Vài nét về tổ chức hội đồng quốc tế các bảo tàng (Icom) và ngày quốc tế bảo tàng 18/5

Hội đồng Quốc tế các bảo tàng (International council of museum) được viết tắt là Icom thành lập tháng 11/1946. Trải qua 75 năm hoạt động đến nay mạng lưới của Icom đã được hình thành và phát triển ở 5 Châu lục với 30.000 thành viên tại 137 quốc gia, có 117 uỷ ban quốc gia và 31ủy ban quốc tế, liên minh với 7 tổ chức khu vực và liên kết với 17 tổ chức quốc tế, ICOM là một mạng lưới các chuyên gia bảo tàng hoạt động trong phạm vi rộng lớn của các ngành bảo tàng và di sản liên quan

Tổ chức Icom ra đời là sáng kiến của ngài Chaincey.J.Hamlin (người Mỹ) hoạt động với quy mô toàn cầu trong lĩnh vực bảo tàng nhằm mục đích khuyến khích,  hỗ trợ việc nghiên cứu và triển khai các hoạt động bảo tàng, phát triển và thiết lập mạng lưới thông tin giữa các bảo tàng thế giới góp phần bảo vệ và phát huy di sản văn hoá của nhân loại.

Với nhận thức “Bảo tàng là một phương tiện trao đổi văn hoá làm giàu thêm các nền văn hoá và phát triển sự hiểu biết lẫn nhau, sự hợp tác và hoà bình giữa các dân tộc.” Tổ chức Icom đã lấy ngày 18/5 hàng năm là ngày Quốc tế Bảo tàng.

Mục đích của việc tổ chức ngày quốc tế bảo tàng nhằm thúc đẩy khuyến khích các bảo tàng tổ chức các hoạt động hướng tới công chúng. Đồng thời thông qua các hình thức hoạt động của mình các bảo tàng có cơ hội khẳng định vai trò hiệu quả, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đối với hoạt động bảo tàng. Hàng năm Icom đều đưa ra kiến nghị về nội dung hoạt động cụ thể nhân dịp ngày Quốc tế Bảo tàng.

Hội đồng bảo tàng Việt Nam – ICOM Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 20/2002/QĐ-BVHTT ngày 07/8/2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), với mục tiêu tăng cường liên kết các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, mở rộng quan hệ hợp tác giữa các bảo tàng trong nước với các bảo tàng và tổ chức quốc tế, đồng thời tạo điều kiện cho ngành bảo tàng Việt Nam tiếp cận và kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm và tri thức mới về bảo tàng học và quản lý bảo tàng nhằm phát huy vai trò và chức năng của bảo tàng phục vụ xã hội.

Hiện nay, trong xu thế liên kết toàn cầu các bảo tàng ngày càng khẳng định vai trò là công cụ đắc lực để bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hoá vì lợi ích phát triển của dân tộc và Quốc gia trên thế giới. Công tác bảo tàng Việt Nam cũng đóng một vai trò tích cực trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hoá để xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam trong cộng đồng Quốc tế. Với trên 130 bảo tàng và trên 3000 di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng với đội ngũ cán bộ đông đảo đang công tác trong các bảo tàng và di tích mạng lưới Bảo tàng Việt Nam là một thành viên tích cực của Icom.

Năm nay, Hội đồng Quốc tế các Bảo tàng (Icom) đã quyết định chọn chủ đề chính trong chương trình kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2021 là “Tương lai của bảo tàng, khôi phục và tái định hình”. Nhằm tăng cường và sáng tạo cách thức hợp tác giữa bảo tàng với các cộng đồng liên quan, củng cố lại mối quan hệ cộng đồng, cùng sáng tạo và tái khẳng định giá trị thiết yếu của bảo tàng trong quá trình xây dựng một tương lai công bằng và bền vững. Thúc đẩy vai trò của bảo tàng là nơi khuyến khích ủng hộ tiềm năng sảng tạo của văn hóa như một động lực cho sự phục hồi và đổi mới trong thời kỳ hậu Covid.

Trên cơ sở chủ đề của Icom Việt Nam năm nay và định hướng của Cục Di sản Văn hoá về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2021. Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức giới thiệu và tham quan trưng bày Bảo tàng Vĩnh Phúc cho các đối tượng khách tham quan: học sinh, sinh viên, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Từ đó tăng cường công tác xã hội hoá hoạt động của bảo tàng để đưa bảo tàng đến với công chúng gần hơn và ngược lại công chúng hiểu sâu sắc hơn về lịch sử vùng đất- con người Vĩnh Phúc thông qua hệ thống trưng bày tại bảo tàng gồm 7 chủ đề:

Chủ đề 1: Vĩnh Phúc- Cảnh quan thiên nhiên, quê hương người Việt cổ

          Chủ đề 2: Đời sống văn hóa của nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc

Chủ đề 3: Truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân Vĩnh Phúc từ đầu công nguyên đến năm 1930.

Chủ đề 4: Phong trào cách mạng của nhân dân Vĩnh Yên- Phúc Yên (1930-1945).

Chủ đề 5: Vĩnh Phúc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954).

Chủ đề 6: Vĩnh Phúc trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước (1955-1975).

Chủ đề 7: Vĩnh Phúc trong thời kỳ thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN (1976 đến nay).

Với trên 1000 hình ảnh, hiện vật và sưu tập hiện vật có giá trị lịch sử. văn hóa được trưng bày khoa học, logic đã phản ánh toàn diện và sinh động vùng đất, con người và diễn trình lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh từ thời kỳ tiền- sơ sử đến ngày nay.

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *