ĐẶC SẮC LỄ HỘI BƠI CHẢI TỨ YÊN

Những chiếc chải sặc sỡ như những con rồng lửa đua nhau rẽ sóng lao vun vút trên dòng Lô Giang; tiếng hò reo, cổ vũ náo nhiệt của du khách hai bên bờ hồ Điển Triệt; cờ đỏ rợp trời tung bay trong gió; cả mồ hôi và tiếng cười giòn giã của những tay bơi chải dạn dày sương gió…tất cả hòa quyện, tạo nên ngày hội truyền thống Bơi chải Tứ Yên náo nhiệt, vui tươi, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Lễ hội Bơi chải Tứ Yên (Sông Lô) năm 2017 diễn ra trong không khí náo nhiệt. Ảnh Trà Hương 

Mặc dù 8 giờ mới khai hội, song, ngay từ lúc trời tờ mờ sáng, các vận động viên bơi chải cùng hàng nghìn người dân xã Tứ Yên (Sông Lô) và du khách thập phương đã đứng chật kín hai bên bờ hồ Điển Triệt, phía trước Đình Yên Lập để chờ đợi cuộc đua tài diễn ra. Những năm trước, Đội miền Yên Lương thường giành ngôi vô địch, song điều ấy không làm cho tinh thần của các đội bạn giảm sút, ngược lại, ý chí chiến đấu của các vận động viên càng thêm quyết liệt. Ông Nguyễn Quốc Huy, Đội trưởng Đội miền Yên Phú khẳng định sẽ cùng các anh em trong đội quyết tâm thi đấu, giành ngôi vô địch trong năm nay. Còn ông Dương Tiến Diên, 60 tuổi, vận động viên bơi chải “già” nhất Đội miền Yên Lương cũng tích cực động viên anh em trong đội cố gắng thi đấu, giữ vững ngôi vị quán quân.

Trước không khí gay cấn, quyết liệt của các đội tham gia thi đấu, tinh thần của cụ Nguyễn Hữu Thiệp (Tứ Yên) càng thêm phấn chấn. Cụ cho biết, năm nay là lần thứ 7 diễn ra Lễ hội Bơi chải xã Tứ Yên cũng là năm thứ 7 cụ tham gia lễ hội, khi thì là khán giả cổ vũ, khi là thành phần Ban Tổ chức. Do đó, cụ thông hiểu tường tận về Lễ hội Bơi chải truyền thống của địa phương. Theo cụ, lễ hội được bắt nguồn từ lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc từ thế kỷ thứ VI. Năm 544, trước sự tấn công của quân Lương, vua Lý Nam Đế (tức Lý Bí) rút quân từ Long Biên (Hà Nội) về xây dựng căn cứ ở miền rừng núi Lập Thạch. Sau đó, ngài đem quân mai phục ở vùng hồ Điển Triệt (Tứ Yên) để giao chiến với quân giặc. Tại đây, đã diễn ra trận thủy chiến vang dội. Mặc dù thất bại do lực lượng còn non yếu, song, cuộc khởi nghĩa đã để lại những dấu tích hào hùng trên mảnh đất Tứ Yên, khiến mỗi người dân nơi đây luôn cảm thấy tự hào về quê hương. Để tưởng nhớ công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc Lý Bí, nhân dân xã Tứ Yên đã dựng đình, miếu thờ tự. Hàng năm, nhân dân tổ chức Lễ hội Bơi chải nhằm gợi nhớnhững trận thủy chiến hào hùng của dân tộc trên dòng Lô Giang xưa. Vào ngày lễ hội, nhân dân địa phương tổ chức tế lễ ở đình miếu, rước kiệu và bơi chải giữa hai làng Yên Lương và Yên Lập vào các ngày 24, 25/5 Âm lịch.

 

Từ sáng sớm, hàng nghìn người dân địa phương và du khách thập phương đến cổ vũ cho các đội bơi chải xã Tứ Yên 

Trước giờ thi đấu, các làng sắm lễ vật cúng Hà Bá. Các lễ vật sau khi cúng được đem đổ xuống sông. Trước cửa Đình Yên Lập, những chiếc chải dàn hàng ngang dưới sông chờ hiệu lệnh.

Những chiếc chải được đóng bằng gỗ chò, sơn đỏ. Thân chải dài 20,5m, lòng chải chia thành nhiều khoang. Mỗi chải có 36 tay giầm, chia thành 18 cặp. Đầu chải hình đầu chim phượng, thân chải uốn hình đuôi tôm cong ngược. Trước kia, những vận động viên bơi chải được tuyển chọn kỹ lưỡng, là những trai tráng khỏe mạnh, giỏi bơi lội. Nhưng nay, do nhiều thanh niên đi học, làm ăn xa, nên các đội quy tụ cả những vận động viên trung tuổi. Khi thi đấu, các vận động viên quỳ một chân xuống mạn chải theo tư thế thống nhất, tay cầm giầm đúng chiều. Khi bơi phải theo đúng nhịp hò của người hò mõ, tay bơi miệng phụ họa theo tiếng hò.

Năm nay, Lễ hội Bơi chải Tứ Yên chỉ diễn ra trong một ngày duy nhất 19/6/2017 (tức ngày 25/5/2017 Âm lịch). Lễ hội có 3 đội tham gia thi đấu, đại diện cho 3 miền: Yên Lương, Yên Lập, Yên Phú. Mỗi đội gồm 30 người. Sau khi có hiệu lệnh, các vận động viên thỏa sức vung giầm, cố gắng để chải của mình lao lên trước. Các đội chạy 5 vòng quanh Soi Rạng, trên đoạn đường sông dài khoảng 3 km. Trước sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả, các đội thi đấu quyết tâm trên tinh thần đoàn kết. Ngoài sự đoàn kết, quyết tâm của các tay bơi, còn cần đến sự mưu trí của các tay lái, làm sao cho chải lướt đi trên đoạn đường ngắn nhất. Khi gặp chải đối phương tiến sát, cố ý gây cản trở thì lúc đó cần phải đẩy chải đối phương ra xa. Người cầm lái phải có tâm thế vững vàng, giữ cho chải không bị ngoặt. Những giọt mồ hôi rơi trên gương mặt những vận động viên, những tiếng hò reo, cổ vũ của khán giả khiến không khí lễ hội trở nên quyết liệt hơn. Chung cuộc, Đội miền Yên Phú đạt giải Nhất, tiếp theo là Đội miền Yên Lập và giải Ba thuộc về đội miền là Yên Lương.

 

Khán giả cuồng nhiệt cổ vũ cho các đội thi đấu

 

 

Mỗi đội gồm 30 người. Các đội thi đấu trên đoạn sông dài khoảng 3 km, chạy 5 vòng quanh Soi Rạng, trước cửa Đình Yên Lập 

Lễ hội Bơi chải Tứ Yên được khôi phục vào năm 2010. Từ đó đến nay, lễ hội đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của nhân dân địa phương, mỗi năm thu hút hàng trăm du khách thập phương đến với lễ hội. UBND tỉnh đã đầu tư, hỗ trợ cho xã số tiền 300 triệu đồng để đóng ba chiếc chải. Tuy nhiên, xã Tứ Yên có 4 thôn: Yên Lập, Yên Mỹ, Yên Phú, Yên Lương, do đó, mỗi năm lại có 1 thôn không được tham gia lễ hội. Ông Dương Tiến Liên, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Bơi chải Tứ Yên bày tỏ mong muốn, các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, hỗ trợ xã đóng thêm 1 chiếc chải để các thôn trong toàn xã đều được tham gia lễ hội.

Bạch Nga

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *