GÌN GIỮ VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ GỐM HƯƠNG CANH

“Ai về mua vại Hương Canh,
Ai lên mình gửi cho anh với nàng”

Làng gốm Hương Canh – huyện Bình Xuyên là làng gốm sành cổ đã nổi danh từ lâu đời, có lịch sử hơn 300 năm. Tương truyền, sau khi đánh bại Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương, triều đình Lê – Trịnh đã phái quan Nội Hầu Trịnh Xuân Biền về phủ dụ dân chúng. Thấy xóm làng xơ xác tiêu điều, dân chúng phiêu bạt, những người hồi cư không kế sinh nhai, ông Trịnh Xuân Biền đã giúp dân phục hồi sản xuất nông nghiệp và đem người đến dạy dân làm nghề gốm sành. Cuộc sống đi vào ổn định và khấm khá dần. Khi ông qua đời, dân làng thương tiếc, lập miếu thờ, tôn ông làm sư tổ nghề gốm. Gốm Hương Canh nổi tiếng với những sản phẩm như chum vại, nồi niêu, ấm chén… có độ bền cao, nhằm phục vụ những nhu cầu dân dã thiết yếu.


Điểm đặc biệt của gốm Hương Canh là được làm từ đất sét xanh, đặc trưng thổ nhưỡng của địa phương. Đây là chất liệu chính để làm ra sản phẩm. Đất sét xanh Hương Canh thường được lấy từ các khu đồng chiêm trũng. Ưu điểm của loại đất này là độ mịn, độ dẻo và độ béo rất cao nên sản phẩm trông giống như đã được tráng men. Điểm tạo nên sự đặc biệt của gốm Hương Canh không chỉ ở chất lượng gốm mà còn ở màu sắc, âm thanh: do cấu tạo của chất đất xanh, nên gốm sành Hương Canh khi nung già gõ thường phát ra tiếng kêu lanh canh, giống như khi ta chạm vào kim loại. Không lộng lẫy, cầu kỳ với những màu men khác lạ như những dòng gốm khác, gốm Hương Canh đẹp ở sự mộc mạc và giản dị. Toát lên ở mỗi tác phẩm là vẻ đẹp của hồn quê và tâm huyết người nghệ nhân. Bên cạnh đó nó còn giữ được nét hoang sơ của nguyên liệu đất sét, vừa gân guốc, vừa khỏe khoắn, tạo nên nét rất riêng biệt hấp dẫn so với các làng quê làm gốm khác. Đặc biệt, các sản phẩm gốm, sành Hương Canh thời xưa thường không sử dụng men tráng, không dùng chất tạo màu mà sản phẩm vẫn bắt mắt. Điểm nhấn vẫn là mầu đỏ và nâu, còn sành thì có màu xanh đen. Dân gian vẫn truyền nhau câu: “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh” để nói về nét độc đáo của các sản phẩm này.


Mỗi độ xuân về, làng gốm Hương Canh nhộn nhịp, hối hả khi người dân vào guồng hoàn tất các lô hàng kịp phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết. Sản phẩm gốm Hương Canh có nét độc đáo riêng mà không nơi nào giống. Nếu để trà vào trong lọ gốm thì trà không bao giờ mốc mà giữ nguyên mùi thơm. Rượu để trong chĩnh gốm thì không bay mùi hay giảm nồng độ. Ngày mùa, người dân để hạt giống vào chĩnh, vào chum, vào vại khi mang đi gieo, trăm hạt đều nảy mầm cả trăm. Điều đó là do gốm Hương Canh chống được nước thẩm thấu, ngăn được ánh sáng nên giữ bền hương vị của những thứ đựng bên trong.
Trong khoảng thời gian dài từ những năm 1950-1970, gốm Hương Canh đã gây được tiếng vang lớn trên thị trường gốm sứ, có lúc bà con làng gốm sản xuất không kịp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đây là dấu mốc một thời vàng son của làng gốm Hương Canh. Tiếng lành đồn xa, các mặt hàng gốm Hương Canh được nhiều du khách ưa chuộng, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Làng gốm Hương Canh cũng là một điểm du lịch làng nghề tiềm năng, đến nơi đây du khách có dịp tìm hiểu và tham gia trực tiếp vào việc chế tác, tạo dáng gốm thủ công thú vị. Ngày nay, nghề gốm nơi đây vẫn giữ được những nét tinh túy xưa, một số nghệ nhân lâu năm vẫn miệt mài theo nghề và truyền lại cho thế hệ sau, tuy nhiên trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, làng gốm Hương Canh đã không còn được hưng thịnh như trước.
Để nghề gốm Hương Canh không bị mai một, tiếp tục “giữ lửa” thu hút lao động làm nghề, góp phần lưu giữ nghề truyền thống và ổn định đời sống, thu nhập cho người dân, trở thành điểm đến tham quan đậm đà bản sắc văn hóa của du lịch Vĩnh Phúc thì nhân dân, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng cần có giải pháp, chính sách gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống này:
– Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, lòng tự hào của người dân về nghề truyền thống của cha ông, làm cho họ hiểu được: nghề truyền thống chính là hồn cốt, tinh thần và cũng là cuộc sống lâu dài của người dân bao đời nay, nếu không giữ gìn được thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến họ và các thế hệ mai sau. Tổ chức các buổi học, tập huấn cho người dân về bảo tồn giá trị làng nghề tại thôn, xã với mục đích nâng cao nhận thức, hiểu biết và giúp người dân thấy được giá trị thiết thực về kinh tế – xã hội của sản phẩm gốm sứ của quê hương. Qua đó giúp người dân có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống.
– Khuyến khích và tôn vinh các giá trị cổ truyền, truy tặng danh hiệu nghệ nhân cho những người xứng đáng, xây dựng nhà bảo tàng lưu giữ những sản phẩm truyền thống cho các thế hệ sau tránh khỏi nguy cơ bị mai một, tổ chức các cuộc thi tìm ra những thợ giỏi để trao giải động viên khuyến khích họ.


– Chính quyền địa phương cần tăng cường hỗ trợ các làng nghề trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường, hình thành các dịch vụ hỗ trợ cho du lịch làng nghề như nhà hàng, cơ sở lưu trú và các dịch vụ khác. Cải thiện môi trường tự nhiên, xã hội thu hút khách tham quan, du lịch thúc đẩy thương mại, kinh tế phát triển.
– Cơ quan, doanh nghiệp về du lịch cần khai thác các sản phẩm từ làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, bên cạnh việc giúp du khách có thêm điểm đến và trải nghiệm thú vị, hấp dẫn còn góp phần làm phong phú thêm loại hình du lịch ở địa phương, làm cho những sản phẩm thủ công truyền thống trở thành vật lưu niệm, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề, thúc đẩy làng nghề phát triển, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập của người dân .
– Ðể khai thác hiệu quả nhất lợi thế, tiềm năng của hình thức du lịch làng nghề, các cơ quan chức năng cần quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo và khôi phục các hoạt động văn hóa dân gian trong khu vực làng nghề để tạo sự đa dạng, tăng sức hút với du khách. Bên cạnh đó, ngành du lịch các địa phương cần phối hợp các cơ sở đào tạo để tập huấn cho người dân khu vực làng nghề về cách thức, kỹ năng làm du lịch. Phát triển du lịch làng nghề chính là một trong những biện pháp hiệu quả góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa.
– Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương hiệu và sản phẩm làng nghề. Đưa hình ảnh gốm Hương Canh tiếp cận tới du khách trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, website du lịch và trưng bày tại các chương trình hội chợ quảng bá và các gian hàng bày bán đồ lưu niệm tại khu điểm du lịch. Bên cạnh đó để sản phẩm gốm Hương Canh ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cần phối hợp với làng nghề nghiên cứu xây dựng danh sách các sản phẩm từ gốm sứ vừa có mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng phù hợp với thị hiếu của du khách vừa mang ý nghĩa, đặc trưng quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh nhà và chuyển tải được những giá trị văn hóa tiêu biểu của cộng đồng./.

Ánh Nguyệt

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *