LỄ HỘI ĐÚC BỤT

Lễ hội Đúc Bụt là hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian truyền tích Ngọc Kinh công chúa chiêu tập nghĩa sĩ rèn đúc vũ khí tụ nghĩa dưới ngọn cờ cứu nước của Hai Bà Trưng. Nữ tướng đã ẩn mình là nhà sư tu luyện tại chùa Phù Liễn, dạy dân biết: Sĩ – Nông – Công – Cổ. Để tưởng nhớ công ơn của Ngọc Kinh công chúa và cầu mong một năm mới nhiều may mắn, bình an dân làng Phù Liễn đã tổ chức Lễ hội Đúc Bụt vào tháng giêng âm lịch hàng năm.

Ngay từ sáng sớm ngày 12/2/2019 (ngày 08 tháng giêng), tất cả dân làng Phù Liễn và các vùng xung quanh đã nô nức tập hợp về khu vực sân đình, Ban tế làm lễ tế thần tại đình, sau 3 tuần tế, ông chủ tế xin âm dương và phân công quan viên đi đúc Bụt, các quan viên cùng dân làng chuẩn bị xôi, trầu cau, chiếu…Ba thanh niên được chọn làm “bụt” xuất thân trong gia đình có đủ con trai, con gái, sống hòa thuận, được hàng xóm mến phục. Sau khi làm lễ xong, 3 thanh niên được lựa chọn tiến ra ruộng đã tát cạn hết nước từ hôm trước, 3 thanh niên tự xuống ruộng, lấy bùn trát kín toàn thân, sau đó quan viên sẽ dùng một sợi dây buộc ngang một phần ba (theo chiều rộng) chiếc chiếu cói, rồi để phần dưới chụp lên đầu mỗi Bụt một chiếc, sau đó quan viên và dân làng làm lễ rước Bụt về đình.

Điểm mới của lễ hội năm nay là phần “cướp chiếu” được thay bằng “tản chiếu phát lộc”: Ba chiếc chiếu hoa mới chụp Bụt trình Thánh được cắt bỏ các đường diềm của bốn đầu, không thắt nút 2 bên diềm chiếu, đồng thời, các đường dệt dây ở trong chiếu chỉ để 6-8 dây mục đích để tút chiếu tung ra ngoài tản chiếu phát lộc cho nhân dân. Điểm mới “tản chiếu phát lộc” năm nay sẽ phần nào giảm được tình trạng tranh cướp chiếu gây phản cảm, đảm bảo lễ hội vui tươi, lành mạnh và phù hợp với nghi lễ địa phương. Bên cạnh đó, trong lễ hội cũng diễn ra các trò chơi, thi đấu thể thao và giao lưu văn nghệ nhằm rèn luyện trí tuệ, nâng cao thể lực, sức khỏe, tạo thêm sự vui vẻ phấn chấn chuẩn bị bước vào lao động, sản xuất đầu năm mới.

Lễ hội Đúc Bụt ở làng Phù Liễn là một hình thức văn hóa dân gian truyền thống tồn tại cho đến ngày hôm nay, đây là một nét văn hóa đẹp cần phải gìn giữ và phát huy ./.

KD – TTDL

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *