Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và quét mã QR có sẵn được gắn lên các văn bia hoặc được bố trí ở các khu vực tại Văn miếu tỉnh, bất cứ ai khi đến cũng có thể tra cứu được rất nhiều thông tin hữu ích, giới thiệu về sự hình thành, ra đời, tổng quan các khu vực và hiện vật chi tiết có tại Văn miếu tỉnh.
Là người đã đi du lịch nhiều nơi trên cả nước, anh Nguyễn Hồng Quang – thành phố Vĩnh Yên khi đến Văn miếu tỉnh không khỏi ngạc nhiên với sự tiện ích tại đây. Anh khá thích thú với việc tự tìm hiểu các thông tin được giới thiệu qua hệ thống thuyết minh tự động. Anh cho biết: “Đến những địa điểm văn hóa như thế này cần sự yên tĩnh nên tôi thường đi một mình hoặc nhóm ít người, để được tự do, thoải mái thời gian khám phá, song nhiều khi cũng không thể hiểu hết được các thông tin. Tuy vậy, việc cần riêng một thuyết minh viên hỗ trợ cho một hoặc một vài người cũng khá bất tiện. Khi có hệ thống thuyết minh tự động như thế này tôi có thể chủ động tìm hiểu được đầy đủ các thông tin, rất nhanh chóng và thuận tiện. Ngoài ra, các thông tin về văn miếu và các địa điểm du lịch của tỉnh cũng được tích hợp trên ứng dụng do đó tôi dễ dàng giới thiệu cho bạn bè của mình khi họ cần tìm hiểu”.
Mới đây, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, đơn vị quản lý thiết chế Văn miếu tỉnh đã phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ, quản lý phần mềm ứng dụng du lịch thông minh “63S Travel” – một ứng dụng về du lịch đang được triển khai trên cả nước, tích hợp các nội dung thuyết minh giới thiệu kết hợp nhiều hình ảnh ấn tượng của Văn miếu tỉnh ở các góc độ khác nhau lên nền tảng ứng dụng. Vì thế, công chúng ở mọi lúc mọi nơi có thể tự tìm hiểu và khám phá.
Ứng dụng “63S Travel” cho phép tạo lập ra các mã QR tương ứng. Du khách khi đến tham quan trực tiếp chỉ cần quét các mã QR được bố trí tại các khu vực hoặc gắn trên các văn bia là có thể nghe thuyết minh tự động về không gian kiến trúc của Văn miếu Vĩnh Phúc như đại thành môn, lầu chuông, gác trống, nhà tả vu, hữu vu, sân hành lễ, nội tự, hậu cung và thân thế sự nghiệp của các vị tiến sĩ khắc trên 18 bia đá.
Nội dung thuyết minh được giới thiệu bằng 5 ngôn ngữ: Tiếng Việt, Tiếng Trung, Tiếng Anh, Tiếng Hàn và Tiếng Nhật, kèm theo hình ảnh minh họa trực quan sinh động về Văn miếu, để du khách và công chúng trong và ngoài nước dễ dàng lựa chọn tiếp cận và hình dung, nhất là đối với nhóm khách lẻ.
Đã có nhiều năm công tác ở phòng thuyết minh của Bảo tàng tỉnh, chị TrầnThị Minh Phương cho biết; “Từ khi có các mã QR và hệ thống thuyết minh tự động này, công việc của tôi có nhiều thuận lợi. Giờ đây tôi chủ yếu chỉ phải thuyết minh cho khách đoàn, còn đối với khách lẻ, tôi chỉ cần hướng dẫn vài thao tác là khách có thể tự khám phá, còn lại thời gian tôi dành để tìm hiểu sâu hơn các kiến thức chuyên môn phục vụ cho công việc thuyết minh. Đặc biệt là đối với khách nước ngoài, thì việc hướng dẫn lại càng trở nên càng thuận tiện khi đã có hệ thống thuyết minh đa ngôn ngữ”.
Ông Lê Hải, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Với mong muốn đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các công trình văn hóa của Vĩnh Phúc, đặc biệt là Văn miếu tỉnh, sau khi tìm hiểu thực tế ở một số địa phương, Ban Giám đốc đã quyết định thực hiện áp dụng công nghệ số để du khách và nhân dân dễ dàng tiếp cận các thông tin, qua đó việc quảng bá truyền thống văn hiến, khoa bảng của tỉnh được lan tỏa mạnh mẽ. Thực tế làm việc tại Văn miếu tỉnh cho thấy, các đoàn khách quốc tế khi đến tham quan tại, họ có xu hướng tìm hiểu về văn hóa từ đó đã thúc đẩy chúng tôi xây dựng hệ thống thuyết minh đa ngôn ngữ”.
Là tỉnh có truyền thống khoa bảng từ lâu đời và có hệ thống di tích văn hóa, lịch sử có nhiều giá trị. Ngành Văn hóa Vĩnh Phúc xác định việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các công trình, di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần đưa di tích được lan tỏa nhiều hơn tới người dân và du khách. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ cho ra mắt ứng dụng số hóa hệ thống bảo vật, cổ vật, phục vụ công tác lưu trữ, bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị của di sản.
Hồng Quân