Tây Thiên được biết đến không chỉ là nơi khởi nguồn của Phật giáo từ rất sớm, mà còn là nơi phát triển tín ngưỡng thờ Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, người có công lớn giúp vua Hùng mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa nước. Ngoài Khu Di tích Danh Thắng Tây Thiên thì đền Mẫu Sinh và Mẫu Hóa thuộc thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc là những điểm thu hút du khách thập phương về đây để đắm mình trong không khí lễ hội linh thiêng và thưởng ngoạn thắng cảnh.
Đền Mẫu Sinh
Đền Mẫu Sinh thuộc tổ dân phố Đông Lộ, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo thờ Quốc Mẫu Tây Thiên ( Lăng Thị Tiêu). Đây là di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh năm 2009. Tương truyền từ xa xưa nơi đây là nơi thân phụ Lăng Trường Ông và thân mẫu Đào Liễu đã hạ sinh mẫu. Lớn lên, mẫu kết duyên với Hùng Chiêu Vương và được lập làm chính vương phi. Cuộc nhân duyên của mẫu với Hùng Chiêu Vương ở núi Tam Đảo mở ra thời kỳ thịnh trị của quốc gia Văn Lang, phát triển văn hóa và đổi mới phong tục, xứng đáng là thời kỳ cực thịnh trong các đời vua Hùng Vương. Với công lao to lớn với Tổ quốc và nhân dân, Quốc mẫu Tam Đảo được kết tập vào hệ thống Hùng Vương, không chỉ là nhân vật huyền thoại kỳ vĩ mà còn trở thành nhân vật lớn của lịch sử.
Cổng chính vào đền Mẫu Sinh
Đền Mẫu Sinh nằm trên một khu đất cao ráo, hướng chính đền là cánh đồng với diện tích hơn 2000m2 xung quanh nhiều cây cổ thụ được trồng cách đây hàng trăm năm. Đền được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, hiện vẫn còn lưu giữ đạo sắc phong vua Khải Định. Đền được tu bổ tôn tạo lại năm 1993 với lối kiến trúc hình chữ đinh (chuôi vồ) gồm hai tòa đại bái và hậu bái. Tòa đại bái gồ 3 gian, gian chính giữa là Ban Công Đông, bên phải Ban Chúa Đệ Nhị, bên trái Chúa Đệ Tam; tòa hậu bái phía trên là ban thờ mẫu, bên phải Ban Trần Triều, dưới mẫu là Ban Tam Tòa Thánh Mẫu, Ngũ Vị Tôn Quan, Tam Thành Hoàng (ông Bơ, ông Bảy, ông Mười). Trước đền là lăng tưởng niệm mẫu (Lăng Mẫu Sinh Linh Từ) mới được xây dựng với 6 cột đá to nguyên khối bao quanh , đường kính mỗi khối 50 cm, cao gần 3m. Nằm trong 6 cột đá là 4 cột gỗ to cao gần 3 m, hai cột trước lăng được gắn hai câu đối được sơn son, mạ vàng rất tinh xảo.
Lăng thờ mẫu
Để tưởng nhớ công lao của Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, các triều đại phong kiến Việt Nam cường thịnh từ Đinh, Lý, Trần, Lê… đều phong tặng Quốc Mẫu nhiều danh hiệu cao quý để tỏ lòng kính trọng, hằng năm, các quan đại thần cùng nhân dân địa phương và khách xa gần bốn mùa hương khói. Phong tục ấy còn mãi đến bây giờ. Lễ hội hàng năm của đền là ngày 15 tháng giêng (âm lịch) người dân làm lễ rước kiệu mẫu từ đền Mẫu Sinh đến đền chính, cầu cho một năm gặp nhiều may mắn.
Đền Mẫu Hóa
Đền Mẫu Hóa thuộc tổ dân phố Sơn Phong, thị trấn Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc, tương truyền nơi đây là nơi hóa thân của Quốc Mẫu Tây Thiên (Lăng Thị Tiêu). Để tưởng nhớ công lao đức độ của Quốc mẫu, nhân dân trong vùng đã xây dựng Đền và tổ chức lễ hội rước nước Giếng Ngọc vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Đền đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2009.
Cổng đền Mẫu Hóa
Đền Mẫu Hóa với diện tích hơn 2ha, xung quanh đền là những cây cổ thụ sừng sững ngả mình che mát quanh năm cho đền, đặc biệt đền còn cây trà khế có niên đại hàng nghìn năm đã chứng kiến bao cuộc đổi thay của đền và thăng trầm lịch sử của người dân nơi đây. Ngoài ra, du khách sẽ được chiêm ngưỡng Giếng Mộc Dục (Giếng Ngọc) nằm cạnh cổng Đền là nơi Quốc Mẫu Tây Thiên tắm gội trước khi hóa thân về trời. Điều đặc biệt là giếng nước không bao giờ cạn kể cả những năm hạn hán, trước đây giếng được kè bằng đá, đến năm 1997, nhân dân trong làng cùng nhau xây dựng lại để bảo vệ giếng.
Ban thờ mẫu trong đền
Về tích tại sao gọi là đền Mẫu Hóa, Theo các cụ cao niên trong làng kể lại và truyền qua nhiều đời thì sau khi giúp vua Hùng Chiêu Vương dẹp xong giặc Thục, không màng danh lợi, Quốc mẫu trở về nơi sinh ra mình và hóa tại đền Mẫu Hóa ngày nay, chính vì vậy đây được gọi là đền Mẫu Hóa.
Căn cứ lịch sử và thần tích thì đền Mẫu Hóa ra đời từ thời nhà Nguyễn, minh chứng là trong đền còn lưu giữ 14 đạo sắc phong vẫn được cất, bảo quản rất kỹ trong đền. Đền Mẫu Hóa được xây dựng theo lối kiến trúc của đền làng Bắc Bộ theo kiểu chữ đinh gồm tiền bái 3 gian và hậu bái là long ngai bài vị ghi bằng chữ hán “ Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu đại vương”.
Lễ hội của đền được tổ chức vào 15 tháng 2 âm lịch hằng năm, cùng với thời gian tổ chức lễ hội Tây Thiên, nhân dân thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo tổ chức lễ hội rước nước Giếng Ngọc đền Mẫu Hóa để tưởng nhớ công lao của Quốc mẫu. Lễ hội rước nước Giếng Ngọc nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn vinh công lao, tài trí, đức độ, uy danh của Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu; giáo dục truyền thống về lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước của dân tộc; tri ân các bậc anh hùng đã cống hiến cuộc đời vì sự cường thịnh của dân tộc. Đến với ngày chính hội của đền, du khách sẽ có dịp cảm nhận những ước nguyện về với chốn tâm linh. Ngoài những nghi lễ bắt buộc, thường niên còn có nhiều hình thức nghi lễ thiêng liêng mang tính đặc trưng, tiêu biểu của đất Phật.
Đến Tây Thiên – đến với Mẫu, du khách không thể không theo lộ trình lễ Mẫu, sau khi trình lễ tại đền Cả (đền Trình, xã Tam Quan) rồi đặt chân đến đền Mẫu Sinh (thị trấn Đại Đình) trước tiên, sau đó đến đền Mẫu Hóa và cuối cùng là đền Thượng. Vừa chiêm bái, lễ Mẫu lại vừa du lịch tâm linh tìm hiểu về nguồn gốc phát tích đạo Mẫu Tây Thiên cho du khách một khám phá kỳ bí và nhiều trải nghiệm sâu lắng.
KD – TTDL