Ngày 31/08/2022, tại Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc, Sở VH,TT&DL tổ chức công diễn tiết mục sân khấu hóa các trò chơi, trò diễn: “Trâu rơm, bỏ rạ”, xã Đại Đồng,huyện Vĩnh Tường và “ Kéo song”, thị trấn Hương canh, huyện Bình Xuyên. Buổi công diễn nhằm tái hiện trò chơi, trò diễn dẫn gian trong các lễ hội tiêu biểu tỉnh Vĩnh Phúc thông qua hình thức sân khấu hóa. Tới dự có đồng chí Bùi Hồng Đô – Giám đốc Sở VHTTDL, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vĩnh – Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc; đại diện lãnh đạo một số sở ban ngành; lãnh đạo các phòng ban đơn vị thuộc sở VHTTDL cùng đông đảo nhân dân đến thưởng thức.
Trò chơi “Kéo song – Hương Canh” và trò diễn “Trâu rơm, bò rạ” xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường là hai tiết mục đầu tiên trong số rất nhiều lễ hội tiêu biểu đặc sắc được Sở VHTT & DL chọn sân khấu hoá phục vụ biểu diễn nhằm quảng bá rộng rãi hơn nữa hình ảnh, vùng đất và con người Vĩnh Phúc đa dạng bản sắc, giàu truyền thống góp phần bảo tồn, phát huy các trò chơi, trò diễn dân gian trong các lễ hội truyền thống.
Kéo Song là trò chơi truyền thống lâu đời của nhân dân thị trấn Hương Canh, đã được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2015. Trò chơi kéo Song nhằm biểu dương tinh thần thượng võ của người dân vùng sông nước, từ xưa đã được nhiều làng, xã thuộc huyện Bình Xuyên tổ chức vào các dịp lễ hội đầu xuân, và tiêu biểu nhất cho tới nay vẫn còn duy trì đó là ở thị trấn Hương Canh.
Trò kéo song mang đến không khí náo nhiệt cho chương trình
Nét độc đáo là người kéo Song phải kẹp dây vào nách. Một người kẹp nách trái, một người kẹp nách phải, hai tay nắm cùng một khúc dây, lúc kéo, họ đạp thẳng chân vào thành hố, ngả mình ra. Hai người ngồi thành cặp, ngoắc đầu vào nhau, cộng lực để kéo. Động tác được phối hợp nhịp nhàng, nhanh nhạy, chính xác theo cờ hiệu của người chỉ huy. Vì vậy, trò chơi kéo Song vừa có tính tập thể, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết và biểu dương sức mạnh và mưu trí của người dân trong vùng.
Múa trình diễn trâu rơm, bò rạ là trò đã có từ lâu đời ở xã Đại Đồng. Hằng năm, cứ vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Nguyên đán, khi hai làng Bích Đại và Đồng Vệ vào đám, nhân dân Đại Đồng lại háo hức đón chờ trò trình diễn trâu rơm, bò rạ. Tương truyền, sau khi dẹp xong giặc Ân, Đinh Thiên Tích đem quân về làng Bích Đại mổ trâu ăn mừng. Đáp lại mong muốn của dân làng “làm cho làng mỗi ngày một thêm đông người, nhiều của”, vị tướng giỏi của vua Hùng đã bày ra phép rước cầu, mọi người mặc áo xanh, đỏ vác cày và bện trâu bằng rơm, nam đóng giả nữ, nữ đóng giả nam đem theo những mủng trấu để tung khắp cánh đồng, tượng trưng cho ngày hội toàn dân xuống đồng.
Tiết mục diễn “Trâu rơm bò rạ”
Không chỉ trình diễn trâu rơm bò rạ, vào ngày hội còn có trò trình tứ dân chi nghệp với các vai: nông dân, thầy đồ và học trò, thợ mộc, lái buôn tượng trưng cho bốn tầng lớp trong xã hội: sĩ, nông, công, thương tái hiện lại cuộc sống thời xưa vừa vui nhộn vừa đậm chất văn hóa Việt Nam.
Hồng Quân