VĨNH PHÚC PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC TRƯNG

Ngày 18/12/2019, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức khảo sát và tọa đàm Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng Vĩnh Phúc năm 2019. Tọa đàm có sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp lữ hành và hiệp hội du lịch các tỉnh.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc, ông Dương Quang Ứng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho rằng, tọa đàm nhằm đánh giá, khai thác hợp lý tiềm năng, sản phẩm du lịch đặc trưng Vĩnh Phúc, thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh cũng như của khu vực. Đồng thời, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng Vĩnh Phúc trong thời gian tới, xác định hướng đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn trong vùng và khu vực.

Đồng chí Dương Quang Ứng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch phát biểu 

Nói về thực trạng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Vĩnh Phúc, bà Đàm Thị Hằng – Giám đốc Trung tâm XTDL Vĩnh Phúc nhận định: “Dù có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng song du lịch tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả, còn bộc lộ nhiều hạn chế. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng chưa cao, chưa khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch đặc thù, dịch vụ phụ trợ còn hạn chế nên chưa hấp dẫn du khách, đội ngũ lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch còn thiếu chuyên nghiệp, chưa có quà lưu niệm riêng biệt, công tác quảng bá xúc tiến còn nhiều hạn chế, công tác xúc tiến chưa được đầu tư bài bản”

Đồng chí Đàm Thị Hằng – Giám đốc Trung tâm XTDL khái quát thực trạng phát triển du lịch đặc trưng Vĩnh Phúc

Trong thời gian qua, nhờ đẩy mạnh phát triển du lịch nên hình ảnh, sản phẩm du lịch Vĩnh Phúc đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 410 cơ sở lưu trú du lịch với 7.500 buồng, có 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao; 1 khách sạn 4 sao; 4 khách sạn 3 sao; 45 khách sạn 2 sao; 23 khách sạn 1 sao và các sơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn. Năm 2019, khách du lịch ước đạt 6.100.000 lượt khách, tăng 17% so với năm 2018. Doanh thu ước đạt 1.910 tỷ đồng tăng 14% so với năm 2018. Trong chiến lược phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn vui chơi giải trí, du lịch thể thao golf cùng với du lịch dịch vụ phục vụ hội thảo, kết hợp tham quan, học tập kinh nghiệm được xác định là trụ cột chính tạo động lực cho sự phát triển du lịch bền vững của tỉnh.

Tại tọa đàm, PGS.TS. Phạm Hồng Long – Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho biết: Du lịch Vĩnh Phúc hiện đang có những tín hiệu đáng mừng, bởi cơ sở hạ tầng, kỹ thuật nơi đây đã được cải thiện rất nhiều, lượng khách du lịch cũng đang tăng nhanh theo từng năm. Tuy nhiên, ở góc độ là nhà nghiên cứu, lại có điều kiện khảo sát thực tế, ông Long cho rằng để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tỉnh cần chú trọng đến các thành phần du lịch gồm: Ẩm thực, lưu trú, đi lại, vui chơi giải trí, các sản phẩm mua sắm. PGS.TS. Phạm Hồng Long thẳng thắn góp ý, bản thân chúng ta cũng nhận thức được du lịch Vĩnh Phúc đang rất yếu về các sản phẩm lưu niệm cho khách du lịch. Vì vậy, tỉnh cần bắt tay xây dựng các sản phẩm mua sắm và vui chơi giải trí, các sản phẩm kinh tế như chợ đêm, phố đi bộ ban đêm, các dịch vụ giải trí về ban đêm, kể cả karaoke, thậm trí là các quán bar cho thị trường khách trẻ…

PGS.TS. Phạm Hồng Long – Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội tham gia góp ý 

Các đại biểu cũng cho rằng, du lịch Vĩnh Phúc hiện còn bộc lộ nhiều hạn chế, cụ thể: Sản phẩm du lịch đơn điệu, chất lượng chưa cao, chưa khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch đặc thù, các dịch vụ bổ sung còn thiếu và yếu nên chưa tạo sức hấp dẫn cho du khách. Theo Giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt, tỉnh tập trung phát triển các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch thể thao là hợp lý. Tuy nhiên, “nếu thiếu du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) tỉnh sẽ không khai thác hết tiềm năng của mình. Nếu chú trọng du lịch MICE tỉnh sẽ có được lượng khách suốt cả tuần.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Vntours Hoàng Mạnh Tưởng góp ý kiến, việc xây dựng tour phục vụ khách đoàn đến Vĩnh Phúc rất thuận lợi, du khách có thể kết hợp công việc với tham quan mua sắm sản phẩm làng nghề địa phương. Mặc dù làng nghề truyền thống tại đây đã tạo ra rất nhiều loại sản phẩm thủ công độc đáo như: mây tre đan Triệu Đề (huyện Lập Thạch), gốm Hương Canh (thị trấn Bình Xuyên), mật ong, ba kích (Tam Đảo)… nhưng vẫn chưa có chỗ đứng tại các điểm du lịch. Vì thế, Vĩnh Phúc cần đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; quy hoạch các làng nghề  truyền thống gắn với hoạt động du lịch, đầu tư xây dựng các khu mua sắm đồ lưu niệm và sản vật địa phương, gắn với việc xây dựng sản phẩm OCOP với phát triển du lịch, sao cho “biến giá trị cốt lõi thành giá trị gia tăng thông qua dịch vụ”, như khẳng định của PGS.TS. Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn hóa – Du lịch, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội.

Bà Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, TCDL phát biểu tại buổi tọa đàm

Bà Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, TCDL cho rằng: “Ngoài việc xây dựng các sản phẩm đặc trưng, khai thác thế mạnh các loại hình du lịch, văn hóa, ẩm thực truyền thống, vấn đề môi trường ở Vĩnh Phúc, nhất là Tam Đảo cũng được các doanh nghiệp lữ hành đặc biệt quan tâm. Nếu không kiểm soát tốt sẽ khó thu hút được khách du lịch. Các tiêu chuẩn về môi trường hiện nay chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tam Đảo là Tam Đảo. Vĩnh Phúc cần xác định xây dựng nét riêng biệt và độc đáo cho nơi này chứ không ăn theo danh tiếng một nơi nào khác. Không cần phải giống Sa Pa, Bà Nà hay Đà Lạt”.

Kết thúc buổi tọa đàm, đồng chí Dương Quang Ứng thay mặt Sở VHTTDL cảm ơn tất cả ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đó là kinh nghiệm quý báu cho du lịch Vĩnh Phúc mở những nút thắt khó khăn để đẩy mạnh hoạt động du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng Vĩnh Phúc trong thời gian tới. Góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Một số hình ảnh trong chuyến khảo sát du lịch Vĩnh Phúc:

Hồng Quân

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *