Ngày 29/08/2017, tại đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, Sở VHTTDL tổ chức Hội thảo xin ý kiến về việc khôi phục miếu Đông Hồ, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Về dự hội thảo có đồng chí Hoàng Trường Kỳ- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Kim Văn Ngoan Quýnh- PGĐ sở VHTTDL, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn- PCT UBND huyện Lập Thạch; các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Vĩnh Phúc.
Hội thảo đã tập hợp các tư liệu nghiên cứu lịch sử về đất và người Sơn Đông; những câu chuyện kể, những tư liệu khoa học lịch sử liên quan đến miếu Đông Hồ. Từ đó làm căn cứ để đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép khôi phục miếu Đông Hồ, thể hiện tinh thần hướng về cội nguồn, tri ân tiền nhân, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; đồng thời đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo bà con nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và của xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch nói riêng;
Đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn
Có thể nói, Sơn Đông là vùng đất địa linh nhân kiệt quê hương của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn – một vị tướng có công đầu trong cuộc kháng chiến chống quân Minh đầu thế kỷ 15. Năm 1988, Viện Sử học đã tổ chức hội thảo về ông và khẳng định Trần Nguyên Hãn là anh hùng dân tộc. Vì vậy Sơn Đông là nới có hệ thống di tích địa điểm lịch sử khá dày đặc (03 di tích cấp quốc gia, 09 xếp hạng cấp tỉnh, 08 di tích chưa xếp hạng). Tuy nhiên do thăng trầm lịch sử mà có di tích hiện chỉ còn trong ký ức của cộng đồng như Miếu Đông Hồ.
Miếu Đông Hồ được xây dựng ở ven sông Lô, gần bến Đông Hồ, miếu hiện chỉ còn nền móng cũ. Đầu tháng 08/2017, Sở VHTTDL phối hợp với xã Sơn Đông tiến hành khai quật thăm dò khu vực nền móng, đã phát lộ nhiều di vật là xạ ảnh của một kiến trúc cổ khá bề thế.
Nền móng miếu Đông Hồ
Một số kênh thông tin bằng chứng có được:
-Theo bản đồ năm 1936 (bản đồ xanh do người Pháp vẽ) miếu Đông Hồ xưa có tên là miếu Phú Thị (Pagode de Phu Thi) nằm trên đất làng Phú Thị (bắt đầu từ bến Đông Hồ đến giáp bến Đá).
-Thống kê di tích của Hội đồng Hương Lý thôn Quan Tử gửi Công sứ Bắc Kỳ và nhà Viên Đông Bác cổ ngày 02/08/1938, trả lời câu hỏi: “Ngoài ra còn có nơi nào thờ Ngài (chỉ Trần Nguyên Hãn) nữa không?” ; báo cáo viết: “Ngoài làng Phú Thị, Phan Lãng và Đức Lễ có thờ Ngài” (Tài liệu lưu tại Viện Thông tin KHXH số TT-TS 13084/ FQ418/XIII82). Như vậy rõ ràng làng Phú Thị thờ Trần Nguyên Hãn.
-Theo các cao niên hai làng Quang Tử, Phú Thị trong kháng chiến chống Pháp, miếu Đông Hồ bị hoang phế, toàn bộ bàn thờ, bài vị và việc hương khói thờ Tả tướng quốc được chuyển về đình Phú Thị (tồn tại đến năm 1990). Ở thời điểm đó, đình Phú Thị còn lưu giữ 4 đạo sắc phong của các triều đại Phong kiến Việt Nam.
Bản đồ xanh do người Pháp vẽ có ghi rõ “Pagode de Phu Thi” tên của miếu Đông Hồ xưa
-Trong Hương ước của xã Phú Thị có ghi chép lại việc tế lễ, tưởng nhớ Tả tướng quốc. Làng Phú Thị tế lễ vào ngày 03/10 (ngày Ngài hiển thánh). Trong ngày này làng tổ chức rước kiệu từ đền Phú Thị theo đường sông ngược lên đến miếu Đông Hồ. Kiệu được rước vào miếu, dân làng tổ chức tế lễ tại đây, hôm sau rước kiệu theo đường bộ trở lại đình Phú Thị. Tục lệ này sau năm 1945 không còn, nhưng là bằng chứng rõ nhất chứng tỏ miếu Đông Hồ thờ Trần Nguyên Hãn.
Đồng chí Hoàng Trường Kỳ – Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh, người có rất nhiều tâm huyết với lịch sử văn hóa Vĩnh Phúc
Ngoài những chứng cứ rất thuyết phục trên, tại buổi hội thảo cũng được lắng nghe những câu chuyện do chính hậu duệ của dòng họ Trần làng Quan Tử và các nhà nghiên cứu lịch sử kể lại. Đó chính là các căn cứ, tư liệu để các cơ quan chức năng nghiên cứu cho phép khôi phục lại miếu Đông Hồ.
Kết thúc buổi hội thảo, đồng chí Kim Văn Ngoan Quýnh thay mặt cho Sở VHTTDL khẳng định sẽ cố gắng hết sức để khôi phục lại miếu Đông Hồ. Đồng thời kết hợp giữa các giá trị truyền thống với hiện đại để lễ hội đền Trần Nguyên Hãn thục sự hấp dẫn và phát huy tiềm năng du lịch tâm linh của quần thể di tích tại xã Sơn Đông./.
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo
Các đại biểu dâng hương tại đền thờ Trần Nguyên Hãn
Toàn cảnh hội thảo
Đồng chí Kim Văn Ngoan Quýnh phát biểu tại hội thảo
Hồng Quân