VĨNH PHÚC TĂNG CƯỜNG QUẢNG BÁ DU LỊCH QUA MẠNG XÃ HỘI

Dịch vụ mạng xã hội, hay mạng xã hội (Tiếng Anh: social networking service) là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Những người tham gia vào dịch vụ mạng xã hội còn được gọi là cư dân mạng. Dịch vụ mạng xã hội có những tính năng như chat, email, phim ảnh, voice chat, chia sẻ file, blog và xã luận. Mạng xã hội đổi mới hoàn toàn cách cư dân mạng liên kết với nhau và trở thành một phần tất yếu hàng ngày cho hàng trăm triệu thành viên khắp thế giới. Các dịch vụ này có nhiều phương cách để các thành viên tìm kiếm bạn bè, đối tác: dựa theo group (ví dụ như tên trường hoặc tên thành phố), dựa trên thông tin cá nhân (như địa chỉ e-mail), hoặc dựa trên sở thích cá nhân (như thể thao, phim ảnh, sách báo, ca nhạc…), lĩnh vực quan tâm: kinh doanh, mua bán… Hiện nay thế giới có hàng trăm mạng xã hội khác nhau với Face, WhatsApp, Instagram, Twitter nổi tiếng ở thị trường Bắc Mỹ và Tây Âu sau đó lan ra toàn cầu; Orkut và Hi5 tại Nam Mỹ; Friendster tại châu Á và các đảo quốc Thái Bình Dương. Một số mạng xã hội khác gặt hái được thành công ở thị trường riêng tại các quốc gia như mạng QQ, Sina Weibo tại Trung Quốc, Bebo tại Anh Quốc, CyWorld tại Hàn Quốc, Mixi tại Nhật Bản và tại Việt Nam cũng có nhiều mạng xã hội như: Zing Me, Yu Me, Tamtay…

Mạng xã hội đang tạo sức ép mạnh mẽ lên các kênh quảng cáo truyền thống như báo in và truyền hình, đó là xu thế khó có thể phủ nhận. Và trong khi nhiều nước đã và đang tận dụng mạng xã hội để quảng bá du lịch, thu lại hiệu quả thì chúng ta mới bắt đầu tận dụng mảnh đất màu mỡ này để tiến hành các hoạt động xúc tiến du lịch. Nhiều người dùng ở Việt Nam đã sử dụng mạng xã hội là một kênh thu thập thông tin tiện ích trước khi bắt đầu 1 chuyến du lịch. Hình ảnh các điểm du lịch thông qua mạng xã hội có sức lan tỏa chóng mặt. Mạng xã hội giúp người làm du lịch tương tác với khách hàng, thu thập những phản hồi qua like, comment… Đây là một cách làm tương đối tiết kiệm và hiệu quả so với các kênh khác như báo chí và truyền hình.

Nhiều quốc gia ở Đông Nam Á như Thái Lan, Philippin, Singapore đã tận dụng tốt mạng xã hội để mở những kênh thông tin chính thức quảng bá du lịch. Tổng cục Du lịch Singapore (STB) tạo tài khoản facebook từ năm 2008, coi đó như một giải pháp giới thiệu và quảng bá du lịch Singapore đến du khách, cho phép STB tiếp cận và tương tác với người hâm mộ thương hiệu YourSingapore trên mạng xã hội. Hiện nay, tài khoản facebook YourSingapore trở nên phổ biến tại 13 thị trường khác nhau gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ…; thông tin của STB được hơn 2 triệu người trên toàn cầu thường xuyên quan tâm và số lượng khách đến với quốc đảo này ngày càng đông.

Trang fanpage YourSingapore thu hút hơn 2 triệu cư dân mạng

Quả thực, việc ứng dụng mạng xã hội trong công tác quảng bá hình ảnh du lịch là điều tích cực trong việc thay đổi cách thức xúc tiến du lịch. Và e-marketing (tiếp thị trực tuyến) hay e-commerce (thương mại điện tử) đang là hướng đi của ngành du lịch trong việc tận dụng lợi thế công nghệ số để thu hút du khách, mở rộng thị trường, tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận. Trong điều kiện nguồn chi cho công tác xúc tiến du lịch ở nước ta còn hạn chế thì vấn đề này càng trở nên cấp thiết. Theo nội dung của chiến lược tiếp thị du lịch Việt Nam đến năm 2020 mà Bộ VH,TT&DL phê duyệt ngày 20-10-2014, hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ được quảng bá rộng rãi trên internet, mạng xã hội thay vì chỉ sử dụng các phương thức truyền thống như tham dự hội chợ du lịch quốc tế, quảng bá lưu động… Chiến lược này được kỳ vọng thu hút 10 triệu lượt khách quốc tế, 48 triệu lượt khách nội địa vào năm 2020. 

Ở Việt Nam đã có TT TTXTDL Lào Cai thực hiện khá thành công việc quảng bá hình ảnh du lịch địa phương trên trang mạng xã hội Facebook:https://www.fb.com/TrungTamThongTinXucTienDuLichLaoCai. TT TTXTDL Đồng Tháp và Bình Dương cũng mạnh dạn sử dụng mạng xã hội Google+ để tuyên truyền các thông tin hoạt động văn hóa du lịch. Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch một số tỉnh cũng đã lập trang fanpage như Đắc Lắk, Thái Bình, Hưng Yên…

Việc nghiên cứu, ứng dụng mạng xã hội vào quáng bá du lịch Vĩnh Phúc là điều cần thiết. Nắm bắt được xu thế, từ năm 2015 Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Vĩnh Phúc đã lập fanpage: www.facebook.com/xtdlvp (Du Lịch Vĩnh Phúc). Trang Du Lịch Vĩnh Phúc thường xuyên được đăng tải bài viết, ảnh, video, sản phẩm du lịch… từ đó tạo nên nhu cầu về sử dụng sản phẩm du lịch của Vĩnh Phúc. Việc cho khách hàng tự đánh giá ưu và nhược điểm của điểm đến, trao đổi kinh nghiệm trải nhiệm thực tế tại điểm đến … từ đó tạo được niềm tin của khách hàng đối với du lịch Vĩnh Phúc. Sau hơn 1 năm hoạt động tài khoản đã nhận được sự quan tâm, phản hồi tích cực của độc giả. Các facebooker đã tạo nên 1 diễn đàn sôi động đáng tin cậy của cộng đồng người dùng mạng xã hội. Các quản trị viên (administrator) của Trung tâm thường xuyên trả lời những bình luận, thắc mắc của độc giả. Hiện đã có 1.174 lượt thích trang.

Trang fanpage Du Lịch Vĩnh Phúc

Bên cạnh mạng xã hội Facebook, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Vĩnh Phúc cũng đã lập tài khoản youtube qua email xtdlvp@gmail.com. Nhưng để công tác quảng bá du lịch qua mạng xã hội thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa, cần chú trọng nâng cao trải nghiệm của du khách bằng nhiều hình thức quảng bá khác nhau nhằm tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận được sự hứng thú của khách. Thời gian tới, Trung tâm cần thiết lập đội ngũ chuyên trách việc xây dựng và phát triển các kênh quảng bá du lịch qua mang xã hội, liên tục cập nhật những video về du lịch Vĩnh Phúc để mở rộng kênh youtube, nghiên cứu phát triển kênh quảng bá trên mạng instagram, google+. Trung tâm cũng nghiên cứu xem xét tổ chức những cuộc thi ảnh, poster, bài viết, video, câu chuyện về du lịch Vĩnh Phúc trên mạng xã hội để huy động dữ liệu phục vụ quảng bá du lịch, tạo hiệu ứng truyền thông tốt góp phần lan tỏa thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc trên internet. Vĩnh Phúc cũng nên tìm hiểu và áp dụng cách làm của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng khi sử dụng diễn đàn mạng xã hội để xúc tiến quảng bá du lịch mang lại hiệu quả cao đó là mời những người nổi tiếng trên các diễn đàn trải nghiệm dịch vụ tại địa phương. Họ được tự do trải nghiệm, viết theo cảm nhận của cá nhân và tư vấn dịch vụ, điểm đến trên diễn đàn du lịch. Thông tin này sẽ lan truyền trên cộng đồng mạng xã hội và rất thiết thực với những đối tượng du lịch tự do.

Những video về du lịch Vĩnh Phúc được nhiều người tiếp cận

Tuy đã có được những thành quả ban đầu trong hoạt động quảng bá trên mạng xã hội xong Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Vĩnh Phúc cũng gặp những khó khăn cần được giải quyết. Ngoài nguyên nhân thiếu ngân sách, thiếu chiến lược lâu dài thì vấn đề nhân lực là then chốt. Trách nhiệm của các quản trị viên của các website, fanpage trở lên nặng nề. Trung tâm cần xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch Vĩnh Phúc qua internet và mạng xã hội theo từng năm. Các quản trị viên của Trung tâm thường tự tìm tòi học hỏi, không được đào tạo chuyên sâu, cần được tham gia các lớp tập huấn e-marketing để nâng cao chuyên môn, khả năng sáng tạo và tâm huyết với công việc. Tiếp đó, cần xây dựng được một nội dung quảng bá hấp dẫn, hướng tới những thông tin (tàu xe di chuyển, cơ sở lưu trú, các địa điểm tham quan…) mà du khách muốn xem, muốn đến, muốn trải nghiệm. Cuối cùng, cũng cần tuân thủ nguyên tắc về sự liên kết và theo dõi khách hàng để đảm bảo đưa họ vào một quy trình, từ thu hút khách, tiếp đón khách, giữ khách, nâng cao nhận thức của khách về thương hiệu, đến thu nhận và phân tích phản hồi của khách.

Cũng giống như hầu hết các địa phương trên cả nước, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Vĩnh Phúc được triển khai một cách tương đối độc lập giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Các doanh nghiệp hiện nay vẫn mạnh ai nấy làm. Hiện ở Vĩnh Phúc chỉ có một số doanh nghiệp du lịch tên tuổi mới tỏ ra năng động và ứng dụng tương đối hiệu quả các tiện ích của internet trong việc xúc tiến, kinh doanh du lịch. Còn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn lúng túng, thực hiện manh mún, thiếu chiến lược. Điều này thường dẫn tới sự thiếu thống nhất về thương hiệu quốc gia, địa phương và định hướng sản phẩm, dịch vụ du lịch…do đó không đạt được hiệu quả tốt. Việc thiết lập và vận hành mô hình hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có thể khắc phục được các yếu kém trên, đặc biệt trong hoạt động ứng dụng e-marketing để xúc tiến quảng bá du lịch. Hợp tác công – tư có thể quy tụ được cả nguồn lực về tài chính cũng như nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục là đầu mối hợp tác cùng quảng bá đưa du lịch tỉnh nhà phát triển.

Mạng xã hội tuy có rất nhiều ưu việt nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế bởi đây là một hình thức giao tiếp mở. Việc phát triển mở rộng cũng cần đi kèm với công tác quản lý chặt chẽ. Hy vọng khi ứng dụng mạng xã hội như công cụ giao tiếp, truyền thông mới sẽ giúp Vĩnh Phúc cải thiện hiệu quả hay ít nhất cũng sẽ tạo cho mình “lực hấp dẫn” riêng, thể hiện dấu ấn du lịch Vĩnh Phúc trong không gian số. 

Nguyễn Dũng

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *