VĨNH PHÚC TƯNG BỪNG NHỮNG LỄ HỘI ĐẦU NĂM

Một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về là du xuân, dự lễ hội. Đây là dịp để mọi người dâng hương cầu may mắn, lộc tài, bình an cho gia đình, người thân. Trên khắp cả nước có hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ và Vĩnh Phúc cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, có một số lễ hội lớn, đông vui mà chúng ta không thể nào bỏ qua khi đi du xuân tại Vĩnh Phúc.

Lễ hội kéo song Hương Canh

Đây là lễ hội độc đáo diễn ra tại bãi kéo song Cầu Treo thị trấn Hương Canh. Kéo song là một trò chơi cổ truyền, biểu dương tinh thần thượng võ của cư dân nông nghiệp, khi tham gia trò chơi này đòi hỏi người chơi phải có sự đoàn kết mang tính tập thể cao và mưu trí mới có thể giành được thắng lợi. Đó là những màn thi đấu quyết liệt, vui nhộn của 3 làng Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Hường nhằm miêu tả lại việc thao diễn thuỷ quân của vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền. Hội diễn ra từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Giêng, dân làng dựng một cột lim chắc khoẻ có đục lỗ luồn một dây song dài kéo qua. Mỗi làng cử 25 tráng đinh thành lập một đội thi kéo với nhau, đội thắng được thưởng hậu hĩnh bằng gạo, lợn, bò… Ngày 2/12/2015, nghi lễ và trò chơi kéo co (trong đó có trò kéo song Hương Canh) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Lễ hội rước cây Bông

Từ thời vua Hùng dựng nước và giữ nước, người dạy cho nhân dân cấy lúa, trồng bông dệt vải. Để cầu cho lúa tốt, bông mượt, cho mùa màng được bội thu, nhân dân cơm no áo ấm, hàng năm vua Hùng tổ chức là lễ hội “Cầu Mẫu” hay chính là lễ hội rước cây bông đượng tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng ngày nay tại làng Thượng Yên – Đồng Thịnh – Sông Lô

Khi đoàn rước về đến sân đền Thượng, lễ khai hội bắt đầu. Sau thực hiện việc tế thần,  chương trình cướp cây bông bắt đầu.Tiếng chiêng trống gióng lên liên hồi, đoàn người ùa vào chen nhau rút bông, hoặc nếu không thể cướp được bông cũng mong được chạm tay vào thân cây bông. Người có được bông sẽ đem về đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên. Quan niệm dân gian, nếu ai cướp được bông hay chỉ cần chạm được tay vào linh vật thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ.  

 

Lễ hội Đúc bụt

Hàng năm vào ngày mồng 8 tháng Giêng – mùa lễ hội, cũng như bao làng quê khác, nhân dân thôn  Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương lại tổ chức lễ hội đúc Bụt truyền thống tại đình làng. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian ôn lại truyền tích Ngọc Kinh công chúa chiêu tập nghĩa sĩ rèn đúc vũ khí tụ nghĩa dưới ngọn cờ cứu nước của Hai Bà Trưng. Nữ tướng đã ẩn mình là nhà sư tu luyện tại chùa Phù Liễn, dạy dân biết: Sĩ – Nông – Công – Cổ. Song song và phụ trợ cho tích truyện “Đúc Bụt”, trong lễ hội cũng diễn ra các tích trò như làm ruộng, trâu kéo cày, nhổ mạ, tát nước, phát bờ, cuốc góc, câu ếch, giảng bài, bổ củi, quạt lò kéo bễ, nấu đồng trong một chiếc nồi đất to…; các cuộc thi đấu thể thao cờ tướng, bóng chuyền, chọi gà… nhằm rèn trí, nâng cao thể lực, sức khỏe, tạo thêm sự vui vẻ phấn chấn trong lao động, sản xuất, tất cả đã tạo nên phẩm chất đẹp của người Việt và trở thành bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam. Lễ hội còn là tục hèm của lễ cầu Đinh của người Việt.

 

Lễ hội đền Bắc Cung

Lễ hội đền Bắc Cung hay còn gọi là lễ hội đền Thính được tổ chức từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm, tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Lễ hội nhằm tưởng nhớ Đức Thánh Tản Viên, người anh hùng có công khai điền trị thuỷ từ thuở Vua Hùng dựng nước. Lễ hội gồm hai phần: Phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, sau khi người dân Tam Hồng rước kiệu thì chủ tế thay mặt người dân trong làng dâng hương, nước, rượu, lễ vật và đọc văn tế xin Đức Thánh cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm. Phần hội được tổ chức với rất nhiều hoạt động phong phú với các trò chơi dân gian: chọi gà, đấu vật, đánh cờ người…các cuộc thi múa hát dân ca, dân vũ của các làng. Lễ hội đền Bắc Cung không chỉ là hình thức sinh hoạt văn hóa, tinh thần nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quốc gia, mà còn là điểm thăm quan, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

 

Lễ hội đền Ngô Tướng Công

Tên tuổi, con người và sự nghiệp của Ngô Tướng Công được lưu danh vào lịch sử dân tộc và khắc ghi trong lòng của những người dân quê hương phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên. Nhân dân nơi đây đã công đức, lập đền thờ và suy tôn ông là Đức Thánh Tổ. Hằng năm, từ ngày 9 – 11 tháng Giêng đều tổ chức lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương đến thắp hương, tưởng nhớ công đức Ngô Tướng Công.

Lễ hội có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm: lễ khai mạc, lễ tế, lễ rước bài vị Ngô Tướng Công từ lăng Phát Tích về đền, lễ dâng lễ vật của các làng xung quanh về đền… và phần hội gồm các hoạt động văn nghệ, thi thể thao và trò chơi dân gian như chơi cờ, thi chọi gà, đấu vật… thu hút sự tham gia và cổ vũ đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Lễ hội chọi Trâu

Hội chọi trâu được tổ chức ở xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, được xem là một cổ tục độc đáo, đặc sắc. Hàng năm, cứ sau ngày rằm tháng Giêng, lễ hội chọi trâu được mở theo truyền thống. Trước đây, hội chỉ diễn ra trong ngày 17 tháng Giêng âm lịch, càng ngày hội càng thu hút đông người tham gia nên ban tổ chức đã kéo dài ngày hội làm 2 ngày: 16 và 17 tháng Giêng. Lễ hội chứa đựng những nét văn hóa dân gian đặc sắc, thể hiện tinh thần thượng võ, góp phần giáo dục tình yêu quê hương của người Việt. Đây là hội trọi châu cổ nhất Việt Nam.

Lễ hội Tây Thiên

Lễ hội Tây Thiên diễn ra vào 3 tháng mùa Xuân, chính hội là ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm, được tổ chức tại Khu Di tích Danh thắng Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, là lễ hội lớn nhất của Vĩnh Phúc. Lễ hội có hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có lễ cáo, lễ rước và lễ dâng hương. Phần hội là các trò chơi dân gian, trò diễn của các cư dân bản địa, các làn điệu dân ca của hai dân tộc Kinh và Sán Dìu đang sinh sống tại vùng đất Tam Đảo. Lễ hội Tây Thiên là một phần quan trọng của đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân, nhằm tưởng nhớ công ơn và tỏ lòng thành kính đối với Quốc Mẫu Tây Thiên. Qua đó thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta, thu hút đông đảo du khách tới hành lễ, vãn cảnh.

Hồng Quân

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *