LỄ TÔN VINH DANH NHÂN KHOA BẢNG TẠI VĂN MIẾU TỈNH

Sáng ngày 01/03/2017 tại Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra lễ: Tôn vinh các bậc tiên triết, tiên thánh, tiên hiền và danh nhân khoa bảng tại Văn miếu tỉnh. Đến dự có đại diện hậu duệ các bậc tiền triết, tiền hiền, tiền thánh được thờ tại đây, các danh nhân, tiến sỹ của Vĩnh Phúc và đông đảo quần chúng nhân dân. 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Vĩnh Phúc là một tỉnh có truyền thống hiếu học được hun đúc, gìn giữ, nối truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong 795 năm tồn tại của nền giáo dục và khoa cử Nho học (tính từ năm 1124 ông Phạm Công Bình là người khai đại khoa ở huyện Yên Lạc đến năm 1919) người Vĩnh Phúc đã tạo lập được một truyền thống khoa bảng phong phú với 393 người đỗ đạt khoa trường trong đó có 91 vị đỗ hàng đại khoa và 302 vị đỗ hàng trung khoa. Vì vậy việc xây dựng Văn miếu là nhằm biểu thị lòng tôn sư trọng đạo, tinh thần hiếu học vốn là thế mạnh của địa phương, giúp vào việc đào tạo nhân tài phục vụ sự nghiệp kiến thiết và xây dựng đất nước.

Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc tiền thân là Văn miếu phủ Tam Đới, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV, tại xã Cao Xá, huyện Bạch Hạc (nay là xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường). Đến năm 1822, phủ Tam Đới đổi tên thành phủ Vĩnh Tường, từ đây Văn miếu phủ Tam Đới chuyển thành Văn miếu phủ Vĩnh Tường. Sau khi tỉnh Vĩnh Yên được thành lập năm vào năm 1890, đến năm 1925, Văn miếu phủ Vĩnh Tường được di dời về địa phận gò Giác Lạc ở phía Bắc xã Định Trung thuộc phạm vi tỉnh và có tên gọi là Văn miếu tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Trên cơ sở kế thừa và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Văn miếu xưa, ngày 16/6/2012, công trình Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc được khởi công xây dựng tại phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên. Đây là công trình văn hóa trọng điểm, biểu trưng cho truyền thống văn hiến, truyền thống hiếu học của tỉnh Vĩnh Phúc. 

 

Đại diện hậu duệ các bậc tiền triết, tiền hiền, tiền thánh chụp lưu niệm

Lễ tôn vinh các bậc tiên triết, tiên thánh, tiên hiền và danh nhân khoa bảng tại Văn miếu tỉnh không chỉ là một nét sinh hoạt văn hóa tôn nghiêm, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, giáo dục xưa mà còn là cơ hội gắn kết Văn miếu Vĩnh Phúc với các dòng họ danh nhân khoa bảng của tỉnh. Để từ đó, phát huy tinh thần hiếu học, đẩy mạnh hoạt động khuyến học khuyến tài trong các dòng họ nói riêng và toàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, hướng đến sự phát triển của giáo dục tỉnh nhà.

 

Kim Dung

 

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *