỳ, đạt 102% kế hoạch năm, trong đó: Khách quốc tế ước đạt: 20.334 lượt khách; Khách nội địa ước đạt: 2.857.086 lượt khách. Khách do công ty lữ hành đón được ước đạt: 7.060 lượt khách (Outbound: 2.140 lượt, Inbound: 4.920 lượt)

Tổng doanh thu du lịch ước đạt: 1.014 tỷ đồng tăng 30% so với cùng kỳ, đạt 101,5% kế hoạch năm. Trong đó doanh thu của các đơn vị kinh doanh lữ hành ước đạt 22,4tỷ đồng . Công suất sử dụng phòng đạt từ 40% đến 50%.

* Tổng lượt khách phân theo các khu vực như sau:

a. Khu vực Tam Đảo – Tây Thiên (Số liệu do Ban QL Danh thắng Tây Thiên và Ban QL khu du lịch Tam Đảo và sân golf Tam Đảo cung cấp)

Tổng lượt khách ước đạt:     1.007.046 lượt khách

Trong đó:     Khách quốc tế:     7.116   lượt khách

Khách nội địa:    999.930 lượt khách

Doanh thu ước đạt: 354,9 tỷ đồng.

b. Khu vực Vĩnh Yên (Số liệu do các đơn vị KDDL và sân golf Vĩnh Yên  cung cấp)

Tổng lượt khách ước đạt:  575.484 lượt khách

Trong đó: Khách quốc tế:     4.067 lượt khách

       Khách nội địa: 571.417 lượt khách

Doanh thu ước đạt: 202,8 tỷ đồng.

c. Khu vực Bình Xuyên – Đại Lải – Phúc Yên (Số liệu do Ban quản lý khu du lịch Đại Lải và sân golf  Đải Lải  cung cấp)

Tổng lượt khách ước đạt: 550.484 lượt khách

Trong đó: Khách quốc tế:     4.011 lượt khách

      Khách nội địa:  546.473 lượt khách

Doanh thu ước đạt: 201,5 tỷ đồng.

d. Khu vực Vĩnh Tường – Yên Lạc

Tổng lượt khách ước đạt: 312.774 lượt khách

Trong đó: Khách quốc tế:     2.089 lượt khách

       Khách nội địa: 310.685 lượt khách

Doanh thu ước đạt: 102,7 tỷ đồng.

e. Khu vực Tam Dương – Sông Lô – Lập Thạch

Tổng lượt khách ước đạt: 431.632 lượt khách

Trong đó: Khách quốc tế:        3.051 lượt khách

       Khách nội địa:  428.581 lượt khách

Doanh thu ước đạt: 152,1 tỷ đồng.                                                                                                                                                              III. Thuận lợi và khó khăn.

1.Thuận lợi:

 Được sự quan tâm của của các cấp các ngành, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được tu bổ, tôn tạo mang tính quốc gia, đặc biệt Khu danh thắng Tây Thiên được đầu tư, tu bổ, tôn tạo xây dựng thành trung tâm Lễ hội của tỉnh, năm 2014 đã thu hút lượng lớn du khách đến hành hương, du lịch tại Khu danh thắng Tây Thiên; khu du lịch Tam Đảo và khu du lịch Đại Lải được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Ngoài ra một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đầu tư mới, đầu tư nâng cấp cơ sở hoạt động kinh doanh đảm bảo theo đúng và cao hơn tiêu chuẩn của hạng cơ sở lưu trú du lịch và nâng cao chất lượng phục vụ du khách đã có đông đảo du khách đến tham quan, du lịch nghỉ dưỡng ổn định trong năm 2014, công suốt sử dụng phòng đạt từ 50 đến 70%.

Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút đầu tư vào các dự án khu du lịch được tăng cường, tạo điểm đến có sức hấp dẫn du khách; tiếp tục hoàn thiện, thực hiện cải cách hành chính hơn nữa, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch.

2. Những khó khăn cần khắc phục:

– Tình hình Thế giới có nhiều bất ổn về chính trị xung đột tranh chấp Biển đông, chiến tranh các nước hồi giáo, năm 2014 lượng du khách quốc tế đến Vĩnh Phúc giảm 21% so với cùng kỳ năm 2013.

– Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với các cơ sở lưu trú còn chưa sâu rộng và kịp thời cho nên các đơn vị chưa nắm bắt được đầy đủ các nội dung và yêu cầu của Luật Du lịch quy định.

– Công tác phối hợp giữa các cấp các ngành như: Ban quản lý du lịch, ban quản lý danh thắng, phòng Văn hóa thông tin và thanh tra chuyên ngành  chưa tích cực, kịp thời, chặt chẽ và đồng bộ.

