BÁO CÁO CÔNG TÁC VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH NĂM 2012 PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2013

Bước vào năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XV và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước chịu tác động ảnh hưởng sâu sắc của suy thoái kinh tế thế giới, đặc biệt nguồn thu ngân sách của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội phải đương đầu với những trở ngại lớn nhất trong nhiều năm gần đây.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành, cán bộ – CNVC toàn ngành đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao và kế hoạch công tác đề ra, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần trong nhân dân và đóng góp tích cực trong việc ổn định tình hình chính trị, hoàn thành các mục tiêu phát triển Kinh tế – xã hội của tỉnh.

Phần thứ nhất

KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 2012

 

 I- CÔNG TÁC PHỤC VỤ NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ.

1- Công tác thông tin tuyên truyền:

– Tập trung chỉ đạo tổ chức các hoạt động “Mừng Đảng – Mừng Xuân” phục vụ nhân dân đón Tết Nhâm Thìn năm 2012; Hướng dẫn quản lý các hoạt động Lễ hội đầu Xuân thực hiện nghiêm Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Công điện số 234/CĐ-BVHTTDL ngày 9/2/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định về việc cưới, tang, lễ hội…

– Các hoạt động Kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh (01/01/1997-01/01/2012); Tuyên truyền chào mừng các Ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của tỉnh diễn ra dưới nhiều nội dung, hình thức phong phú như: Tổ chức triển lãm chuyên đề “Một số hình ảnh, hiện vật về thành tựu kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc sau 15 năm tái lập tại Bảo tàng; Trưng bày, giới thiệu Sách tư liệu, báo Xuân với chủ đề “Vĩnh Phúc 15 năm một chặng đường Mừng Đảng – Mừng Xuân” tại Thư viện tỉnh; Chương trình nghệ thuật đón Giao thừa Năm mới tại thành phố Vĩnh Yên; Tổ chức Liên hoan Âm nhạc khu vực phía Bắc; Đêm nhạc của Nhạc sỹ Xuân Cửu với chủ đề “Vĩnh Phúc ngày mới”; Tuyên truyền Kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh – liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2012); 58 năm ngày Giải phóng thủ đô và 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2012)…

– Chương trình Liên hoan nghệ thuật quần chúng với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” và Hội thi văn nghệ – thể thao cấp tỉnh được tổ chức trang trọng đáp ứng kịp thời nguồn thông tin tới công chúng và góp phần nâng cao nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân.

2- Tham gia các chương trình do Bộ VHTT&DL và các tỉnh, thành phố đăng cai tổ chức:

– Chỉ đạo các đơn vị trong ngành chuẩn bị nội dung tham gia Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VIII năm 2012 theo chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch: Thái Nguyên – Vĩnh Phúc – Tuyên Quang tại tỉnh Tuyên Quang. Tham gia Hội thi Nấu bánh Chưng, Giã bánh Dày và biểu diễn văn nghệ phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương; Hội thi tài năng trẻ học sinh, sinh viên các Trường văn hoá nghệ thuật và du lịch toàn quốc; Liên hoan tuyên truyền lưu động với chủ đề “Biên giới và Biển đảo Việt Nam”, Hội diễn nghệ thuật quần chúng do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Bà Rịa – Vũng Tàu…

– Tổ chức Hội nghị triển khai và tổng kết công tác Thi đua – Khen thưởng giữa các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong Cụm thi đua đồng bằng, trung du Bắc bộ năm 2012 với vai trò Cụm trưởng. Tiếp đón và làm việc với đoàn công tác của Sở Văn hoá và Thông tin tỉnh Luông Nậm Thà, nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào nhân dịp Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm hữu nghị Việt – Lào; chương trình làm việc của lãnh đạo UBND tỉnh với Tổng Cục Du lịch về tình hình phát triển Du lịch tại địa phương và chương trình phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng về tham gia các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch đồng bằng Sông Hồng – Hải Phòng 2013.

– Ngành đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch số 1781/KH-UBND ngày 17/5/2012 của UBND tỉnh về Tổ chức Tuần Văn hoá – Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc năm 2013 để hưởng ứng Năm du lịch quốc gia các tỉnh đồng bằng Sông Hồng tại thành phố Hải Phòng với chủ đề “Văn minh Sông Hồng”.

II- VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC:

– Tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp Thể dục, Thể thao tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Xây dựng Đề án thông qua BTV Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh khoá XV (kỳ họp thứ 5) ban hành Nghị quyết số 75/2012/NQ-HĐND tỉnh về phát triển TDTT quần chúng tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2013 -2020; Trình HĐND tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2011-2016 ra Nghị quyết Quy định về chế độ đối với Huấn luyện viên, VĐV TD, TT, tổ chức các giải thi đấu thể thao và chính sách phát triển thể thao thành tích cao (Thay thế các Nghị quyết số 25/2007/NQ-HĐND ngày 19/12/2007 và Nghị quyết số 05/2009/NQ-HĐND ngày 28/7/2009 của HĐND tỉnh về chính sách đối với Huấn luyện viên, VĐV, trọng tài, hướng dẫn viên TDTT và chế độ chi tiêu cho các giải thi đấu thể thao).

– Tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quy định về quản lý Di tích và di vật, cổ vật, bảo vật Quốc gia trên địa bàn tỉnh; Quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý khu di tích – danh thắng Tây Thiên.

– Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh:Nghị quyết 08/2010/NQ-HĐND ngày 22/7/2010 của HĐND tỉnh về giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng thiết chế Văn hoá, Thể thao, vui chơi giải trí xã phường, thị trấn, thôn, làng, tổ dân phố; Nghị quyết 40/2011/NQ-HĐND ngày 19/12/2011của HĐND tỉnh về Hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị cho NVH xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đến năm 2015. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2011/NQ-HĐND ngày 9/4/2011 của HĐND tỉnh về việc Xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2011-2020. Đốn đốc, hướng dẫn các địa phương về công tác quy hoạch đất bồi thường giải phóng mặt bằng, chỉ đạo xây dựng mới và duy trì hoạt động 30 mô hình điểm CLB Gia đình phát triển bền vững – Nhóm Phòng chống bạo lực Gia đình.

Xây dựng các chương trình, dự án triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04/11/2011 của BCH Tỉnh uỷ khoá XV về Phát triển dịch vụ, du lịch: Dự thảo Quy định của UBND tỉnh về một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh; Khảo sát, thu thập thông tin dữ liệu chuẩn bị nội dung Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch, dịch vụ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2020.

– Tiến hành Quy hoạch chi tiết một số cụm, điểm du lịch của tỉnh để xúc tiến lập Dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện Tam Đảo, thị xã Phúc Yên.

– Phối hợp với đơn vị tư vấn (SNV) nghiên cứu lập Dự án phát triển làng văn hoá  – du lịch cộng đồng tại xã Đạo Trù và xã Đại Đình, huyện Tam Đảo.

– Thành lập Phòng Pháp chế và ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Pháp chế theo Quyết định số 451/QĐ-UBND ngày 20/2/2012 của UBND tỉnh. Phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết biển quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên.

– Đẩy mạnh thực hiện phân cấp cho các huyện, thành, thị trong việc quản lý, cấp phép các loại hình dịch vụ văn hoá: Hoạt động Karaoke, thực hiện quảng cáo panô, biển hiệu dưới 40m2 trên địa bàn thành phố. Trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án về thực hiện cơ chế “Một cửa liên thông” trong việc giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực quảng cáo và rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định thực hiện TTHC trên các lĩnh vực quản lý của ngành. Đề nghị UBND tỉnh công bố mới 42 TTHC theo chức năng quản lý của Sở và 03 TTHC thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện; Thực hiện công khai 74 thủ tục hành chính, củng cố và thiết lập quan hệ phối hợp giữa bộ phận đầu mối kiểm soát TTHC với các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở trong việc tiếp nhận và giải quyết TTHC đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.  

– Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Dự án đầu tư xây dựng công trình trọng điểm của tỉnh do Sở làm chủ đầu tư: Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc, Khu đào tạo Vận động viên TDTT; Tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu (Đền Thượng) và khuôn viên đền Thỏng thuộc khu di tích – danh thắng Tây Thiên; Cụm di tích đền thờ Đức Bà, đình Cả và chùa Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương; Tu bổ, tôn tạo các hạng mục phụ trợ thuộc khu nội vi di tích đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn, xã Sơn Đông; Cụm Di tích Đình Hương Canh, thị trấn Hương Canh; tổ chức Khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền Thính, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc.

– Ký kết và triển khai chương trình phối hợp hoạt động giữa Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh về “Tiếp tục xây dựng và phát triển Văn học – nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chuẩn bị các nội dung phục vụ Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thư 5 Ban chấp hành Trung ương khoá VIII ngày 16/7/1998 về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo kế hoạch của BCĐ tỉnh.

– Công tác Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành trong các hoạt động tổ chức quản lý Lễ hội, kinh doanh dịch vụ Văn hóa – Du lịch được tiến hành thường xuyên, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Thanh tra Sở đã thực hiện kiểm tra 161 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá, thể thao và doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú Du lịch, 18 lễ hội. Thụ lý giải quyết 01 trường hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo. Cảnh cáo, nhắc nhở 146 cơ sở kinh doanh như Quảng cáo băng zôn, không niêm yết giá phòng tại nhà nghỉ – khách sạn. Phạt vi phạm hành chính 07 cơ sở với tổng số tiền 31.580.000đ.

III- VỀ HOẠT ĐỘNG SỰ NGHIỆP:

1- Lĩnh vực Văn hóa – Gia đình:

– Tổ chức mở các lớp tập huấn về công tác Phòng, chống bạo lực gia đình; bồi dưỡng kiến thức giáo dục phẩm chất đạo đức Phụ nữ Việt Namthời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH. Phát động cuộc thi sáng tác Tranh cổ động với chủ đề “Cả nước chung tay xây dựng Nông thôn mới”; và Kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh – liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2012) tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động toàn quốc do Cục Văn hoá cơ sở tổ chức đạt 1 giải nhất, 2 giải nhì và 3 giải khuyến khích. Triển khai xây dựng các cụm pa nô tuyên truyền cổ động và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hoá cơ sở tại 20 xã điểm xây dựng nông thôn mới

– Xây dựng kế hoạch và thể lệ tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn”; Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ II và chuẩn bị cho tổ chức Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn khu vực đồng bằng Sông Hồng mở rộng phục vụ Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc năm 2013.

– Trưng bày sách giới thiệu Sách, tư liệu Báo Xuân chủ đề “Vĩnh phúc 15 năm một chặng đường, Mừng Đảng – Mừng Xuân” với 160 loại báo, tạp chí trung ương và địa phương với hàng trăm tư liệu về Đảng quang vinh – Bác Hồ vĩ đại. Xây dựng dự án khả thi thư viện điện tử, ứng dụng hiệu quả khâu quản trị bạn đọc, sách và thực hiện lưu thông mượn, trả sách trên máy tính. Củng cố, đầu tư nấng cấp 10 thư viện điểm xã, phường tại các điểm chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới của tỉnh. Thực hiện luân chuyển sách hàng quý tới 07 thư viện cấp huyện và 117/137 thư viện, phòng đọc xã, phường, thị trấn, nhất là hệ thống thư viện thuộc các xã miền núi trên địa bàn phục vụ tốt nhu cầu đọc sách, báo trong nhân dân.

  1. 1- Hoạt động bảo tồn và phát huy các Di sản văn hóa:

Hoàn thiện hồ sơ, trình UBND tỉnh Quyết định xếp hạng 13 Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, triển khai công tác tu bổ 12 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 04 di tích bằng nguồn vốn hỗ trợ chống xuống cấp theo chương trình mục tiêu Quốc gia và 08 di tích huy động từ các nguồn lực xã hội hóa trên địa bàn. Lập hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể đưa vào danh mục 136 di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh và lập hồ sơ đề nghị xếp hạng 25 di tích Lịch sử – Văn hoá, trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 23 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

Phối hợp với Trung tâm Bảo tồn văn hoá kỹ thuật truyền thống – Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và UBND huyện Vĩnh Tường tổ chức Hội thảo khoa học “Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc”; Phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn tiến hành khai quật di chỉ KCH Đồng Đậu (thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc); Khởi công xây dựng các hạng mục: Nhà che bia, bia Tiến sĩ và hồ Thiền Quang thuộc công trình Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc, xây dựng phần móng tượng Phật đá khối hoa cương cao 49m tại Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên.

Sưu tầm hiện vật thể khối lớn thực hiện công tác trưng bày: Máy bay MIG21 của không quân Việt Nam; Súng máy 12,7mm – Tiểu đội dân quân xã Tiền Châu, thị xã Phúc Yên sử dụng bắn rơi máy bay F111 (cánh cụp, cánh xoè) của đế quốc Mỹ năm 1972; Súng máy đại liên do dân quân xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo sử dụng bắn rơi máy Mỹ năm 1967. Các hiện vật theo chuyên đề “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa” tại thị xã Phúc Yên và chuyên đề “Đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số” tại các địa phương. Kết quả sưu tầm đạt được 220 tài liệu, hiện vật, hình ảnh. Tổ chức phát huy trưng bày triển lãm “Thành tựu kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Phúc” sau 15 năm tái lập và duy trì mở cửa phòng trưng bày thường trực giai đoạn I, đón và phục vụ được 17000 lượt khách tham quan.

  1. 2- Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, Phát hành phim và Chiếu bóng:

– Tổ chức gặp mặt các thế hệ cán bộ ngành Điện ảnh qua các thời kỳ nhân ngày thành lập (15/3/1953); Gặp mặt cán bộ, nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật Chèo nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập đoàn Cải lương Vĩnh Phúc (tiền thân của Đoàn nghệ thuật Chèo) 15/4/1962-15/4/2012. Khai mạc các Tuần phim kỷ niệm Ngày lễ lớn, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh với 61 buổi chiếu; Triển khai Kế hoạch phục vụ nhân dân 40 xã miền núi với tổng số 200 buổi chiếu thu hút 65.000 lượt người xem; hoàn thành kế hoạch chiếu phim phục vụ nhân dân khu vực Nông thôn trên địa bàn với 144 buổi và thực hiện liên kết với các tổ chức chiếu phim 3D duy trì ổn định hoạt động chiếu phim tại Rạp đạt tổng doanh thu 63.000.000 đồng.

– Tổ chức tập luyện dàn dựng các vở diễn, chương trình mới và lưu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhân dân các xã miền núi, nông thôn trên địa bàn tỉnh với 297 buổi diễn. Trong đó 156 buổi biểu diễn phục vụ các xã miền núi, 121 buổi diễn phục vụ chính trị, đối ngoại và 20 buổi biểu diễn doanh thu ở các khu công nghiệp. Đặc biệt Đoàn Nghệ thuật Chèo đã hoàn thành xây dựng Đề án nâng cấp Đoàn Nghệ thuật Chèo thành Nhà hát Chèo tỉnh Vĩnh Phúc, tổ chức ghi hình và phát sóng trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) vở diễn “Quả ngọt trái mùa” – Tiết mục tham gia Hội diễn sân khấu Chèo toàn quốc giành huy chương Bạc; Dàn dựng và tổ chức tổng duyệt 02 vở diễn Chèo “Tống Trân Cúc Hoa” và “Bả công danh”, công diễn chương trình biểu diễn hát Ca trù – hát Xẩm – hát Văn – hát Chèo phục vụ các Tour du lịch của tỉnh.

Đoàn nghệ thuật Ca múa Nhạc tham gia Liên hoan Âm nhạc Khu vực phía Bắc, tập luyện nâng cao chương trình biểu diễn nghệ thuật “Lắng đọng hồn quê” tham gia Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 (đợt 2) tại thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk dành 02 HCV, 02 HCB.

  1. 3- Công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”:

– Tiến hành khảo sát hiện trạng đất quy hoạch xây dựng Trung tâm văn hoá thể thao, vui chơi giải trí ở các xã điểm xây dựng Nông thôn mới theo Quyết định số 19 của UBND tỉnh về Chương trình xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2011-2013. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương (đơn vị chủ đầu tư) đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Làng văn hoá trọng điểm của tỉnh. Đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 15 Trung tâm văn hoá thể thao, vui chơi giải trí thuộc các làng LVH trọng điểm của tỉnh.

Năm 2012 ngân sách tỉnh bố trí 10 tỷ đồng, trong đó đầu tư tiếp 1.043 tỷ đồng cho các công trình thuộc 02 làng giai đoạn 2006-2010: Làng Hương Canh, thị trấn Hương Canh và làng Yên Lan, thị trấn Thanh Lãng; Đầu tư mới 8.957 tỷ đồng cho các LVH trọng điểm giai đoạn 2011-2015 đã hoàn thành thủ tục theo quy định của UBND tỉnh: làng Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương; làng Đồng Dong, xã Quang Yên, huyện Sông  Lô; làng Thượng, xã Ngũ Kiên, huyện

Vĩnh Tường; làng Hoàng Trung, xã Đồng Ích; làng Vân Trục, xã Vân Trục và làng Đông Lai, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch. Đến tháng 10/2012 có 3 làng đã đủ thủ tục, hồ sơ đầu tư xây dựng: làng Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường; làng Vĩnh Đông, thị trấn Yên Lạc và làng Thượng, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo.

– Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn quản lý các hoạt động tổ chức Lễ hội đảm bảo an toàn, lành mạnh tạo không khí vui tươi, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực như: cờ bạc, bói toán, xóc thẻ, cá nhân đặt hòm công đức trái quy định, đốt nhiều vàng mã… Một số lễ hội đã phát huy tốt công tác xã hội hoá với sự chủ động tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân, tạo nguồn lực tôn tạo di tích lịch sử – văn hoá và đầu tư mở rộng, nâng cấp về quy mô tổ chức thu hút du khách nước ngoài và khách tham quan trong và ngoài tỉnh tiêu biểu như: Lễ hội đền Ngô Tướng Công, thị xã Phúc Yên, Lễ hội đền Thính, xã Tam Hồng (Yên Lạc), Lễ hội chọi Trâu, xã Hải Lựu (Sông Lô), Lễ hội Tây Thiên, huyện Tam Đảo…

– Ngành đã tham mưu với BCĐ của tỉnh tổ chức Hội nghị bình xét, công nhận các danh hiệu văn hoá và đề nghị UBND tỉnh quyết định công nhận danh hiệu, tặng thưởng từ nguồn kinh phí phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được UBND tỉnh giao năm 2012 cho 50 làng, khu phố văn hoá, 15 đơn vị văn hoá và 141 Gia đình văn hoá xuất sắc.

– Năm 2012 toàn tỉnh hiện có 220.087/252.110 Gia đình văn hoá (đạt 87,5%); 869/1034 Làng, khu phố đạt tiêu chuẩn Làng văn hoá (đạt 66,6%) và 489/609 Đơn vị văn hoá, 126 NVH xã/137 xã phường, thị trấn, 1284 NVH thôn – khu phố/1368 thôn, tổ dân phố, trong đó NVH xã xây mới năm 2012 là 05 và NVH thôn xây mới là 64 trong đó có 3 NVH thôn thuộc xã miền núi và 23 NVH thôn không thuộc các xã miền núi.

– Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Tư pháp đẩy mạnh thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Triển khai nhân rộng các mô hình CLB gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình ở 20 xã điểm xây dựng Nông thôn mới; Tổ chức Hội nghị toạ đàm trao đổi với chuyên đề về Gia đình và công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thi tìm hiểu pháp luật về Luật Bình đẳng giới.

  1. 4- Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực của ngành được chú trọng.

Trường Trung học VHNT chú trọng công tác tuyển sinh, đào tạo các lớp hệ 4 năm Năng khiếu Nhạc – Họa – Múa. Mở rộng quy mô, cơ cấu  ngành nghề và các hình thức đào tạo vừa học vừa làm đối với hệ Cao đẳng ngành Quản lý văn hoá, Thư viện. Thực hiện liên kết với Trường Cao đẳng Nhạc – Hoạ Thái Bình mở lớp Cao đẳng Sư phạm Nhạc – Hoạ chính quy, liên thông với Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương và Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cho sinh viên các lớp Đại học, Cao đẳng sư phạm Âm nhạc và Mỹ thuật với tổng số 148 sinh viên tỷ lệ đỗ 100% tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp tỉnh năm 2012 đạt 01 giải nhất, 02 giải nhì ở các chuyên ngành Âm nhạc và Mỹ thuật tham gia hội thi giáo viên nghề dạy giỏi đạt 01 giải nhì và 01 giải khuyến khích.

Trường Năng khiếu TDTT duy trì ổn định 15 lớp đào tạo năng khiếu TDTT với tổng số 250 học sinh, tăng cường công tác quản lý đối với huấn luyện viên, VĐV các đội tuyển thể thao của tỉnh và chuẩn bị nội dung tập luyện cử 17 VĐV xuất sắc của tỉnh tham gia đội tuyển Quốc gia ở các môn: Wushu, Pencaksilat, Võ Karatedo, Cầu lông, Vật tự do, Vật cổ điển…

2- Lĩnh vực Thể dục –  Thể thao:

Phát động phong trào thi đua hướng tới Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2014, tổ chức giải thi đấu thể thao kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Đoàn TNCSHCM, 66 năm Ngày Thể thao Việt Nam, phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên; Doanh nghiệp trẻ; Liên đoàn Lao động tỉnh và Đảng ủy khối doanh nghiệp; Đảng uỷ khối cơ quan tỉnh tổ chức Hội thao và các giải Kéo co, Cầu lông, Bóng bàn trong CB-CNVC năm 2012 và tổ chức các giải bóng đá Thanh niên công nhân tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ V, Giải quần vợt doanh nghiệp trẻ giải quần vợt đồng đội Cúp các câu lạc bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ II…

Đăng cai tổ chức thành công Vòng chung kết giải Bóng đá Nhi đồng toàn quốc, giải vô địch Pencaksilat Đông Nam Á, giải bóng chuyền Nữ VTV Cúp, giải bóng chuyền Nam Châu Á. Giải vô địch Wushu toàn quốc năm 2012.

Tham gia thi đấu 37 giải thể thao toàn quốc và quốc tế đạt tổng 166 huy chương các loại, trong đó có 40 huy chương vàng, 58 huy chương bạc và 68 huy chương đồng. Đặc biệt năm 2012 tham gia 05 giải quốc tế đạt 02 Huy chương vàng, 01 Huy chương Bạc (Karatedo), 01 Huy chương Bạc (Wushu) và 01 Huy chương đồng (Điền Kinh)

3- Lĩnh vực Du lịch: 

Tham gia hội nghị đánh giá kết quả thực hiện liên kết, hợp tác phát triển Du lịch giữa 3 tỉnh: Tuyên Quang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc theo nội dung ký kết hợp tác phát triển du lịch tại thành phố Thái Nguyên và tổ chức triển lãm quảng bá hình ảnh, ấn phẩm về Văn hóa – Du lịch tại Lễ hội Tây Thiên – Xuân Nhâm Thìn 2012. Phát động và trao Giải thưởng cuộc thi sáng tác biểu trưng và logo Du lịch của tỉnh, nghiên cứu lập dự án phát triển Du lịch – Văn hóa cộng đồng tại xã Đạo Trù và xã Đại Đình huyện Tam Đảo. Xây dựng kế hoạch mở 02 lớp tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên giới thiệu di tích và lễ tân khách sạn – nhà hàng; Xây dựng 04 Tour du lịch trong tỉnh và  kiểm tra thực địa những nơi diễn ra các hoạt động chính phục vụ Tuần Văn hóa – Du lịch Vĩnh Phúc năm 2013.

Toàn tỉnh hiện có 10 đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, trong đó 03 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và 204 cơ sở lưu trú du lịch. Có 40 khách sạn xếp hạng sao, trong đó 01 khách sạn 4 sao; 01 khách sạn 3 sao, 24 khách sạn 2 sao và 14 khách sạn 1 sao với 3.434 phòng nghỉ. Du lịch Vĩnh Phúc ước đón 1.898.897 lượt khách trong đó khách quốc tế 27.097 lượt, khách nội địa 1.871.800 lượt. Tổng doanh thu ước đạt 864,5 tỷ đồng (trong đó du lịch thuần tuý chiếm 45%, tăng 3% so với năm 2011).

* Hoạt động của Phòng Văn hóa & Thông tin các huyện, thành, thị.

– Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cơ sở tổ chức phát động phong trào thi đua, đăng ký các danh hiệu văn hoá năm 2012. Triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền cổ động: Dựng các cụm panô, áp phích, treo băng zôn khẩu hiệu và tổ chức chương trình giao lưu văn hoá – văn nghệ, thi đấu thể thao, phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán, chào mừng kỷ niệm các Ngày lễ lớn; tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ KT-XH của địa phương:

– Công tác tuyển quân, giao quân nhập ngũ; bảo đảm trật tự An toàn giao thông, Vệ sinh An toàn thực phẩm, Tháng hành động phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội Ma tuý – HIV/AIDS; An toàn lao động, phòng chống cháy nổ – tìm kiếm cứu nạn …

– Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở, tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về lĩnh vực quản lý chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ CTV về thể thao, gia đình và cơ sở kinh doanh lĩnh vực Du lịch trên địa bàn. Tổ chức  các lớp tập huấn hát Chèo, hát Văn và hát Chầu văn cho các CLB.

– Phối hợp với Thanh tra Sở, các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các hoạt động dịch vụ văn hoá, các cơ sở kinh doanh Karaoke, Internet, băng, đĩa hình…

– Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức Lễ hội, đón nhận Bằng xếp hạng Di tích LSVH, Bằng công nhận Làng văn hoá của tỉnh thực hiện nghiêm Công điện số 234/CĐ-BVHTTDL ngày 09/2/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về công tác quản lý và tổ chức Lễ hội đảm bảo trang trọng, an toàn và thiết thực mang ý nghĩa giáo dục truyền thống trong các tầng lớp nhân dân.

– Tham mưu với UBND các huyện, thành, thị phê duyệt đề án thành lập Trung tâm văn hoá TT&TT ở các huyện, thị: Yên Lạc, Vĩnh Tường, Sông Lô và thị xã Phúc Yên. Triển khai xây dựng thiết chế văn hoá thể thao, vui chơi giải trí xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố (2011-2013). Đến tháng 10/2012 có 09/9 huyện, thành, thị đã quy hoạch được đất để xây dựng Trung tâm văn hoá xã; Nhà văn hoá thôn, khu phố, trong đó: các huyện Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc quy hoạch Trung tâm văn hoá thể thao, vui chơi giải trí xã theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (xã đồng bằng tối thiểu 1,2ha/xã và 0,25ha/thôn); đối với xã miền núi 1ha/xã và 0,15ha/thôn; thành phố Vĩnh Yên, huyện Tam Dương, huyện Bình Xuyên, quy hoạch Trung tâm Văn hoá thể thao, vui chơi giải trí xã, phường, thị trấn tối thiểu 01ha/xã; từ 300-500m2/thôn, khu phố.

Tổng diện tích đất quy hoạch và mở rộng đề nghị hỗ trợ nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng với cấp xã: 135,8ha; cấp thôn 75,48ha.

Tham mưu củng cố, kiện toàn BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hoá” và tổ chức bình xét, công nhận các danh hiệu văn hoá. Chuẩn bị các nội dung phục vụ hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương V khoá VIII về Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo kế hoạch của BCĐ. Duy trì và phát triển phong trào văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần trong nhân dân.

Tham gia các hoạt động Liên hoan, hội diễn, hội thi do tỉnh tổ chức: Liên hoan nghệ thuật quần chúng kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh – liệt sỹ; Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ II năm 2012; Hội thi văn nghệ – thể thao Gia đình; Hội diễn Công – Nông – Binh tỉnh Vĩnh Phúc; đặc biệt triển khai tổ chức các hoạt động của ngành, phục vụ nhân dân chào đón Năm mới 2013 và phục vụ tổ chức Tuần Văn hoá – Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc năm 2013 theo kế hoạch của UBND tỉnh.

* Đánh giá chung:

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã triển khai đồng bộ các mặt hoạt động về công tác quản lý Nhà nước và phát triển sự nghiệp, năm 2012 ngành có 03 sự kiện nổi bật:

– Tổ chức khởi công xây dựng Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc –  công trình văn hóa trọng điểm của tỉnh.

– Đăng cai tổ chức thành công các giải Thể thao khu vực và Quốc tế: Giải bóng chuyền Nữ quốc tế VTV Eximbank Cup; Giải bóng chuyền Nam ASEAN; Giải vô địch Pencaksilat Đông Nam Á.

– Tu bổ, tôn tạo khu di tích Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên (Đền Thượng, Đền Thỏng) thuộc khu di tích – danh thắng Tây Thiên và chuẩn bị Tuần Văn hoá – Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia các tỉnh đồng bằng Sông Hồng – Hải Phòng 2013.

Và 04 tồn tại, cần tập trung khắc phục:

1- Ngành chưa kịp thời đề xuất cơ chế, chính sách phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng và phát triển kinh tế của tỉnh. Đầu tư phát triển du lịch thiếu, không đồng bộ; Kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, nguồn nhân lực hạn chế cả về số lượng và chất lượng, thiếu tính chuyên nghiệp. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, mối liên hệ và sự gắn kết giữa du lịch Vĩnh Phúc với các địa phương còn lỏng lẻo.

2- Việc chỉ đạo thực hiện Nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, chưa đạt hiệu quả cao. Đặc biệt việc tuyên truyền thực hiện Nếp sống văn minh về việc cưới, việc tang ở một bộ phận cán bộ, đảng viên còn chưa gương mẫu tạo dư luận trong nhân dân. Môi trường sinh thái ở các khu du lịch, đặc biệt là vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn chưa được chú ý giữ gìn trở thành những vấn đề bức xúc.

3- Công tác xã hội hoá về thể dục, thể thao chưa tốt. Tổ chức các phong trào TDTT quần chúng và đưa hoạt động văn hoá vào các khu công nghiệp nhằm nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho công nhân còn hạn chế, đời sống văn hoá của công nhân lao động còn nghèo nàn.

4- Đội ngũ cán bộ của ngành tuy đông nhưng chưa đủ mạnh, còn nhiều bất cập, nhất là đội ngũ cán bộ văn hoá ở cơ sở chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm không ổn định, thường xuyên chuyển đổi. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn chưa theo kịp với xu thế phát triển xã hội.

 

Phần thứ hai

PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2013.

 

Phát huy những kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục những mặt còn  hạn chế nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; Nghị quyết của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 và kế hoạch, chương trình hành động của UBND tỉnh về phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao du lịch và gia đình với những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1- Thực hiện gắn kết đồng bộ trên các lĩnh vực hoạt động của ngành, giữa trọng tâm phát triển kinh tế, xây dựng Đảng với phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là động lực phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Xúc tiến chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo phục vụ tổ chức Tuần văn hoá – Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc (theo kế hoạch của UBND tỉnh) để hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia các tỉnh đồng bằng Sông Hồng – Hải Phòng 2013 và trước mắt tổ chức tốt các hoạt động của ngành phục vụ nhân dân đón Tết nguyên đán Quý Tỵ năm 2013; chào mừng các Ngày lễ lớn và Kỷ niệm 50 năm thực hiện lời Bác căn dặn khi về thăm tỉnh Vĩnh Phúc (02/3/1963-02/3/2013).

2- Chỉ đạo thực hiện các chương trình hành động của UBND tỉnh về phòng, chống bạo lực Gia đình tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012-2015 và Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Gia đình Việt Nam giai đoạn 2012-2020; Đề án phát triển văn hoá nông thôn theo Quyết định số 2892/QĐ-UBND ngày 13/10/2010 của UBND tỉnh về đầu tư xây dựng LVH trọng điểm đến năm 2015; Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các quy hoạch, chương trình Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhất là về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao, vui chơi giải trí xã, phường, thị trấn, thôn, làng, tổ dân phố theo Nghị quyết 08/NQ-HĐND ngày 22/7/2010 của HĐND tỉnh; Nghị quyết số 03/2011/NQ-HĐND ngày 09/4/2011 của HĐND tỉnh gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2020.

3- Chỉ đạo thực hiện Quy hoạch phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển TDTT quần chúng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013-2020. Trước mắt tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về tổ chức Đại hội TDTT các cấp, tiến tới Đại hội Thể dục thao toàn quốc lần thứ VII tại Nam Định năm 2014; đặc biệt chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện để tổ chức tốt Đại hội TDTT các cấp, chuẩn bị lực lượng VĐV tham gia khi Việt Nam đăng cai tổ chức ASIAN GAMES 18 vào năm 2019.

4- Quy hoạch chi tiết một số Cụm, điểm du lịch của tỉnh để xúc tiến lập dự án đầu tư phát triển các trọng điểm du lịch. Phối hợp với Sở Công thương hoàn chỉnh dự thảo quy định của UBND tỉnh về một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

5- Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực từng bước chuẩn hoá về đội ngũ cán bộ và nâng cao hiệu quả các thiết chế, công trình văn hoá đã được tỉnh đầu tư. Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch, dịch vụ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012-2020 theo Kế hoạch 829/KH-UBND ngày 16/3/2012 của UBND tỉnh.

6- Nâng cao chất lượng quy hoạch các công trình văn hoá, thể thao và du lịch gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo nền tảng cơ sở vật chất hiện đại phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình văn hoá trọng điểm của tỉnh: Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc, Trường Cao đẳng VHNT và Du lịch, Khu đào tạo Vận động viên TDTT…

7- Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở với thực hiện chiến lược xây dựng con người mới, nông thôn mới. Tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình xây dựng Nông thôn mới ở 20 xã điểm của tỉnh giai đoạn 2011-2013.

Sở Văn hóa thể thao và du lịch trân trọng báo cáo.

 

Nơi nhận:

– Bộ VHTT&DL;

– UBND tỉnh;

– Các đơn vị trực thuộc Sở;

– Phòng VH&TT huyện, thành, thị;

– Website VHTT&DL;

– CPGĐ;

– Lưu VT.

BC TK ngành 2012

GIÁM ĐỐC

 

 

 

 

 

 

 

 Trần Văn Quang

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *