ĐỔI MỚI TRƯNG BÀY TẠI BẢO TÀNG TỈNH NHẰM THU HÚT KHÁCH THAM QUAN

Bảo tàng tỉnh hiện đang trưng bày trên 4.000 tư liệu, hiện vật giới thiệu về truyền thống văn hóa, lịch sử vùng đất, con người Vĩnh Phúc từ thời kỳ tiền sơ sử đến nay. Thời gian qua, với việc đổi mới không gian, cách trưng bày, Bảo tàng đã thu hút lượng lớn khách tham quan và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.

Với việc đổi mới trưng bày, Bảo tàng tỉnh thu hút đa dạng đối tượng khách tham quan

Một trong những hoạt động quan trọng để thu hút khách được Bảo tàng chú trọng là hệ thống trưng bày cố định theo chủ đề. Hiện với 2 giai đoạn trưng bày: Vĩnh Phúc từ thời kỳ tiền sơ sử đến năm 1930 và lịch sử Vĩnh Phúc từ năm 1930 đến nay, 7 chủ đề được trưng bày trên diện tích 2.500m2 đã mang đến cái nhìn tổng hợp cho du khách những nét đặc trưng riêng có về vùng đất, cảnh quan, di vật lịch sử làm nên bản sắc văn hóa của đất và người Vĩnh Phúc. Để chuyển tải các ý tưởng đó, Bảo tàng đã trưng bày các bộ sưu tập hiện vật quý, có giá trị về lịch sử – văn hóa như: Các công cụ lao động; bộ đàn đá; hiện vật di tích khảo cổ văn hóa Sơn Vi, Đồng Đậu, Đông Sơn; các sưu tập hiện vật giới thiệu về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân các dân tộc thiểu số: Dao, Cao Lan, Sán Dìu và 3 vùng đồng bằng, đồi núi và trung du cùng phong trào đấu tranh dựng nước và giữ nước, phong trào phát triển kinh tế, những thành tựu trong thời kỳ đổi mới…

Với nội dung phong phú, hấp dẫn được trưng bày lô gích, khoa học, dễ hiểu, hệ thống âm thanh, ánh sáng hợp lý, các trang thiết bị và hệ thống nghe nhìn tương đối hiện đại, Bảo tàng đã tạo được không gian khá ấn tượng và hấp dẫn đối với khách đến tham quan. Bên cạnh đó, các sưu tập, hiện vật thường xuyên được thay đổi, bổ sung để luôn tạo cảm giác mới mẻ, hấp dẫn tránh sự đơn điệu, nhàm chán nhất là những khách đến với Bảo tàng nhiều lần. Ngoài trưng bày theo chủ đề, Bảo tàng tỉnh còn thường xuyên có hoạt động trưng bày theo chuyên đề, phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị của tỉnh.

Nếu như trước đây, chủ yếu khách tham quan đến Bảo tàng là các đoàn cán bộ, tổ chức chính trị – xã hội trong tỉnh thì nay thành phần tham quan phong phú hơn với đầy đủ các đối tượng từ học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh; các đoàn cán bộ từ các tỉnh bạn đến công tác, tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm và đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn. Những năm gần đây, số lượng khách tới tham quan Bảo tàng luôn đạt con số 50.000 lượt người/năm, trong đó có hơn 1.000 lượt khách quốc tế.

Ông Mai Văn Trung, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Để nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, Bảo tàng đã sử dụng thêm một số công cụ hỗ trợ như: xây dựng mô hình, sa bàn, bóng chiếu, thuyết minh tự động, màn hình cảm ứng, phim tư liệu bổ trợ nội dung trưng bày. Đặc biệt, từ khi đưa vào sử dụng hệ thống trưng bày nội thất phần II, cuối tháng 8/2018, số lượng khách đến tham quan ngày càng đông. Trong 2 tháng gần đây, trung bình mỗi tháng, Bảo tàng tỉnh thu hút khoảng 5.000 lượt khách; nâng tổng số khách từ đầu năm đến nay lên gần 40.000 lượt khách, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2017.”

Cũng theo ông Trung, hệ thống trưng bày của Bảo tàng tỉnh hiện có 9 cảnh tượng lịch sử tái hiện lại những bối cảnh lịch sử, không gian văn hóa mang đậm sắc thái của địa phương, các trận chiến đấu tiêu biểu của quân và dân Vĩnh Phúc trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, tiêu biểu là các sự kiện: Sự ra đời chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh, giới thiệu về anh hùng Nguyễn Viết Xuân, dân quân Tiền Châu bắn rơi máy bay thứ 4.000 của Mỹ,… và các sa bàn: làng gốm cổ Hương Canh, chiến dịch trung du Trần Hưng Đạo, Vĩnh Phúc trong tương lai… Những cảnh tượng lịch sử, sa bàn này đã góp phần không nhỏ vào hiệu quả trưng bày, giúp khách tham quan nhận thức được nội dung trưng bày một cách sinh động. Bên cạnh đó, Bảo tàng đã nghiên cứu, áp dụng cách trưng bày mới nhằm tăng cường hiệu quả giáo dục và hấp dẫn khách tham quan như: Chiếu phim tư liệu ngay tại phòng trưng bày; phát ghi âm những lời kể của các nhân chứng lịch sử; trang bị màn hình cảm ứng cho mỗi cụm hình ảnh, hiện vật, tài liệu trưng bày với nhiều ngôn ngữ hấp dẫn khách tham quan.

Để thu hút đa dạng đối tượng khách tham quan, thời gian tới, Bảo tàng tỉnh tập trung đổi mới phương thức phục vụ phù hợp, hiệu quả. Trước mắt, Bảo tàng hướng tới các đối tượng khách là thiếu nhi, học sinh, sinh viên. Đồng thời, mở rộng phạm vi hoạt động, đa dạng các chương trình, tuor tham quan bảo tàng lồng ghép với các tuor tham quan di tích – danh thắng trên địa bàn tỉnh; xây dựng các chương trình tham quan phù hợp. Đẩy mạnh các hoạt động bổ trợ như: tổ chức triển lãm chuyên đề, triển lãm lưu động; chiếu phim; toạ đàm – gặp mặt các nhân chứng lịch sử; hội thảo; xuất bản ấn phẩm quảng bá hoạt động của Bảo tàng với nội dung và hình thức sinh động. Cùng với đó, liên kết với các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn để xây dựng và triển khai những chương trình tham quan ngoại khoá, tìm hiểu lịch sử, bổ trợ môn học lịch sử trong các nhà trường. Tiếp tục chuyên nghiệp hoá đội ngũ thuyết minh viên thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên ngành như khảo cổ học, lịch sử, dân tộc học. Tăng cường hợp tác với bảo tàng trung ương, bảo tàng các tỉnh, thành phố nhằm trao đổi kinh nghiệm; giới thiệu các di sản văn hoá của đất nước và các địa phương tại Vĩnh Phúc; đồng thời, tạo cơ hội để giới thiệu di sản văn hoá Vĩnh Phúc đến du khách trong nước và quốc tế.

Hồng Yến – Cổng thông tin điện tử

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *