Vĩnh Phúc “Vùng đất địa linh nhân kiệt”

Được xem là một điểm đến thu hút với loại hình du lịch tâm linh. Là nơi tọa lạc của hàng chục di tích lịch sử và công trình văn hóa gắn liền với đời sống tín ngưỡng của người dân, Vĩnh Phúc đã, đang và ngày càng chứng tỏ được vị thế của mình trong việc phát triển ngành công nghiệp không khói này.

Vì sao Vĩnh Phúc “nở rộ” du lịch tâm linh?
Về địa lý tự nhiên, Vĩnh Phúc – một vùng đất của xứ Đoài xưa có phía Đông Bắc và phía Bắc giáp hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, còn phía Nam, phía Đông thì giáp Thành phố Hà Nội. Địa hình núi sông đan xen và tương hỗ tạo nên vùng khí hậu thiên nhiên, cảnh quan và môi trường sống khá đa dạng và phong phú. Đây cũng là những yếu tố cốt lõi đầu tiên để hình thành nên cốt cách văn hoá riêng của con người và di sản văn hoá Vĩnh Phúc.
Khi kinh tế ngày càng phát triển, xã hội hướng đến sự văn minh, đời sống tinh thần cũng được chú trọng. Từ đó, các loại hình du lịch bắt đầu “nở rộ” khi nhu cầu của người dân tăng cao. Đối với người Việt – một dân tộc quan tâm đời sống văn hóa và chú trọng đến tín ngưỡng cũng không ngoại lệ; và hơn hết, đây lại là hai yếu tố cốt lõi cấu tạo nên du lịch tâm linh.
Đặc biệt hơn, Vĩnh Phúc là tỉnh có gần 500 di tích lịch sử và công trình văn hóa, trong đó có 67 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đậm giá trị tâm linh như: Danh thắng Tây Thiên, tháp Bình Sơn, đền thờ Trần Nguyên Hãn, chùa Hà Tiên, Đình Thổ Tang… Các di tích này thu hút rất đông khách du lịch đến hành hương và chiêm bái.
Khu di tích danh thắng Tây Thiên
Trong số các địa điểm nổi bật ở Vĩnh Phúc, không thể không kể đến khu danh thắng Tây Thiên nức tiếng gần xa. Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 60 km về phía Tây Bắc, khu danh thắng Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo là một quần thể văn hóa du lịch tổng hợp đã được Thủ tướng Chính phủ Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.
Tại đây có ngôi đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu cùng nhiều ngôi chùa cổ như Phong Châu, Thiên Ân, đền Thượng… Từ khi được xếp hạng là di tích danh thắng quốc gia năm 1991, khu danh thắng đã được trùng tu, tôn tạo nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho du khách về tham quan, chiêm bái. Hàng năm cứ vào 15 tháng 2 Âm lịch (tương truyền ngày quốc mẫu hóa về trời), nơi đây lại diễn ra lễ hội quy mô, thu hút hàng vạn lượt du khách về lễ Mẫu du xuân đầu năm.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên

Một điểm đến cực kỳ ấn tượng tại đây là Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên – một trong ba thiền viện lớn nhất cả nước được khai sáng nhằm khôi phục dòng Thiền Trúc Lâm Yên tử vào thời Trần – với hệ thống các công trình gồm Tam Quan, ngôi Chánh Điện, nhà Tổ, thất của Hòa thượng viện chủ, nhà khách ni, trai đường, nhà trưng bày… mang đậm dấu ấn đương đại và hơi thở lịch sử.
Tháp Bình Sơn

Tháp Bình Sơn- Vĩnh Phúc

Cũng như khu danh thắng Tây Thiên, Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn ở Vĩnh Phúc cũng được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2016. Tháp Bình Sơn – còn được gọi bằng danh xưng nền nã “Hòn ngọc báu của kho tàng dân tộc” – thuộc thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, là một kiến trúc Phật giáo mang dấu ấn của một giai đoạn khá dài (khoảng từ thế kỷ XIV tới XVI), và bao gồm: Tháp Bình Sơn, tòa Tam bảo cũ, Tam bảo mới, giếng mực, nhà khách, hồ sen, cổng và các công trình phụ trợ.
Tháp Bình Sơn có nhiều nét độc đáo về kiến trúc nghệ thuật, mỹ thuật, kỹ thuật xây dựng, thậm chí theo đánh giá của người Pháp thì nơi đây là cây tháp đẹp nhất xứ Bắc Kỳ.
Hiện nay, Lễ hội tại Khu di tích Tháp Bình Sơn được địa phương tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, gọi là “Lễ hội chùa tháp” với nhiều nghi thức và các trò chơi dân gian cũng thu hút hàng nghìn lượt khách viếng thăm.

Đình Thổ Tang

Đình Thổ Tang thuộc xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường là một trong những ngôi đình cổ nhất ở Vĩnh Phúc, đạt đến đỉnh cao về mỹ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian và là di tích được xếp hạng Quốc gia sớm nhất của tỉnh. Đình được xây dựng từ thế kỷ XVII, là nơi thờ cúng Lân Hổ Hầu đô thống Đại Vương – một vị tướng có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh tan giặc Nguyên Mông xâm lược.
Đình hiện còn lưu giữ 21 bức chạm khắc gỗ hết sức tinh tế, được thể hiện trên các thành phần kiến trúc: Thân kẻ, thân bẩy, thân rường, nội dung phong phú, khái quát về chu trình lao động – làm ăn – hưởng thụ của cư dân nông nghiệp, của nhân dân ta thời Lê Trung Hưng. Bên cạnh đó, lễ hội Đình Thổ Tang được tổ chức vào mùa xuân từ ngày 10 đến ngày 15 tháng giêng hàng năm, là một trong những lễ hội có truyền thống lâu đời, nhắc nhở thế hệ sau biết sống có đạo nghĩa, biết nhớ ơn đến công đức của vị tướng tài có công bảo vệ đất nước.
Cụm đình Tam Canh
Cụm đình Tam Canh bao gồm ba đình: Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh. Đây đều là những ngôi đình cổ, với kiến trúc chữ Vương độc đáo, có giá trị lịch sử, văn hóa.
Nghệ thuật chạm khắc độc đáo với nhiều đề tài phong phú. Đây cũng là tên của 3 làng thuộc thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên. Mỗi làng có một ngôi đình, song đều thờ 5 nhân vật lịch sử được phong “Thần” là Ngô Xương Ngập (con trưởng của Ngô Quyền), Ngô Xương Văn (con thứ của Ngô Quyền), Đỗ Cảnh Thạc (một tướng của Ngô Quyền), bà mẹ của Ngô Xương Văn là Linh Quang Thái Hậu và một ả Nữ nương được phong là Thị Tàng công chúa.
Nếu những nét chạm trổ trên những bức cốn và ván gió cũng là hình ảnh thu nhỏ của ngày hội làng ở đình Hương Canh được xem tuyệt tác; nghệ thuật chạm trổ thiên về đặc tả những người lao động, những thú vui hàng ngày trong nông thôn ở đình Ngọc Canh được xem là mang đậm giá trị tư tưởng sâu sắc; thì đình Tiên Canh lại tập trung khắc họa cảnh thiên nhiên và vật thờ như hoa sen, rùa, phượng, kình nghê…,đặc biệt với trang trí ở cửa võng và án gian đình được xem là những kiệt tác độc đáo về điêu khắc gỗ dân gian thời Lê Trung Hưng

.

Đình Tiên Hường

Để du lịch tâm linh Vĩnh Phúc xứng tầm vị thế
Năm 2019, hoạt động du lịch trên địa bàn Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển. Toàn tỉnh đón 5,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 40.200 lượt khách quốc tế, tăng 20%; tổng doanh thu du lịch đạt 1.670 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2018. Đặc biệt, theo thống kê sơ bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, lượng khách du lịch đến Vĩnh Phúc đạt trên 80.000 lượt, tiếp tục tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018, riêng khách quốc tế đạt 17.000 lượt.
Đối với loại hình du lịch tâm linh, để có thể phát triển đúng với vị thế của nơi đây, các cơ quan ban ngành của tỉnh cũng cần triển khai nhiều hoạt động để cải thiện cơ sở vật chất, đầu tư, tôn tạo các di tích nhằm thu hút khách du lịch.
Ngoài ra, việc quảng bá tiềm năng du lịch Vĩnh Phúc đến du khách cũng là một phương án không thể bỏ qua. Đặc biệt cần chú trọng đến việc phát triển loại hình du lịch nghệ thuật dân gian, các lễ hội truyền thống tại các khu du lịch, đền, chùa, cũng như tiếp tục đầu tư, phát huy giá trị văn hóa – tín ngưỡng và bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể gắn với điểm du lịch tâm linh.
Chẳng phải vô cớ mà người ta gọi Vĩnh Phúc là vùng đất “Đến với Phật, về với Mẫu”, những điểm du lịch tâm linh ngày càng thu hút nhiều du khách bởi văn hóa và lịch sử vốn có. Việc phát triển loại hình du lịch này không chỉ là một bước tiến trong phát triển kinh tế, mà còn là một phương thức để quảng bá cũng như giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của địa bàn.

PHÙNG CÚC

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *