Phát huy tiềm năng văn hóa, lịch sử truyền thống Vĩnh Phúc

Sáng 5/8, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức hội thảo khoa học cấp tỉnh với chủ đề “Phát huy tiềm năng văn hóa, lịch sử truyền thống, góp phần đưa Vĩnh Phúc phát triển giàu có, phồn vinh”. Tới dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Bùi Huy Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở VH-TT&DL; Hà Vũ Tuyến, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, đồng chí Nông Quốc Thành – Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng – nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đất và người Vĩnh Phúc luôn có mặt trong dòng chảy lớn lịch sử dân tộc từ thời Hùng Vương dựng nước đến các thời kỳ giữ nước về sau. Đây cũng là miền đất đậm đặc giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của  “vùng văn hóa  giữa”. Cùng với 1306 di tích, danh thắng, trên 1.000 làng cổ của tỉnh còn lưu giữ kho tàng văn hoá vật thể và phi vật thể phong phú về di tích lịch sử – văn hoá, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, hò vè, trò diễn, điêu khắc – mỹ thuật, ẩm thực dân gian, văn hoá dân tộc ít người Dao, Cao Lan, Sán Dìu… Đặc biệt, Vĩnh Phúc còn là vùng đất đậm đà tín ngưỡng thờ Mẫu nguyên thủy và nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam khởi đầu ở Tây Thiên – Tam Đảo. Những giá trị lịch sử – văn hoá chính là tiềm năng to lớn, cơ sở truyền thống, giá trị tài nguyên nhân văn vô cùng phong phú cho công cuộc xây dựng và phát triển văn hoá, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm nổi bật những vấn đề trọng tâm: Quan điểm của Đảng về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong thời kỳ đổi mới; chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống tại địa phương và những khuyến nghị với tỉnh; Vĩnh Phúc thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ năm 1963 “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”; đẩy mạnh giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương tại các cấp học trên địa bàn tỉnh nhằm tiếp bước và thực hiện lời căn dặn của Bác; tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại Vĩnh Phúc; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, gìn giữ hồn quê Vĩnh Tường…

Tuy nhiên, tỉnh cũng gặp một số khó khăn, hạn chế trong việc phát huy tiềm năng văn hóa, lịch sử truyền thống như công tác giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng tại các trường học trên địa bàn hiệu quả chưa cao; việc khai thác các giá trị từ văn hóa phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh…

Tại hội thảo, các nhà khoa học, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố và Trường Chính trị tỉnh đã tham luận, đề xuất nhiều giải pháp có tính khả thi, khoa học và đồng bộ như tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển; đẩy mạnh giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương tại các cấp học trên địa bàn tỉnh; khai thác các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch…

Phát biểu kết luận hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bùi Huy Vĩnh khẳng định: Hội thảo khoa học “Phát huy tiềm năng văn hóa, lịch sử truyền thống, góp phần đưa Vĩnh Phúc phát triển giàu có, phồn vinh” có ý nghĩa thiết thực, cả trên phương diện nghiên cứu khoa học và đánh giá, tổng kết thực tiễn đối với việc phát huy tiềm năng văn hóa, lịch sử truyền thống.

Trường Chính trị tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp, nghiên cứu những ý kiến tham vấn để đề xuất, tham mưu với tỉnh trong phát huy tiềm năng văn hóa, lịch sử truyền thống, góp phần đưa tỉnh phát triển giàu có, phồn vinh như lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm Vĩnh Phúc: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.

Hồng Quân

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *