Tối 28/4, Nhà hát Nghệ thuật tỉnh tổ chức công diễn vở chèo “Người Vĩnh Phúc”. Tới dự có các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan và một số lãnh đạo sở, ban, ngành tại buổi công diễn
Câu chuyện kể về những người lính thời chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra ác liệt. Họ là những người con của quê hương Vĩnh Phúc, chung một chiến hào. Họ xuất thân là nông dân nghèo nhưng chiến đấu vô cùng anh dũng, gan dạ, xả thân. Cả tiểu đội bị thương phải về tuyến sau điều trị. Khi ra quân, họ trở lại quê hương.
Không cam đành nhìn quê hương khó khăn, nhìn người dân quê chìm trong nghèo đói, họ phát huy truyền thống hiếu học, noi gương những thế hệ danh nhân của quê hương đi trước có trí huệ xuất chúng. Họ quyết tâm thi cử, học hành.
Trên bước đường học hành cũng như trong cuộc sống sinh hoạt vô cùng gian khổ, họ thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau dưỡng thương trị bệnh.
Bên cạnh đó, có những người trong vùng vì thói ghen ăn tức ở, đố kỵ người tài đã gây ra rất nhiều phiền toái cho họ. Nhưng với bản lĩnh, tư chất của những người lính, đặc biệt là quan điểm sống của người Vĩnh Phúc, họ đã vượt qua và học hành đỗ đạt.
Với những ý tưởng táo bạo đi trước thời đại, họ tìm cách kinh doanh, cống hiến những ý tưởng sáng tạo độc đáo, tiếp tục vượt qua những thử thách gian nan, sau cùng họ thành công rực rỡ.
Vở chèo Người Vĩnh Phúc là một tác phẩm có nội dung tư tưởng nhân văn, có giá trị nghệ thuật cao, phản ánh cuộc sống bình dị của người dân Vĩnh Phúc thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và khắc hoạ đậm nét hình tượng những người lính bất khuất trong chiến đấu, kiên cường trong công cuộc xoá nghèo vượt khổ của quê hương. Công diễn vở chèo “Người Vĩnh Phúc” nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023) và Ngày Quốc tế lao động 1/5.
KD – TTDL