– Các Công ty lữ hành hoạt động nhiều lĩnh vực nên hoạt động lữ hành một số công việc nhiệm vụ chưa chuyên nghiệp, mang tính thời vụ như: Không thông tin rõ ràng, công khai, trung thực số lượng, giá cả các dịch vụ du lich cho du khách, còn ghép tour và bán tour cho các Công ty lữ hành khác, một số hướng dẫn viên du lịch theo tour không am hiểu những điểm đến, trình độ năng lực còn hạn chế, giá cả hợp đồng tour cao chưa phù hợp với yêu cầu tham quan du lịch của du khách.

-Công tác thẩm định, tái thẩm định một số cơ sở lưu trú không đảm bảo được chất lượng loại hạng, cơ sở vật chất trang thiết bị xuống cấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hoạt động kinh doanh. Qua đợt tái thẩm định vừa qua đã đề nghị xuống hạng (Khách sạn Phương Hoa, Khách sạn Hoàng Linh, Khách sạn Ngọc Lan, Khách sạn Đông Dương, Sen Vàng) và không đủ điều kiện hoạt động kinh doanh (Nhà nghỉ Hoa Mai).

– Đội ngũ lao động trong các đơn vị kinh doanh du lịch thường xuyên biến động, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chiếm tỷ lệ thấp. Do đặc điểm du lịch Vĩnh Phúc mang tính mùa vụ, các đơn vị kinh doanh du lịch quy mô nhỏ lẻ, nặng tính gia đình…

– Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phát triển du lịch nhanh và bền vững còn nhiều bất cập, như: chủ yếu tập trung ở một số khu, điểm nhất định, tại địa bàn nông thôn và các xã miền núi còn chưa được đầu tư. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch triển khai còn chậm, chưa thực hiện đúng thời gian tiến độ, lộ trình theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh. Các khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch hầu như chưa có, các dịch vụ hỗ trợ còn thiếu như: Trung tâm mua sắm, cây xăng, dịch vụ ATM, điểm giao dịch ngoại tệ….

– Việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ của các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn chưa chấp hành nghiêm nên phần nào ảnh hưởng trực tiếp tới công tác tổng hợp báo cáo và xây dựng kế hoạch định hướng phát triển ngành du lịch.

PHẦN THỨ HAI

KẾ HOẠCH NHIỆM VỤ NĂM 2015

1. Kế hoạch công tác năm 2015.

– Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở lưu trú và các công ty lữ hành hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của luật Du lịch.

– Tham dự các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý; tham gia các hội nghị, hội thảo do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và các tỉnh, thành phố tổ chức.

– Tham gia các đoàn công tác, giao lưu học tập trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương và các nước trong khu vực có ngành du lịch phát triển.

– Phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền phổ biến về Luật Du lịch, Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-BVHTTDL-BGTVT ngày 26/01/2011 đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

– Triển khai một số hoạt động chào mừng ngày kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành du lịch (09/7/1960-09/7/2015).

– Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh du lịch mới đi vào hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo đúng quy định trước khi đi vào hoạt động kinh doanh.

– Tập trung công tác thẩm định, tái thẩm định các CSLT và cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch….

– Nghiên cứu khảo sát một số tour du lịch trong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh lữ hành hoạt động.

2. Dự kiến số lượt khách và doanh thu năm 2015.

– Lượt khách ước đạt: 2.964.042 lượt khách

  Trong đó:

Khách quốc tế ước đạt: 21.361 lượt khách

                   Khách nội địa ước đạt: 2.942.681 lượt khách

– Doanh thu ước đạt: 1.064 tỷ đồng.

3. Những kiến nghị và đề xuất.

Từ những kết quả đạt được và những hạn chế, khó khăn vướng mắc nêu trên, đề nghị sự quan tâm hơn nữa của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, các cấp các ngành chức năng.

– Lãnh đạo Sở cấp kinh phí để tổ chức các sự kiện, hoạt động về du lịch, nhằm tạo dấu ấn về du lịch, đồng thời quảng bá hình ảnh Du lịch Vĩnh Phúc tới các tỉnh trong và ngoài nước để thu hút khách đến với Du lịch Vĩnh Phúc nhiều hơn nữa.

– UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo, bồi duỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch cho đội ngũ cán bộ công chức các cấp: Và hỗ trợ kinh phí Bồi dưỡng, đào tạo cho người lao động làm việc trong các đơn vị kinh doanh du lịch.

– Có những chính sách ưu đãi đối với những tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư về du lịch trong tỉnh.

– Nâng cấp đầu tư hệ thống giao thông đường bộ nối liền tuyến điểm du lịch ở các huyện, thị.

– Xây dựng một số sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, du lịch hội họp, hội thảo…

– Đầu tư kinh phí cho công tác quảng bá xúc tiến về du lịch.

Trên đây là báo cáo của Phòng Nghiệp vụ Du lịch về tổng kết công tác hoạt động kinh doanh du lịch năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015.

Trân trọng báo cáo./.    

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *